Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số của EU ảnh hưởng đến Facebook, Google và Big Tech như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đạo luật DSA là một quy định buộc phía công ty phải chịu trách nhiệm pháp lý về mọi thứ từ tin giả đến thao túng người mua hàng, hoạt động tuyên truyền sai lệch, tội phạm, lạm dụng trẻ em.

Ảnh: The Guardian
Ảnh: The Guardian

Đạo luật về kỹ thuật số buộc hơn 40 gã khổng lồ trực tuyến bao gồm Facebook, X, Google và TikTok phải giám sát kỹ hơn nội dung họ mà phân phối trong EU sẽ có hiệu lực vào ngày 25 tháng 8. Vậy đạo luật đó là gì và các cơ quan quản lý sẽ thực thi nó như thế nào?

Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA)

DSA gồm nhiều quy định pháp lý áp dụng cho bất kỳ hoạt động kỹ thuật số nào trong các quốc gia EU, buộc các công ty phải chịu trách nhiệm pháp lý về mọi thứ, từ tin giả đến thao túng người mua hàng, hoạt động tuyên truyền, tội phạm cũng như lạm dụng trẻ em.

DSA sẽ áp dụng cho toàn bộ các nhà khai thác lớn và nhỏ, nhưng các quy tắc này được phân chia theo từng cấp độ, với các điều khoản gắt gao nhất được áp dụng cho 17 công ty trong đó có Facebook và Amazon được chỉ định là “nền tảng trực tuyến rất lớn” và hai “công cụ tìm kiếm trực tuyến rất lớn” Google và Bing.

Những công ty không tuân thủ sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt bao gồm các khoản tiền phạt lớn – có thể lên tới hàng trăm triệu euro – và lệnh cấm trên toàn EU.

Các quy định mới như thế nào?

Chúng có chủ đề xoay quanh 5 vấn đề chính, bao gồm thông tin sai lệch và các rủi ro xã hội khác.

1. Sản phẩm trái phép

Các nền tảng sẽ có nghĩa vụ chống lại việc bán các sản phẩm và dịch vụ bất hợp pháp, điều này sẽ ảnh hưởng đến Amazon và Facebook Marketplace cùng những nền tảng khác.

2. Nội dung bất hợp pháp

Các biện pháp mới được thiết kế để trấn áp nội dung bất hợp pháp – bao gồm tuyên truyền của Nga, can thiệp vào bầu cử, tội phạm và tác hại trực tuyến bao gồm quấy rối và lạm dụng trẻ em – đồng thời đảm bảo rằng các quyền cơ bản được luật pháp công nhận trên khắp Châu Âu, bao gồm quyền tự do ngôn luận và bảo vệ dữ liệu, được bảo toàn.

3. Bảo vệ trẻ em

Đối với các bậc cha mẹ không thể kiểm soát mọi thứ mà con họ nhìn thấy, nhóm quy tắc này có lẽ là điều quan trọng nhất.

Các nền tảng sẽ bị cấm nhắm mục tiêu đến trẻ em bằng quảng cáo dựa trên dữ liệu cá nhân hoặc cookie của người dùng nhỏ tuổi.

Các công ty truyền thông xã hội lớn sẽ được yêu cầu thiết kế lại hệ thống của họ để đảm bảo “mức độ riêng tư, an ninh và an toàn cao cho trẻ vị thành niên” và chứng minh rằng họ đã làm như vậy với cơ quan chuyên trách của EU.

Các nền tảng cũng sẽ phải thiết kế lại “hệ thống đề xuất” nội dung của mình để giảm thiểu rủi ro cho trẻ em.

Họ cũng sẽ phải tiến hành đánh giá rủi ro về những tác động tiêu cực đối với sức khỏe tâm thần của trẻ em và trình bày trước cơ quan chuyên trách của EU vào tháng 8.

Năm ngoái, các công ty truyền thông xã hội lớn nhất thế giới đã bị cáo buộc “kiếm tiền một cách mù quáng” sau một cuộc điều tra ra phán quyết rằng nội dung trực tuyến có hại đã góp phần gây ra cái chết của Molly Russell, 14 tuổi ở Anh.

4. Đa dạng chủng tộc và giới tính

Các công ty truyền thông xã hội sẽ không thể sử dụng dữ liệu cá nhân nhạy cảm bao gồm chủng tộc, giới tính và tôn giáo để nhắm mục tiêu đến người dùng bằng quảng cáo.

5. Cấm hoạt động thao túng người dùng

Đối với người mua hàng, đây là biện pháp bảo vệ khỏi các giao diện hàng ngày được sử dụng để thao túng người dùng mua những thứ họ không cần hoặc không muốn.

Một cuộc kiểm tra đối với 399 cửa hàng trực tuyến do EU và các cơ quan quản lý người tiêu dùng thực hiện trong năm nay cho thấy 40% dựa vào “các hoạt động lôi kéo để khai thác lỗ hổng của người tiêu dùng hoặc lừa họ”.

Ủy viên tư pháp EU tiết lộ rằng 42 trang web đã sử dụng đồng hồ đếm ngược giả với thời hạn mua hàng giả, trong đó 70 trang web “giấu” thông tin quan trọng như chi phí giao hàng hoặc tình trạng sẵn có của những sản phẩm rẻ hơn.

Cuộc kiểm tra phát hiện ra rằng 23 trang web đã che giấu thông tin với mục đích “thao túng người tiêu dùng đăng ký”.

Theo các quy định mới, những điều này cần được loại bỏ.

Còn gì nữa không?

Người tiêu dùng sẽ có thể báo cáo những vi phạm và mong đợi những thay đổi.

Ngoài ra, các công ty công nghệ sẽ cần phải ngừng gây khó khăn cho việc gỡ cài đặt phần mềm và ứng dụng được tải sẵn.

Các công ty công nghệ lớn làm gì với luật mới?

Người phát ngôn của EU cho biết: “Đối với các nền tảng trực tuyến rất lớn, rủi ro xã hội cao hơn và các quy tắc bao gồm các biện pháp bổ sung để đánh giá và giảm thiểu rủi ro xã hội có liên quan đến hệ thống quảng cáo của họ”.

Những quy tắc này được coi là để chuẩn bị cho hệ thống quản lý mới, hiện đã được 44 công ty công nghệ lớn tán thành.

Còn X thì sao?

X, trước đây gọi là Twitter, đã từ bỏ thỏa thuận thực hành quy tắc tự nguyện vào đầu năm nay, nhưng vào tháng 6, họ cho biết họ sẽ tuân thủ các quy tắc sau khi một nhóm quan chức EU do ủy viên thị trường nội bộ Thierry Breton dẫn đầu đã đến thăm trụ sở chính của X ở California để “kiểm tra gắt gao” hệ thống kiểm duyệt và tuân thủ của công ty.

Ông Breton, ủy viên chịu trách nhiệm thực thi DSA, hoan nghênh sự thay đổi quan điểm của ông Elon Musk, nhưng cảnh báo rằng sẽ “không có biện pháp nửa vời” khi xử phạt tội phạm trực tuyến.

Sau chuyến đi tới trụ sở của X vào tháng 6, ông Breton cho biết:

“Tôi đã nói với ông Elon Musk và bà Linda Yaccarino [giám đốc điều hành của Twitter] rằng Twitter nên đặc biệt tập trung trong việc chuẩn bị giải quyết nội dung bất hợp pháp ở Liên minh Châu Âu".

“Việc chống lại thông tin sai lệch, sẽ là một lĩnh vực trọng tâm đặc biệt khi chúng ta đang bước vào thời kỳ bầu cử ở châu Âu”, ông nói thêm

Các biện pháp trừng phạt là gì?

Một công ty không tuân thủ luật pháp có thể phải đối mặt với lệnh cấm hoàn toàn ở châu Âu hoặc bị phạt tới 6% doanh thu toàn cầu.

Tháng trước, X cho biết họ đang trên đà tạo ra doanh thu 3 tỉ USD. Mức phạt 6% sẽ tương đương 180.000 USD.

Theo The Guardian