Nếu như việc lập quỹ trái phép và biển lận quỹ của Posco (Hàn Quốc) tại một số gói thầu đường cao tốc nhiều khả năng là chuyện nội bộ của nhà thầu, thì tại Dự án Giao thông nông thôn 3, Dự án Ưu tiên phát triển hạ tầng Đà Nẵng, sai phạm đã không còn ở dạng dấu hiệu khi Ngân hàng Thế giới đã chính thức cấm đấu thầu có thời hạn đối với Louis Berger (đơn vị tư vấn của Hoa Kỳ) do có hành vi hối lộ để giành được hợp đồng.
Vụ tai tiếng này được phát lộ ngay sau khi lãnh đạo Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) yêu cầu phía Việt Nam phải hoàn lại số tiền đã giải ngân không đúng tại vụ án nhà thầu JTC đưa hối lộ cho một số lãnh đạo ngành đường sắt tại Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 - giai đoạn I, đồng thời phát đi cảnh báo sẽ ngừng cung cấp vốn nếu có thêm một vụ tham nhũng thứ 3 liên quan tới các công trình sử dụng vốn ODA Nhật Bản.
Điều đáng lo ngại là, tương tự hai vụ án tham nhũng trước đó tại các dự án ODA Nhật Bản, trong vụ việc do Ngân hàng Thế giới vừa công bố, sai phạm cũng không do phía Việt Nam phát hiện. Thậm chí, với một số vụ, các cơ quan chức năng chỉ biết sau khi báo chí nước ngoài đăng tin.
Mặc dù các dự án ODA thường là những công trình lớn, phức tạp về kỹ thuật và thực hiện trong thời gian dài với nhiều bên liên quan, nhưng số lượng vụ việc được phát hiện và xử lý trong thời gian qua được nhìn nhận là chưa tương xứng với đánh giá rủi ro trong lĩnh vực này.
Trong bối cảnh chúng ta vẫn còn tiếp tục phải dựa vào vốn ODA để phát triển cơ sở hạ tầng, thì việc nhanh chóng điều tra đưa ra xét xử một cách nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật tại dự án ODA, đồng thời tìm ra những cơ chế ngăn chặn hữu hiệu, không để tái diễn vụ việc tương tự là điều kiện tiên quyết để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn quý giá này.
Hiện tại, phía Việt Nam đang tích cực phối hợp với các nhà tài trợ để nghiên cứu đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo quản lý chặt các dự án ODA, tránh để xảy ra tham nhũng, thất thoát. Quốc hội cũng đã ban hành Luật Đầu tư công, Luật Phòng chống tham nhũng nhằm ngăn ngừa, hạn chế tiêu cực trong các dự án sử dụng vốn nhà nước, trong đó có vốn vay.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã khẳng định sẽ không có bất cứ vùng cấm nào trong quá trình xử lý các vụ việc tham nhũng. Việc 6 quan chức ngành đường sắt sắp bị đưa ra xét xử vì liên quan đến vụ án tham nhũng đã cho thấy điều đó.
Đối với hai dự án sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới, các cơ quan chức năng phải sớm vào cuộc để làm rõ việc ai, tổ chức nào đã nhận tiền của Louis Berger và cơ chế dàn xếp diễn ra như thế nào để nhà thầu Hoa Kỳ này có thể giành được các hợp đồng tư vấn trị giá hàng triệu USD không đúng quy định.
Dư luận cả nước và cộng đồng nhà tài trợ quốc tế đang theo dõi sát cách xử lý vụ việc của Việt Nam. Nếu hành động quyết liệt thì sẽ không quá khó và quá lâu để đưa vụ việc ra ánh sáng. Đây không chỉ là câu chuyện buộc một cá nhân, tập thể nào đó phải chịu trách nhiệm, hay nâng cao hiệu lực trong phòng chống tham nhũng, mà còn là uy tín của quốc gia trong mắt cộng đồng quốc tế.
Theo Báo Đầu tư