“Chán đô la” không giống “chán vàng”

Thỉnh thoảng ông đi công tác nước ngoài. Có vé máy bay, visa, hộ chiếu, ông đến ngân hàng xin mua 3.000 euro. Đồng tiền chung của châu Âu thường biến động mạnh, nên ông canh chừng ngày nào tỷ giá tiền đồng/euro thấp thì mua.
Đô la Mỹ là đồng tiền thanh toán quốc tế, nó không giống vàng (vốn là thứ hàng hóa kim loại cơ bản) và vai trò thanh toán của nó ở Việt Nam vẫn còn rất lớn. Ảnh: Tuệ Doanh
Đô la Mỹ là đồng tiền thanh toán quốc tế, nó không giống vàng (vốn là thứ hàng hóa kim loại cơ bản) và vai trò thanh toán của nó ở Việt Nam vẫn còn rất lớn. Ảnh: Tuệ Doanh

Lần này khi trình đủ giấy tờ, ngân hàng không bán ngoại tệ cho ông, họ trả lại kèm lời nhắn: “Hai tuần nữa bác mới đi, chúng tôi chỉ có thể bán cho bác hai ngày trước khi đi”. “Khi đó cập rập bao công chuyện, sao tôi chạy ra ngân hàng được? Sao không bán cho tôi sớm như trước?”. “Quy định mới của Nhà nước về mua bán ngoại tệ đó bác. Ngày mai lên đường, tốt nhất hôm nay bác hãy ra mua”.

Ký quỹ nộp thêm tiền theo tỷ giá

Quy định mới mà ngân hàng đề cập trong trường hợp trên chính là Thông tư 15 “Hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của các tổ chức tín dụng”. Thông tư được ký ban hành ngày thứ Sáu (2-10-2015) và có hiệu lực tức thì, sáng thứ Hai (5-10-2015) khiến không ít ngân hàng, người dân, doanh nghiệp “trở tay” không kịp. Người đàn ông nói trên cuối cùng đã ra thị trường tự do mua euro. Người Việt mỗi khi đi nước ngoài hay lo xa, nhất là chuyện tiền bạc nơi xứ người. Ngày mai ra sân bay, hôm nay mới đến ngân hàng mua ngoại tệ, chắc không phải tâm lý người mình!

Những nhà nhập khẩu mới gặp phiền toái rõ nhất. Mở thư tín dụng (L/C) nhà nhập khẩu thường phải ký quỹ một tỷ lệ nhất định trên tổng giá trị thanh toán. Mức ký quỹ tùy thẩm định của ngân hàng với khách hàng. Nếu doanh nghiệp đã có quan hệ tín dụng, sử dụng các dịch vụ khác của ngân hàng lâu năm, tỷ lệ ký quỹ có thể 10-30%, còn công ty mới toanh thì ký quỹ 70-80%. Trước giờ L/C thanh toán bằng đồng tiền nào thì thường ký quỹ bằng đồng tiền ấy, có thể đô la Mỹ, euro, yen... Quy định cũng cho phép nhà nhập khẩu ký quỹ bằng tiền đồng, song ít doanh nghiệp và ngân hàng áp dụng vì tỷ giá các ngoại tệ mạnh “nhảy múa” hàng ngày, doanh nghiệp phải nộp thêm tiền khi tỷ giá biến động.

Nay theo Thông tư 15, doanh nghiệp không được ký quỹ bằng ngoại tệ, chỉ ký quỹ duy nhất bằng tiền đồng. Với những hợp đồng thanh toán giá trị lớn, doanh nghiệp có khả năng chạy ra chạy vào ngân hàng nộp thêm tiền ký quỹ... mệt nghỉ!

Vì sao cầu ngoại tệ tăng trên bình diện cả vĩ mô và vi mô mà tỷ giá lại biến động theo hướng đồng tiền Việt lên giá? Câu trả lời chính xác nhất luôn thuộc về thị trường!

Những doanh nghiệp đang có dư nợ ngoại tệ với ngân hàng, nay muốn trả nợ trước hạn cũng được. Ngân hàng được phép bán ngoại tệ, doanh nghiệp trả nợ được phép mua, nhưng mua là phải trả liền, không được để ngoại tệ dây dưa trên tài khoản. Ngân hàng bán ngoại tệ rồi, tối đa hai ngày sau phải thu nợ liền tay, không được để sang ngày thứ ba. Thanh toán bộ chứng từ cũng tương tự, mua ngoại tệ mà chưa thanh toán ngay là không được.

Thêm nữa, trước đây việc gửi tiền sinh hoạt phí cho du học sinh ở nước ngoài là không hạn chế, nay giới hạn tối đa 15.000 đô la Mỹ/năm (quy đổi ra các ngoại tệ mạnh khác cũng cùng hạn mức, quy định này có cả trước Thông tư 15 - NV). Tiền học phí trả riêng theo giấy báo tiền học của trường gửi cho các sinh viên du học. Cuộc sống, sinh hoạt dịch vụ ở các nước châu Âu, châu Mỹ đắt đỏ, trong hạn mức bình quân 1.250 đô la Mỹ/tháng cho các em, tiền thuê nhà, (ký túc xá) và điện, nước, Internet, truyền hình đã chiếm khoảng 60-70%. Phần còn lại chi cho ăn uống, quần áo, sách vở, giao thông đi lại, dịch vụ ở trường, hay đáp ứng các nhu cầu văn hóa, thể thao khó mà đủ dù sinh viên Việt có tiết kiệm đến đâu.

“Sóng” lớn

Quy định mới chặn cầu ngoại tệ đột ngột, mà chính xác là đẩy cầu ngoại tệ về phía sau, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sụt giảm bất ngờ của tỷ giá hối đoái trong tuần qua. Ba ngày đầu tiên sau khi Thông tư 15 có hiệu lực, tỷ giá đồng Việt Nam/đô la Mỹ bán ra được các ngân hàng niêm yết theo hướng lùi dần từ trên 22.500 đồng về 22.410 đồng/đô la Mỹ. Sang ngày thứ Tư (8-10-2015) nó lùi sâu về 22.200 đồng, thậm chí có thời điểm tỷ giá trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng chào mua bán xung quanh 22.100-22.150 đồng/đô la Mỹ. Bộ phận kinh doanh ngoại hối của một ngân hàng cho biết họ mua được ngoại tệ ở mức 22.175 đồng/đô la Mỹ. Ngân hàng Nhà nước hôm đó đã “động viên” các ông lớn nửa quốc doanh bán ra nhiều ngoại tệ và cú rơi chớp nhoáng này của tỷ giá đã tạo ra “con sóng” lớn chưa từng có trong vòng 24 tháng qua.

Ghi nhận của chúng tôi cho thấy một số ngân hàng nhỏ tạm ngưng mua ngoại tệ của doanh nghiệp để nghe ngóng động tĩnh thị trường (một ngày trước đó họ còn niêm yết giá mua và mua của nhà xuất khẩu với giá 22.350-22.360 đồng/đô la Mỹ, sang ngày hôm sau đã thấy lỗ ngay tức khắc); thị trường tự do liên tục cập nhật và chạy theo tỷ giá liên ngân hàng; một số tổ chức tín dụng đã mua được hàng triệu, chục triệu tiền mặt từ khách hàng cá nhân bên ngoài mang vào bán cho ngân hàng các ngoại tệ mạnh như euro, yen, bảng Anh, đô la Úc, đô la Hồng Kông, đô la Singapore. “Lần đầu tiên trong một thời gian dài chúng tôi mua được nhiều ngoại tệ mạnh đến thế trong một ngày từ thị trường tự do”, nhân viên kinh doanh ngoại hối một ngân hàng cho biết.

Khá nhanh, ngày cuối tuần 9-10-2015 tỷ giá dập dình chạy lên sau khi nguồn bán ra từ các ngân hàng lớn co lại. Giá niêm yết bán ra của ngân hàng khoảng 22.280-22.290 đồng/đô la Mỹ. Một số ngân hàng tranh thủ short (bán ra) những ngày đầu tuần đã cover (mua lại) bù đắp trạng thái ngoại hối. Một tỷ lệ nhà nhập khẩu đã kịp làm lại hồ sơ giấy tờ và mua đô la Mỹ để thanh toán khi ngân hàng đưa ra mức giá quá tốt, theo nhận định của họ.

Sáng 14-10, giá bán ra niêm yết của các ngân hàng đã chạy lên 22.450-22.460 đồng/đô la, cao gần bằng mức giá của thời điểm trước khi Thông tư 15 có hiệu lực

“Chán” đô la?

Ngân hàng Nhà nước đã tương đối thành công với chính sách làm cho người dân “chán vàng” do tận dụng được những yếu tố khách quan thuận lợi trên thị trường tài chính quốc tế, trong đó quan trọng là xu thế giảm kéo dài của giá vàng thế giới và chênh lệch ở mức cao giữa giá vàng nội - ngoại. Tuy nhiên đô la Mỹ là đồng tiền thanh toán quốc tế, nó không giống vàng (vốn là thứ hàng hóa kim loại cơ bản) và vai trò thanh toán của nó ở Việt Nam vẫn còn rất lớn. Nợ công không hề giảm bớt trong những năm qua và đang tiệm cận ngưỡng an toàn, các khoản nợ phải trả cả gốc và lãi hàng năm của Chính phủ ngày một cao, dự trữ ngoại hối tăng về số lượng nhưng lại giảm tính theo tuần nhập khẩu, nhập siêu tăng dần... càng làm cho vai trò thanh toán của đô la Mỹ ở Việt Nam không hề yếu đi.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong công bố ngày 6-10-2015 dự báo cán cân vãng lai của Việt Nam sẽ giảm mạnh, từ mức 4,9% GDP năm ngoái xuống 0,7% năm nay và thâm hụt âm 0,9% năm tới.

Đáng lo trong khi khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang xuất siêu 11,9 tỉ đô la Mỹ, thì khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu 15,8 tỉ đô la Mỹ chín tháng đầu năm theo số liệu của Bộ Công Thương. Các doanh nghiệp FDI tầm cỡ như Samsung thường để ngoại tệ trên tài khoản ở ngân hàng nước ngoài, không bán cho ngân hàng.

Về tổng thể, nhập siêu ba quí đầu năm chưa đầy 4 tỉ đô la Mỹ nhưng nguồn ngoại tệ không nhỏ đang nằm trong tay doanh nghiệp nước ngoài và họ không quan tâm đến lãi suất 0%/năm như quy định mới. Nhà điều hành liệu có tiến tới yêu cầu họ kết hối như đã từng áp dụng với doanh nghiệp trong nước?

“Chán đô la” với nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan không giống “chán vàng”. Một chi tiết nhỏ: người Việt du lịch, học hành, chữa bệnh... nước ngoài không mang vàng theo, họ mang ngoại tệ, hoặc họ sử dụng thẻ tín dụng thanh toán bằng ngoại tệ, không ai dùng thẻ thanh toán bằng vàng cả!!!

Thêm câu hỏi nhiều độc giả hỏi mà chúng tôi không thể trả lời, đành qua bài báo chuyển tới nhà điều hành: Vì sao cầu ngoại tệ tăng trên bình diện cả vĩ mô và vi mô mà tỷ giá lại biến động theo hướng đồng tiền Việt lên giá? Hay mức điều chỉnh tỷ giá và biên độ tỷ giá trong tháng 8 là quá đà, có thể chưa đo lường hết cung cầu thị trường? Hay cầu đang bị dồn nén để thỏa mãn cho bằng được yếu tố thời gian?
Câu trả lời chính xác nhất luôn thuộc về thị trường!

Theo TBKTSG