Chồng chéo thẩm quyền
Thừa nhận hạn chế trên trong phiên họp của Ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế một cửa quốc gia tổ chức sáng 4/6, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc thẳng thắn, công tác hỗ trợ chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
Những vướng mắc trong quy trình xử lý nghiệp vụ được lãnh đạo ngành hải quan chỉ ra là yêu cầu khai báo của các cơ quan Nhà nước hiện chưa đồng bộ.
“Doanh nghiệp phản ánh vẫn phải nộp chứng từ giấy song song với hồ sơ điện tử, một số thông tin đã khai trên Công thông tin một cửa quốc gia vẫn phải khai lại trên hệ thống của cơ quan Nhà nước khác,” ông Nguyễn Ngọc Túc nói.
Những tồn tại này theo ông xuất phát từ thực tế chồng chéo về thẩm quyền ra quyết định trên cùng một loại chứng từ do nhiều cơ quan Nhà nước cùng xử lý.
Cũng theo ông, hiện chưa có quy định rõ để xác định trách nhiệm và cơ chế tham vấn giữa cơ quan có liên quan khi xử lý thông tin trên cổng thông tin một cửa quốc gia.
Đặc biệt, theo ông Túc, việc chưa sẵn sàng về hệ thống công nghệ thông tin của các cơ quan Nhà nước để kết nối với Cổng thông tin quốc gia đã khiến những vướng mắc về thủ tục của doanh nghiệp vẫn xuất hiện thời gian qua.
Những khó khăn này được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ. Tuy nhiên, riêng với vấn đề công nghệ thông tin, bà Tiến khẳng định, kinh phí thường xuyên cho các bộ, ngành nâng cấp hệ thống mạng “gần như không có” nên việc sẵn sàng cho hệ thống kết nối diễn ra chậm.
Khó khăn về hạ tầng được lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh không chỉ một lần trong phần phát biểu của mình. Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng băn khăn việc, tới cuối năm khi Việt Nam kết nối ASEAN thì hệ thống liệu có đảm bảo tương thích và ăn khớp hay không.
Những vướng mắc về kinh phí như trên cũng được đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng tình.
Cần có “quy trình” chứ không chỉ “quy chế”
Lắng nghe những vướng mắc từ các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho biết, vấn đề kinh phí đã được báo cáo Thủ tướng Chính phủ và sẽ có phân bổ kịp thời cho các đơn vị. Số tiền được Phó Thủ tướng cho biết là khoảng 60 tỷ đồng.
Với những hạn chế khác, Phó Thủ tướng chỉ đạo đề nghị xem xét kỹ và đánh giá nguyên nhân, sửa chữa. Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo chấm dứt với việc nộp chứng từ giấy song song với hồ sơ điện tử mà doanh nghiệp phản ánh.
Việc này theo Thủ tướng có thể không áp dụng một cách máy móc khi chưa đủ điều kiện nhưng cần đặt lộ trình cụ thể rồi chấm dứt việc nhận hồ sơ giấy. Điều này theo ông hoàn toàn có thể làm được.
Với những bộ, ngành đã kết nối cơ chế một cửa quốc gia, Phó Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện quy chế phối hợp. Thậm chí, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, các cơ quan chức năng cần tiến tới “quy trình” chứ không chỉ là “quy chế.”
Quy trình này theo Phú Thủ tướng có thể quy định rõ việc xảy ra liên quan tới một lĩnh vực thì xử lý ra sao, ai chịu trách nhiệm.
“Chúng ta đừng cầu toàn mà cứ hoàn thiện dần, sai đâu sửa đấy. Không có bước đi ban đầu thì không thể tới đích cuối cùng được,” Phó Thủ tướng nói.
Cũng trong buổi họp vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và đại diện Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức nhấn nút bắt đầu kết nối 3 bộ hệ thống một cửa quốc gia. Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công Thương cũng đã kết nối vào hệ thống mới này.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016-2020, cơ quan chức năng sẽ mở rộng cơ chế một cửa quốc gia với tất cả các bộ, ngành, kết nối đầy đủ với cơ chế một cửa ASEAN và sẵn sàng trao đổi với đối tác thương mại ngoài ASEAN.
Qua đó, doanh nghiệp thay vì phải chuẩn bị 5, 6 bộ hồ sơ và "gõ cửa" từng bộ, ngành để chuẩn bị các loại giấy tờ như giấy phép kiểm dịch, tiêu chuẩn chất lượng,... thì sắp tới sẽ chỉ cần một bộ hồ sơ duy nhất. Doanh nghiệp chỉ cần gửi thông tin lên hệ thống cổng thông tin một cửa quốc gia và cũng nhận kết quả xử lí từ đầu mối duy nhất này.
Theo Vietnam Plus