Sau 22 năm, Ngân hàng Quân đội (MB) đã trở thành nhà băng dẫn đầu toàn khối cổ phần, đứng trong Top 5 về lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh. Nhưng, nếu so về quy mô, MB vẫn còn một khoảng cách khá xa so với 4 ngân hàng quốc doanh thuộc nhóm đầu. Tuy nhiên, theo Thiếu tướng - Tiến sĩ Lê Công, Tổng giám đốc MB, nên nhìn nhận thực tế này là một thách thức lớn cần vượt qua thay vì hoàn toàn không dám nghĩ tới việc phấn đấu ngang bằng với họ.
- Sau khi mục tiêu vào Top 3 ngân hàng cổ phần (không tính nhà băng có vốn Nhà nước) của giai đoạn 2011-2015 đã hoàn thành, tầm nhìn tiếp theo của MB như thế nào?
- Thực hiện chiến lược giai đoạn 2011 - 2015, mục tiêu MB đặt ra là nằm trong Top 5 ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam. Khi mới bắt đầu thực hiện, quả thật điều này cũng rất thách thức với chúng tôi. Lúc ấy, khối ngân hàng cổ phần có một số đơn vị còn lớn hơn nhiều, có thời điểm lợi nhuận của họ còn gấp đôi cả chúng tôi. Vì vậy, để dẫn đầu khối ngân hàng cổ phần như hiện nay là một thách thức và cần sự nỗ lực rất lớn của MB.
Trong giai đoạn 5 năm tới, 2016 - 2020, chúng tôi đặt mục tiêu rút ngắn khoảng cách với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối. Câu chuyện sẽ tương tự như giai đoạn trước, khi các ngân hàng trong nhóm đầu lớn gấp đôi, gấp ba MB. Như, xét về lợi nhuận, các đơn vị như Vietcombank, BIDV, Vietinbank lớn gấp đôi MB. Về mạng lưới, vốn, hay tổng tài sản, nhóm 4 ngân hàng nhà nước cũng lớn gấp hai đến ba lần so với MB.
Nói điều này để thấy, mỗi giai đoạn sẽ có những khó khăn riêng. So với 5 năm trước, mục tiêu MB đặt ra cũng thách thức hơn. Nhưng cũng như giai đoạn chiến lược 2011-2015, chúng tôi không ngại cạnh tranh và tin tưởng vào khả năng của MB so với các ngân hàng Top 4. Hiện nay, MB đã chuẩn bị sẵn sàng cho các nền tảng để phát triển vững chắc và duy trì vị thế trong nhóm 5 ngân hàng hàng đầu Việt Nam, với khoảng cách so với Top 4 được thu hẹp hơn. Thực tế mục tiêu này là có cơ sở bởi nếu xét về các chỉ tiêu hiệu quả như ROA, ROE, lợi nhuận trên đầu người hay trên điểm kinh doanh..., MB vẫn đang dẫn đầu toàn hệ thống.
- Kế hoạch của MB trong năm 2017 là gì?
- Với năm 2017, các chỉ tiêu tăng trưởng, MB sẽ phấn đấu tăng từ 10% trở lên. Sau khi thành công chiến lược 5 năm, chúng tôi đã phối hợp với Mc Kinsey xây dựng chiến lược mới trên cơ sở 2 nền tảng, 3 trụ cột và 22 sáng kiến chiến lược đã được làm tốt, đặt nền móng từ giai đoạn trước.
Theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước, 10 nhà băng đầu tiên sẽ kết thúc thí điểm triển khai Basel II vào năm 2018, nhưng với MB, có thể chúng tôi hoàn thành sớm hơn và từ cuối năm 2017 phấn đấu ứng dụng một số mô hình quản trị theo Basel II luôn. Thậm chí, chúng tôi cũng đặt mục tiêu sẽ chủ động nghiên cứu ứng dụng basel III vào một số mảng hoạt động của ngân hàng. MB hướng tới tầm nhìn là một ngân hàng thuận tiện, chuyển dịch sang ngân hàng thông minh, ngân hàng số.
- Trong xu hướng phát triển ngân hàng số, ông nhìn nhận thế nào về sự tham gia của các công ty fintech (đơn vị kết hợp mô hình kinh doanh sáng tạo với công nghệ để cung cấp dịch vụ tài chính)?
- Tôi đã đến một số công ty fintech của Mỹ và thấy họ đang phát triển rất nhanh, họ cũng phối hợp với một số ngân hàng chuyển giao năng lực số hoá của mình. Tôi cho rằng không nên nghĩ fintech sẽ "phá bĩnh" các ngân hàng, làm mất "miếng bánh" doanh thu... Ngược lại, các ngân hàng có một tài sản vô cùng quý giá là hệ thống cơ sở dữ liệu. Trên cơ sở kho vàng đó, các fintech muốn phát triển thì phải dựa vào ngân hàng để có được dữ liệu này. Nếu hai bên có thể hợp tác, kết hợp với nhau cùng chia sẻ cũng là một hướng tốt. Như MB, chúng tôi đang kết hợp nhiều mô hình, trong đó có cách "thuê bên ngoài" (outsource) nếu thấy lĩnh vực đó fintech làm tốt hơn.
- Trở lại những nhiệm vụ của năm 2016, xin ông cho biết cụ thể về kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm?
- Nhìn chung, các chỉ tiêu tăng trưởng của MB đều đạt mục tiêu đề ra. Sau 9 tháng, ngân hàng đạt lợi nhuận 2.734 tỷ đồng, hoàn thành 76% kế hoạch. Tổng tài sản tăng 15,5% so với cùng kỳ lên 240.000 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đạt gần 150.000 tỷ, tăng 19% so với đầu năm. Huy động vốn cũng đạt 188.000 tỷ, tăng 8,3% so với đầu năm.
Về nợ xấu, một mặt chúng tôi vẫn tiếp tục kiểm soát, giảm tỷ lệ nợ xấu từ 1,62% (đầu năm) xuống 1,36% (cuối tháng 9). Chúng tôi đặt mục tiêu không phát sinh nợ xấu mới và tiếp tục thu hồi nợ dưới chuẩn cũ. Với con số của MB, tôi tự tin là hoàn toàn chính xác và thực tế.
- Ông có quan điểm như thế nào về cách ứng xử với nợ xấu hiện nay, đặc biệt khi câu chuyện nên xử lý bằng nguồn tiền thật, tiền ngân sách một lần nữa lại đang "nóng" trong nghị trường Quốc hội và giới học giả?
- Tôi đã có dịp trao đổi với lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại quốc tế khi đến các nước châu Âu, Mỹ thì đều thấy nợ xấu không phải là vấn đề của riêng Việt Nam. Tuy nhiên, tùy đặc điểm từng nước mà cách xử lý sao cho phù hợp. Sáng tạo của Việt Nam là lập ra VAMC để quản lý các tài sản đảm bảo nhưng do VAMC còn vướng nhiều về cơ chế, môi trường pháp lý để tạo ra một thị trường mua bán nợ nên hoạt động còn khó khăn. Theo tôi đây là điểm cần tháo gỡ.
Còn về tiền để xử lý nợ xấu, dù "giải cứu" bằng cách nào thì vẫn có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến ngân sách. Trước đây, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để cùng xử lý, tôi rất ủng hộ chủ trương này bởi rất cần mọi cấp, mọi ngành cùng vào cuộc tháo gỡ.
Theo VnExpress