CEO FPT: Dữ liệu, đạo đức và văn hóa sẽ là 3 trụ cột mới của doanh nghiệp số trong tương lai gần

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Chia sẻ với báo giới bên lề Diễn đàn Dx Summit 2023, ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng Giám đốc FPT - cho rằng dữ liệu, đạo đức và văn hóa sẽ là 3 trụ cột mới của doanh nghiệp số trong tương lai gần.

Ông Nguyễn Văn Khoa phát biểu tại diễn đàn Dx Summit 2023
Ông Nguyễn Văn Khoa phát biểu tại diễn đàn Dx Summit 2023

Năm 2023 được Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ coi là “Năm dữ liệu số quốc gia”, ưu tiên thực hiện các chương trình về tạo lập, kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ban, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, việc triển khai kết nối và chia sẻ dữ liệu còn gặp nhiều khó khăn do tình trạng một số địa phương, bộ, ngành, còn có tình trạng cát cứ dữ liệu, cũng như Việt Nam vẫn thiếu các quy định pháp lý về vấn đề này.

Đây cũng chính là chủ đề của diễn đàn Dx Summit 2023 và là nội dung của cuộc trao đổi giữa ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng Giám đốc FPT, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) - với VietTimes bên lề sự kiện này.

Cần một chiến lược phát triển dữ liệu của Việt Nam

PV: Thưa ông, FPT và các doanh nghiệp công nghệ sẽ chia sẻ điều gì tại Diễn đàn?

Ông Nguyễn Văn Khoa: Diễn đàn là cầu nối giữa chính phủ và các doanh nghiệp đang trực tiếp tham gia vào quá trình chuyển đổi số của quốc gia.

Diễn đàn tập trung vào tháo gỡ các điểm nghẽn chuyển đổi số. Các doanh nghiệp như chúng tôi có thể mạnh dạn góp ý với chính phủ về những điểm nghẽn đó. Cái điểm nghẽn đầu tiên mà chúng tôi - những người đang làm thực tế đã nhận thấy - đó là điểm nghẽn về thể chế.
Các quy định, các điều luật của chúng ta chưa có, hoặc chưa đầy đủ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Điều này dẫn đến khi triển khai thì bộ, ban, ngành, địa phương gặp nhiều vướng mắc. Với các doanh nghiệp như chúng tôi thì cảm giác đang dậm chân tại chỗ, mặc dù lời hiệu triệu chuyển đổi số rất lớn, nhưng chúng ta vẫn đang dậm chân tại chỗ.

Điểm nghẽn thứ hai mà các doanh nghiệp muốn chia sẻ tại diễn đàn này là làm sao khai thác được dữ liệu một cách hiệu quả. Chúng tôi – các doanh nghiệp và cả người dân đều chờ đợi một quy hoạch chiến lược về dữ liệu của Việt Nam. Khi có chiến lược về phát triển dữ liệu thì chúng ta sẽ có quy hoạch, sẽ có các tiêu chuẩn, có các quy định về pháp lý cũng như các hành lang cơ bản để thúc đẩy chuyển đổi số.

Thứ ba, các doanh nghiệp mong muốn được Chính phủ và các bộ, ban, ngành, địa phương giao cho các bài toán lớn. Khi tìm những đối tác, doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực thì đâu đó vẫn còn sự e ngại, sự thăm dò.

Quả thực có rất nhiều bộ, ban, ngành, địa phương mong muốn được sử dụng các giải pháp ngoại, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam của chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Đó cũng là tâm tư của nhiều doanh nghiệp khi nghĩ rằng nếu giờ này không được giao những bài toán lớn thì sẽ rơi vào tay những "gã khổng lồ" công nghệ nước ngoài. Khi họ làm thì chúng ta sẽ phải phụ thuộc vào họ về mặt dữ liệu, sao lưu dữ liệu, lưu trữ dữ liệu và sẽ mất rất nhiều tiền cho họ.

Và điểm cuối cùng mà chúng tôi muốn nêu lên là một thực trạng: Hiện nay, việc cát cứ dữ liệu, chia sẻ dữ liệu và các nguyên tắc kết nối dữ liệu còn gặp nhiều vấn đề. Trong chương trình có một phiên nói về dữ liệu mở. Chúng tôi đang tranh luận với nhau là: Đừng đợi chính phủ ra các quy định về dữ liệu mở mà hãy nói về dữ liệu đóng, những dữ liệu nào thuộc về an ninh quốc gia, những dữ liệu nào phải bảo mật. Còn lại những gì chúng ta không nói đến thì là dữ liệu mở, được phép khai thác.

Đại diện cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam thông qua diễn đàn này, chúng tôi rất kỳ vọng vào Đề án 06 của Chính phủ. Đây có lẽ là đề án mang tính chất gốc để giải quyết các vấn đề về chuyển đổi số. Chúng tôi khẩn thiết đề nghị với Chính phủ, với Quốc hội nhanh chóng ban hành hành lang pháp lý để chúng tôi thực hiện, và hành lang pháp lý này nó sẽ xác định lại chủ quyền của Việt Nam trên không gian số, nó sẽ có tác dụng thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

PV: Nhiều bộ, ngành, địa phương đang xảy ra tình trạng cát cứ dữ liệu. Theo ông, giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên?

Ông Nguyễn Văn Khoa: Để tránh tình trạng cát cứ dữ liệu, như tôi đã nói ở trên, chúng ta cần có một chiến lược phát triển dữ liệu của Việt Nam, có một quy hoạch, và từ quy hoạch đó chúng ta có các văn bản pháp lý cho việc chia sẻ dữ liệu.

Cuối cùng vẫn là quyết tâm của người lãnh đạo, muốn có dữ liệu để dùng thì không những phải có quyết tâm về chính trị mà còn phải quyết tâm về mặt hành động, nhất quán về mặt hành động và có sự tham gia của các doanh nghiệp có đủ năng lực giải quyết các bài toán về dữ liệu.

vt_Nguyen Van Khoa 5.jpg

Vấn đề đạo đức và văn hóa trong doanh nghiệp

PV: Ông có nhận xét gì khi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói rằng đạo đức là yếu tố quan trọng với doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Văn Khoa: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có nói trong chuyển đổi số thì yếu tố đạo đức là rất quan trọng. Đạo đức được xây dựng bằng niềm tin giữa doanh nghiệp, người dân và chính phủ. Văn hóa sử dụng dữ liệu cũng rất quan trọng. Các bạn đã thấy gần đây Meta đã bị châu Âu phạt 1,3 tỉ USD vì sử dụng và khai thác sai dữ liệu. Đạo đức dữ liệu đến từ văn hóa của mỗi doanh nghiệp. Những doanh nghiệp nào có uy tín, có văn hóa tốt và đặc biệt có quy trình, quy định bảo vệ dữ liệu tốt thì doanh nghiệp đó mang tính chất tiên phong để tạo ra nền tảng ứng xử với dữ liệu tốt hơn, bảo vệ dữ liệu tốt hơn.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nói tại diễn đàn là doanh nghiệp phải làm tốt, phải đề xuất, phải chứng minh được cái đạo đức đấy của mình thì chính phủ sẽ tin dùng, trở thành khách hàng của doanh nghiệp đó để sử dụng các dữ liệu.
Tôi nghĩ rằng dữ liệu, đạo đức và văn hóa sẽ là 3 trụ cột mới của doanh nghiệp số trong tương lai gần. Người Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam phải chứng minh được điều đó, cũng giống như các tập đoàn lớn trên thế giới tồn tại đến hôm nay là do đạo đức và uy tín của họ trong quá trình kinh doanh.

Tiến trình chuyển đổi số rất cần những con chim đầu đàn – các doanh nghiệp có thể truyền cảm hứng và đi tiên phong. Mặc dù tiên phong có thể đối mặt với rất nhiều rủi ro, nhưng từ đó chúng ta mới có thể tạo ra được một hệ sinh thái, tạo ra nhiều doanh nghiệp có thể xử lý được dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu mở.

PV: Nhiều người lo sợ việc giải các bài toán lớn sẽ rơi vào tay các "ông lớn" nước ngoài. Ông có tự tin về khả năng của các doanh nghiệp Việt Nam không?

Ông Nguyễn Văn Khoa: FPT đã và đang giải quyết những bài toán rất lớn trên thế giới như hệ thống năng lượng ở châu Âu, hệ thống an sinh xã hội ở Singapore, hệ thống giao thông vận tải của Nhật hay Mỹ. Chúng tôi không lo sợ bị những "người khổng lồ" nước ngoài cạnh tranh.

FPT hay Viettel, VNPT và các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cần được sự tin cậy của chính phủ giao cho những bài toán lớn. Chỉ có như vậy chúng tôi mới đủ kinh nghiệm tích lũy để phát triển tiếp. Bởi vì những bài toán đó ở Mỹ hay Nhật hay châu Âu thì lớn hơn rất nhiều so với Việt Nam khi có hàng tỉ người sử dụng.

Xử lý dữ liệu và chuyển đổi số là hai lĩnh vực mà thế giới đang làm rất nhanh. Nhu cầu nguồn cung ứng và năng lực xử lý bài toán đó hầu hết đến từ Trung Quốc, Ấn Độ. Bây giờ Việt Nam nổi lên như là nước thứ ba được lựa chọn. Việt Nam đang bứt phá, vượt lên và là một ngôi sao mới trên bầu trời công nghệ của thế giới.

PV: Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để được nhận các bài toán lớn?

Ông Nguyễn Văn Khoa: Điều quan trọng nhất của doanh nghiệp là năng lực công nghệ lõi. Phải chứng minh được công nghệ lõi đó là của người Việt Nam xây dựng.
Điểm thứ hai là giải pháp cung cấp được cho người dân, được người dân chấp nhận. Bởi vì trên thực tế có nhiều giải pháp đưa ra người dân không chấp nhận.

Điểm thứ ba là toàn bộ dữ liệu phải được liên thông giữa các cấp để tạo ra sự thuận lợi nhất cho người dân làm các thủ tục hành chính. Đó là những thứ tưởng như rất đơn giản nhưng triển khai rất khó.

PV: Theo ông thì Chính phủ nên giao các bài toán lớn cho doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân?

Ông Nguyễn Văn Khoa: Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã thành công ở rất nhiều nơi. Không có lý do gì không giao các bài toán về dữ liệu cho họ cả. Cho nên không quan trọng là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân, quan trọng là người đứng đầu doanh nghiệp.

Tôi biết có rất nhiều dự án Việt Nam sử dụng vốn ODA của World Bank, nhưng World Bank chỉ giao cho các doanh nghiệp tư nhân làm, bởi họ có thể giám sát, kiểm soát một cách minh bạch.

vt_Nguyen Van Khoa 2.jpg

Trách nhiệm của công dân trong việc bảo vệ dữ liệu

PV: Công dân cũng là một thành phần tạo nên dữ liệu. Họ nên có trách nhiệm với dữ liệu của chính mình?

Ông Nguyễn Văn Khoa: Đối với công dân, họ phải biết cách bảo vệ dữ liệu của mình và phải có ý thức bảo vệ dữ liệu của mình. Trước đây chúng ta rất dễ dãi khi đưa chứng minh thư của mình cho người khác. Từ nay trở đi đó là điều tối kỵ.

Công dân phải tự bảo vệ dữ liệu của mình. Khi dữ liệu đó được lưu trữ tại doanh nghiệp trong nước, nước ngoài, hoặc các cơ quan tổ chức của Việt Nam, thì các đơn vị đó đều có trách nhiệm quản trị các dữ liệu công dân theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, Luật quản lý dữ liệu cá nhân đã có, các quy định về quản lý dữ liệu doanh nghiệp và dân cư đã có, chúng ta phải tuân thủ các quy định ấy một cách chính xác.

Ý thức, công nghệ và hành lang pháp lý sẽ tạo ra nền tảng để dữ liệu của chúng ta được khai thác một cách dễ dàng.