Không chỉ Việt Nam, Pháp cũng gặp vướng mắc khi mở và chia sẻ dữ liệu

E-magazine Không chỉ Việt Nam, Pháp cũng gặp vướng mắc khi mở và chia sẻ dữ liệu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –  Ông Nguyễn Đình Lợi, chuyên gia của Cục Kiểm soát Thủ tục Hành chính, Văn phòng Chính phủ cho rằng nhiều quốc gia cũng đang gặp khó khăn trong việc mở, chia sẻ dữ liệu và Pháp là một ví dụ.

Dữ liệu mở hay chia sẻ dữ liệu là một trong những nội dung mà chính phủ nhiều nước quan tâm, bởi dữ liệu mở sẽ tạo ra giá trị mới về kinh tế và xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ công.

Một số lợi ích rõ ràng của dữ liệu mở, đặc biệt là dữ liệu tại các cơ quan nhà nước, là nâng cao tính công khai, minh bạch, góp phần cải thiện và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo…

Hiện tại, Việt Nam còn thiếu các chính sách pháp lý cũng như tiêu chuẩn để mở và chia sẻ dữ liệu giữa các Bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, còn có tình trạng cát cứ, không muốn chia sẻ dữ liệu của mình cho các đơn vị khác.

VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Lợi - Phó trưởng phòng, Phòng Kiểm soát Thủ tục Hành chính khối Kinh tế ngành, Cục Kiểm soát Thủ tục Hành chính, Văn phòng Chính phủ, xung quanh chủ đề này.

PV: Hiện nay Chính phủ đã có chủ trương mở dữ liệu, những dữ liệu nào mở được thì phải mở để chia sẻ. Nhưng có nhiều Bộ, ngành, địa phương vẫn còn tình trạng cát cứ dữ liệu. Họ không chịu chia sẻ dữ liệu của mình. Theo ông, giải pháp cho vấn đề này là gì?

Ông Nguyễn Đình Lợi: Về dữ liệu mở thì đây là một vấn đề khá mới. Trong Nghị định 42 năm 2022 mới bắt đầu quy định về việc xây dựng cổng dữ liệu mở tại các Bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, đến nay vẫn thiếu các hướng dẫn cho các Bộ, ngành, địa phương về danh mục các tài liệu mở, các tiêu chuẩn kỹ thuật cung cấp cho người dân và doanh nghiệp có thể khai thác được các thông tin dữ liệu mở này.

Theo tôi được biết, hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến của Bộ, ngành, địa phương về Bộ tiêu chuẩn về dữ liệu mở.

PV: Hiện nay tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa nhiều. Theo ông Đặng Hoàng Giang – chuyên gia PAPI, có 3 nguyên nhân khiến người dân chưa sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhiều. Thứ nhất là chưa có dịch vụ mà người dân cần trên cổng dịch vụ công. Thứ hai là có dịch vụ nhưng giao diện chưa thân thiện. Thứ ba là có dịch vụ, giao diện đã thân thiện nhưng người dân lại chưa được tuyên truyền đầy đủ về các dịch vụ này. Theo ông, nhà nước nên giải quyết vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Đình Lợi: Đó là nhận định của chuyên gia nên tôi nghĩ là có cơ sở khoa học để đưa ra những nhận định đó. Sau khi tiếp nhận các báo cáo trên các Cổng dịch vụ công, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công là rất cao. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra khảo sát, chúng tôi nhận thấy rằng phần lớn cán bộ công chức thực hiện khác với những gì được báo cáo.

Thực tế chúng tôi thấy rằng có rất nhiều dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia chưa được trau chuốt, chưa quan tâm đến trải nghiệm người dùng mà thường đứng ở góc độ cơ quan nhà nước.

dich vu cong truc tuyen.png
Người dân được hướng dẫn sử dụng Dịch vụ công trực tuyến tại tỉnh Bình Thuận

Thời gian gần đây, chúng tôi đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) khảo sát về 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06. Chúng tôi cũng đã công bố khuyến nghị của chuyên gia WB đối với các Bộ, ngành, địa phương để làm thế nào cho các dịch vụ công đó thân thiện hơn với người dân.

Về nguyên nhân thứ hai, chúng tôi nhận thấy rằng hạ tầng đối với người dân, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, có rất nhiều hạn chế. Do đó, quá trình thực hiện các dịch vụ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, chẳng hạn như không thể đăng ký được tài khoản.

Một hạn chế nữa là hiện nay hạ tầng về chữ ký số vẫn còn đang vướng mắc. Tỷ lệ cá nhân được cấp chữ ký số rất thấp. Vì thế, Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ CA (chứng thực điện tử - PV) để có giải pháp miễn phí chữ ký số cho người dân khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Một số nhà cung cấp dịch vụ đã triển khai miễn phí chữ ký số cho người dân ở một số tỉnh như Quảng Ninh, Thái Nguyên... Đây là một giải pháp quan trọng.

Với hạn chế thứ ba, đúng như nhà báo đã đề cập, công tác tuyên truyền có vai trò vô cùng quan trọng. Mặc dù Chính phủ và các Bộ, ngành đã cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, nhưng vẫn có nhiều người chưa biết. Ví dụ như các dịch vụ công trực tuyến về hộ chiếu, đổi giấy phép lái xe… vẫn chưa được tuyên truyền rộng rãi đến người dân.

Trong thời gian tới, các Bộ, ngành liên quan và Chính phủ sẽ tăng cường công tác tuyên truyền và cung cấp hướng dẫn về kỹ năng số cho công dân.

Theo thông tin mà tôi biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng một Bộ tiêu chuẩn để hướng dẫn kỹ năng số cho người dân cũng như công chức.

PV: Việc kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các Bộ, ngành hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, dường như do thiếu hụt các bộ luật, các quy định. Đại diện tỉnh Quảng Ninh khi chia sẻ tại diễn đàn cũng nói rằng Tỉnh mới chỉ kết nối được 2 trong số 8 cơ sở dữ liệu quốc gia. Theo ông thực trạng này bắt nguồn từ đâu?

Ông Nguyễn Đình Lợi: Trong quá trình triển khai, chúng tôi đã nhận thấy rằng các cơ sở dữ liệu hiện có đang tồn tại nhiều tình trạng khác nhau và đang được đầu tư ở mức độ khác nhau. Trước đây, khi được đầu tư, các cơ sở dữ liệu này được thiết kế dựa trên các dữ liệu chuyên ngành và không được kỳ vọng kết nối với các hệ thống bên ngoài.

Để đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay các đơn vị phải tiến hành rà soát để đáp ứng yêu cầu mới. Ví dụ, việc kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06 đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương phải rà soát và đảm bảo an toàn thông tin. Những đơn vị này sẽ cần phân bổ nguồn lực tài chính và triển khai các dự án để nâng cấp các yếu tố liên quan đến an toàn thông tin.

Ngoài ra, việc kết nối chia sẻ dữ liệu này rất khó khăn. Lý do là các quy định pháp lý hiện nay vẫn còn thiếu cơ sở để cho các đơn vị triển khai.

Mặc dù Nghị định 47 năm 2020 đã quy định việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhằm phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, tuy nhiên, việc xác định rõ những thủ tục hành chính nào, những trường thông tin nào cần được chia sẻ thì điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các cơ quan. Dựa trên kinh nghiệm, chúng tôi khuyến nghị sự tham gia của một cơ quan thứ ba, như lãnh đạo chính phủ hoặc Văn phòng Chính phủ, để hỗ trợ việc kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các bên.

Ví dụ, chúng tôi đã hỗ trợ đơn vị Cảnh sát Giao thông trong việc kết nối dữ liệu với Cục Đăng kiểm, cũng như hỗ trợ dữ liệu của Hải quan với Tổng cục Thuế.

Trước đây, khi hai đơn vị làm việc cùng nhau và xảy ra sự cố, thường hai bên đều khẳng định rằng hệ thống của mình không gặp vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu có một bên thứ ba đóng vai trò trọng tài, nhiệm vụ đó sẽ giúp đảm bảo quá trình kết nối giữa hai đơn vị diễn ra một cách thông suốt hơn.

PV: Đối với kinh nghiệm quốc tế thì việc kết nối và chia sẻ dữ liệu có dễ dàng hơn không thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Lợi: Dựa trên kinh nghiệm của quốc tế, chúng tôi nhận thấy rằng việc chia sẻ dữ liệu không phải là điều dễ dàng. Chẳng hạn, trong quá trình tham quan và học hỏi tại Pháp, chúng tôi nhận thấy vẫn tồn tại nhiều hệ thống cổng dịch vụ công khác nhau của các ngành. Mặc dù có nhiều thông tin có thể tích hợp, nhưng việc tích hợp này vẫn chưa được thực hiện.

Theo tôi biết, Chính phủ Pháp sau một thời gian yêu cầu các Bộ, ngành phải mở dữ liệu thì hiện nay đang có xu hướng điều chỉnh lại, đánh giá lại xem dữ liệu nào mà doanh nghiệp, người dân quan tâm thì mới tập trung mở, tránh lãng phí nguồn lực.

PV: Theo ông thì chính phủ Việt Nam đang có những chính sách gì để đem lại thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến?

Ông Nguyễn Đình Lợi: Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp lý và chính sách để hỗ trợ cho người dân. Đặc biệt công văn mới nhất của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc “tháo nghẽn” các vướng mắc trong đề án 06, cụ thể là: Thứ nhất, làm thế nào để các hạ tầng cho CNTT được thông suốt và rẻ nhất cho người dân. Ví dụ như các chữ ký số nên được cung cấp miễn phí cho người dân. Thứ hai là các Bộ, ngành, địa phương phải rà soát để ban hành chính sách giảm lệ phí khi công dân thực hiện thủ tục hành chính. Đó cũng là một kinh nghiệm mà các quốc gia khác đã áp dụng. Chẳng hạn Malaysia đã giảm lệ phí nộp phạt trực tuyến để khuyến khích công dân sử dụng dịch vụ trực tuyến.

Các Bộ, ngành, địa phương cần tiến hành xem lại các thủ tục hành chính được cung cấp trên cổng dịch vụ công để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Cần cải tiến giao diện người dùng để tạo một trải nghiệm thân thiện, giảm thiểu thông tin cần nhập và hạn chế các lỗi kỹ thuật xảy ra trong quá trình sử dụng. Đồng thời, cần tăng cường hoạt động tuyên truyền để hỗ trợ người dân trong quá trình thực hiện.

Chúng tôi thấy rằng việc này Chính phủ đã chỉ đạo rất cụ thể, đặc biệt liên quan đến bộ phận một cửa các cấp. Chính phủ đã xác định đây là trung tâm chuyển đổi số quốc gia, là nơi sẽ số hóa và hỗ trợ người dân trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là đối với những đơn vị còn khó khăn.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!