Cảnh báo chiêu lừa bán số lô, số đề trên mạng xã hội

Hiện nay, trên Facebook, Zalo, nhiều đối tượng giả danh nhân viên công ty xổ số để bán số lô, đề. Khi khách hàng có nhu, các đối tượng sẽ yêu cầu chuyển tiền rồi chiếm đoạt.

Đây là thông tin đáng chú ý trong điểm tin tuần này của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo Cục An toàn thông tin, các đối tượng tạo lập các trang Fanpage và hội nhóm ảo trên nền tảng mạng xã hội Facebook; giả danh nhân viên công ty xổ số kiến thiết để dụ dỗ người dùng tham gia ghi số lô đề. Đối tượng có thể hứa hẹn lợi nhuận cao và không có rủi ro, khiến nạn nhân mất cảnh giác.

Ngoài ra, thông qua các hội nhóm Facebook, Zalo hoặc Telegram, đối tượng thường sử dụng chiêu trò như “dự đoán số trúng” hoặc “nhà cái uy tín” để thuyết phục nạn nhân. Ngoài ra, đối tượng thường yêu cầu nạn nhân chuyển tiền trước để ghi số. Sau khi nhận tiền, họ sẽ cắt đứt liên lạc hoặc cung cấp kết quả sai lệch để chiếm đoạt tiền.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân không tham gia ghi số lô đề bất kể trực tiếp hay thông qua mạng xã hội. Theo pháp luật Việt Nam, việc tham gia ghi số lô đề là hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài việc có thể bị lừa đảo, người chơi còn đối diện với nguy cơ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuyệt đối không tin tưởng và thực hiện giao dịch với những tài khoản mạng xã hội không có thông tin rõ ràng.

Chiêu lừa đảo ăn theo trào lưu sưu tầm thú nhồi bông Labubu

Cũng trong bản tin tuần này, Cục An toàn thông tin cảnh báo về trào lưu sưu tầm thú nhồi bông Labubu đang thu hút đông đảo giới trẻ, trở thành món hàng được săn lùng nhiều trên thị trường thời gian gần đây.

Hiện tại, thay vì chỉ giao dịch trực tiếp, nhiều cá nhân và tổ chức đã chuyển sang hình thức xổ số trực tuyến qua các buổi livestream để bán loại đồ chơi này, gia tăng nguy cơ gian lận và lừa đảo.

4.jpeg
Xuất hiện chiêu trò lừa đảo ăn theo trào lưu sưu tầm thú nhồi bông Labubu.

M.H.P (ở Phú Thọ) là một trong nhiều nạn nhân của chiêu trò lừa đảo săn thú này. Sức hút của Labubu làm người này đặt mua qua Facebook thú nhồi bông Labubu với giá ưu đãi 300.000 đồng. Tuy nhiên, khi nhận hàng, P không kiểm tra. Sau đó, người này mới biết món hàng được giao chỉ là món đồ chơi nhựa rẻ tiền. Lúc này, tài khoản bán hàng đã khóa, số điện thoại liên lạc cũng không gọi được.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo, đối với hình thức lừa đảo trên, đối tượng thường sử dụng các thủ đoạn tạo tài khoản ảo, làm giả hình ảnh, video về sản phẩm để thu hút người mua.

"Các bài đăng thường có nội dung tri ân, giảm giá sốc, khuyến mãi lớn, quà tặng hấp dẫn để thu hút khách hàng. Sau khi nhận được sự tin tưởng của nạn nhân, đối tượng sẽ giả vờ gửi hàng và biến mất ngay khi nhận được tiền. Thậm chí, có trường hợp người bán sử dụng thông tin thẻ tín dụng của khách hàng để chiếm đoạt tiền", Cục An toàn thông tin lưu ý.

Trước tình hình lừa đảo, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân tuyệt đối cẩn trọng trước các sản phẩm không rõ nguồn gốc, giá siêu rẻ trên mạng xã hội. Chỉ nên mua sắm từ nguồn uy tín như các cửa hàng, trang web có danh tiếng; kiểm tra kỹ nguồn gốc của sản phẩm, địa chỉ của cửa hàng hoặc người bán.

Nếu cảm thấy nghi ngờ, người mua nên tìm kiếm đánh giá từ người dùng khác hoặc thông tin xác nhận từ các nguồn đáng tin cậy. Nếu có thể, người dùng nên chọn phương thức thanh toán khi nhận hàng và kiểm tra kỹ trước khi thanh toán.

Cục An toàn thông tin lưu ý thêm, trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.