Cụ thể, Hải Phòng đề xuất Bộ GTVT và TP. HCM ứng cứu bằng cách điều chuyển 4 phà 200 tấn từ phà Vàm Cống và 6 phà 100 tấn từ phà Cát Lái về bến phà Gót (thuộc huyện Cát Hải).
Mục tiêu của đề xuất là để kịp thời phục vụ nhân dân trong mùa du lịch và giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông trên bến phà Gót.
Theo UBND TP Hải Phòng, sau khi Dự án đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện (bao gồm cầu Tân Vũ – Lạch Huyện) đưa vào khai thác, lưu lượng phương tiện ra đảo Cát Hải và Cát Bà ngày càng tăng cao.
Cao điểm, có từ khoảng 1000 đến 2000 xe ô tô, 1000 đến 2.500 xe máy và khoảng 7000 đến 14.000 người lưu thông từ đất liền qua phà Gót ra đảo Cát Bà.
Dịp nghỉ lễ từ ngày 28/4 đến ngày 01/5/2018 vừa qua, có ngày đã xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng kéo dài khoảng 5km trên tuyến đường Tân Vũ – Lạch Huyện.
Dù Hải Phòng đã tăng số lượng phà hoạt động tại bến Gót, với 5 phà 100 tấn và 4 phà 50 tấn, thì vẫn không đáp ứng được nhu cầu đi lại.
Theo UBND TP Hải Phòng, nếu được Bộ GTVT và TP. HCM hỗ trợ, Hải Phòng cam kết sẽ thực hiện đúng các quy định của Luật Giao thông đường bộ và các văn bản pháp lý liên quan về thực hiện điều chuyển tài sản này.
Đề nghị điều chuyển này của UBND TP Hải Phòng hiện chưa rõ là giải pháp lâu dài hay chỉ là tạm thời. Cũng chưa rõ đề nghị này có là tối ưu để đảm bảo an toàn giao thông hay chưa.
Vì theo chính UBND TP Hải Phòng, vào ngày 13/5/2018 tới đây, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng sẽ khai trương với công suất 15 triệu tấn/năm. Dự kiến hàng tuần sẽ tiếp nhận khoảng 8 đến 10 lượt tàu có sức chở từ 4.500 TEU đến 14.000 TEU (tương đương 100.000 tấn trọng tải).
Đường vào bến phà Gót hiện trùng và cắt ngang tuyến đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện, nên dễ dẫn đến tình trạng ùn tắc phương tiện lưu thông hàng hóa ngay tại khu vực ra, vào Cảng cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng.
Đồng thời, hiện hướng di chuyển qua sông của Phà Gót cũng cắt ngang luồng tàu biển quốc gia ra vào các cảng biển khu vực Hải Phòng.
Do đó, có thể thấy nguy cơ ùn tắc, và cao hơn là tai nạn giao thông thủy, giao thông bộ ở mức nghiêm trọng, đang tồn cả ở khu vực đường dẫn tới phà Gót, và ở hướng di chuyển của các phà khi qua lại khu vực luồng tàu biển quốc gia.
Việc gia tăng phương tiện, trong đó có số lượng phà đang muốn tăng thêm, đương nhiên sẽ tăng thêm nguy cơ này.
Giữa Hải Phòng – Quảng Ninh đã hình thành từ nhiều năm tuyến du lịch liên kết bằng phà nối Cát Bà với một số điểm du lịch tại Quảng Ninh.
Hiện chưa rõ các tính toán gia tăng phương tiện khi có thêm cầu Tân Vũ 1, Tân Vũ 2 có phản ảnh vào lựa chọn hình thức cáp treo, như là giải pháp giao thông tối ưu nhất cho việc đi từ Cát Hải sang Cát Bà, cũng như việc kết nối du lịch Hải Phòng – Quảng Ninh.
Mặt khác, việc giao doanh nghiệp giải “trọn gói” bài toán giao thông du lịch tổng hợp như Cát Hải – Cát Bà - Quảng Ninh là có thể thực hiện được.
Nhưng liệu việc giao ấy có tạo ra xu thế kinh doanh độc quyền tại khu vực này, thì vẫn còn bỏ ngỏ.