Chiều 25/10, Bộ Tài chính đã tổ chức Họp báo chuyên đề giới thiệu những nội dung mới về quản lý tài chính các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay của các nhà tài trợ nước ngoài theo Thông tư số 111/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính Hoàng Hải cho biết, nếu Việt Nam không còn nằm trong nhóm những nước nhận được các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) thì khi “tốt nghiệp” IDA, Việt Nam sẽ phải cam kết trả nợ nhanh, cụ thể phải tăng gấp đôi tốc độ trả nợ gốc. Tuy nhiên, phía WB cho phép Việt Nam đưa ra các phương án xử lý linh hoạt.
Trao đổi tại cuộc họp báo, ông Hoàng Hải cho biết, trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu bước vào ngưỡng của quốc gia có thu nhập trung bình thấp, việc huy động các nguồn vốn ODA trở nên khó khăn hơn. Nhằm đảm bảo mục tiêu vay nợ bền vững thì nguồn vốn ODA cũng cần được sử dụng một cách chiến lược và cẩn trọng để thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế bởi thực chất, nguồn vốn ODA cũng chính là nợ quốc gia.
Từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình. Mức độ ưu đãi của các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam đang giảm rõ rệt. Từ thời hạn vay bình quân khoảng từ 30-40 năm, với chi phí vay khoảng 0,7-0,8%/năm, bao gồm thời gian ân hạn (giai đoạn trước 2010) đến thời hạn vay bình quân chỉ còn từ 10-25 năm, tùy theo từng đối tác và từng loại vay; với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên (giai đoạn 2011-2015). Nhiều nhà tài trợ đã chuyển từ nguồn vốn ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp.
Vì vậy, Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, trong đó, “Nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình kinh tế xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch”, “Tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát đối với các khoản Chính phủ vay về cho vay lại”.
Bộ KHĐT cũng đang chuẩn bị một bản báo cáo về quản lý vay và sử vốn ODA. Về cơ bản nguồn vốn ODA thực chất là nợ quốc gia. Việt Nam hiện đã là một quốc gia thu nhập trung bình, mối quan hệ đối tác và các nguồn tài trợ đang thay đổi. Vì vậy, nguồn vốn ODA cần được sử dụng một cách chiến lược và cẩn trọng hơn.