Bùi Hoàng Tám
Bùi Hoàng Tám

Nhà báo Bùi Hoàng Tám

Cần một tinh thần dám nghĩ, dám làm và bảo vệ cán bộ như thời đầu Đổi Mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một trong những vấn đề quan trọng và cấp bách được dư luận quan tâm hiện nay, đó là tinh thần dám nghĩ, dám làm và bảo vệ cán bộ có tinh thần dám nghĩ, dám làm vì sự nghiệp chung.

Đây là vấn đề không mới bởi từ thời kỳ đầu của Đổi mới, cả nước đã dấy lên phong trào này, trở thành động lực để đất nước phát triển.

Khi đó, đã xuất hiện nhiều cách làm hay, hiệu quả, tuy nhiên chắc chắn không khỏi có những khiếm khuyết, có hoang mang, thậm chí có cả sự phản ứng khá quyết liệt. Song, với tinh thần và khí thế Đổi mới, đặc biệt là sự “đảm bảo” của các vị lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng như Tổng Bí thư Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Lê Khả Phiêu... tinh thần dám nghĩ, dám làm đã trở thành phong trào rộng khắp trong toàn Đảng, toàn dân.

Khi ở cương vị Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ông Phạm Minh Chính đã tập trung xây dựng Dự thảo quy định về “khuyến khích, bảo vệ cán bộ, đảng viên có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”.

Tại lễ nhậm chức Thủ tướng, ông Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định: "Lãnh đạo Chính phủ tuyên ngôn chủ động phòng ngừa, kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực bằng các cơ chế, giải pháp mạnh mẽ, chặt chẽ, hiệu quả hơn. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung".

Vấn đề này cũng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hết sức quan tâm.

Đây là chủ trương đúng và cấp thiết bởi công cuộc phát triển đất nước luôn luôn cần sự sáng tạo, cần những nhân tố dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Thế nhưng gần đây, các báo: Tiền Phong, Lao Động, Pháp Luật TP HCM, VietTimes… đã đăng tin một vụ việc. Đó là việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên khởi tố vụ án "Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo khoản 3 Điều 219 Bộ Luật Hình sự, trong vụ bán đấu giá sỉ 262 lô đất tại Khu đô thị mới Nam Tuy Hòa.

Trả lời các cơ quan báo chí về quyết định khởi tố trên, ông Nguyễn Chí Hiến - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên cho rằng, đây là quyết định chưa hợp lý, hợp tình!

Lý do? Bởi khi đó tỉnh Phú Yên còn nợ khoản nợ 200 tỉ đồng vay từ Kho bạc Nhà nước Trung ương xây cầu vào các năm 2005 và 2006. Nếu Phú Yên không trả, Bộ Tài chính sẽ trích tồn quỹ ngân sách năm 2016 để thu hồi.

Trước áp lực trả nợ, là người kế nhiệm (được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh vào năm 2015), ông Nguyễn Chí Hiến cho rằng, mình có trách nhiệm cùng với tập thể giải quyết món nợ này, tránh nguy cơ "vỡ trận" ngân sách. Thời điểm đó, phương án bán đấu giá sỉ 262 lô đất liền kề tại Khu đô thị mới Nam Tuy Hòa được đưa ra. Việc làm này vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị, vừa là cú hích trong việc phát triển đô thị tỉnh nhà.

Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Chí Hiến.

Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Chí Hiến.

"Trước khi đưa ra đề xuất hỗ trợ này, Văn phòng UBND tỉnh đã tham khảo ý kiến của Cục Hỗ trợ Tư pháp và việc ưu đãi 5% này không có quy định, còn nếu có quy định thì UBND tỉnh cũng đã không xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy và HĐND tỉnh. Tôi khẳng định là mình không có vụ lợi cá nhân gì trong việc bán đấu giá 262 lô đất này", ông Hiến khẳng định.

Việc ưu đãi nhà đầu tư thực hiện theo pháp luật về đầu tư và các chính sách của địa phương”. Vẫn chưa yên tâm, ông Hiến với vai trò Chủ tịch hội đồng định giá ký văn bản trình xin ý kiến của thường trực HĐND và Thường trực tỉnh ủy Phú Yên.

Sau khi được Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thẩm định, xin ý kiến của Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên lúc đó là ông Huỳnh Tấn Việt, ngày 29/11/2016, ông Võ Minh Thức, Phó chủ tịch HĐND tỉnh đã ký văn bản 327 trả lời thống nhất với các nội dung đề nghị hỗ trợ nhà đầu tư.

Văn bản ngày 29/11/2016 của HĐND tỉnh Phú Yên do ông Võ Minh Thức, Phó chủ tịch HĐND tỉnh ký, nội dung thể hiện thống nhất với các nội dung đề nghị hỗ trợ nhà đầu tư.
Văn bản ngày 29/11/2016 của HĐND tỉnh Phú Yên do ông Võ Minh Thức, Phó chủ tịch HĐND tỉnh ký, nội dung thể hiện thống nhất với các nội dung đề nghị hỗ trợ nhà đầu tư.

Còn theo một lãnh đạo trong thường trực Tỉnh ủy Phú Yên khi đó cho biết, sau khi có văn bản chấp thuận của thường trực HĐND tỉnh, Ban thường vụ Tỉnh ủy họp, trong đó có thành phần là Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng ban Nội chính, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra… Tất cả đều đồng ý với phương án ưu đãi nhà đầu tư mà UBND trình. Nay nếu xem xét trách nhiệm thì phải xem xét trách nhiệm của cả những thành viên này.

Trên cơ sở đó, ngày 2/12/2016, ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đã ký văn bản kết luận đồng ý với đề xuất của UBND tỉnh về các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư trúng đấu giá. Sau khi có đầy đủ thủ tục, dự án được đấu giá công khai và đã chọn được nhà đầu tư, tỉnh Phú Yên cũng có tiền trả nợ Kho bạc Trung ương.

Về sự đúng - sai, rồi đây cơ quan chức năng sẽ làm rõ. Tuy nhiên, điều cần thiết ở đây là cần xem xét ở yếu tố lịch sử ở thời điểm đó và đặc biệt, có lợi ích nhóm, có tham ô, tham nhũng, tiêu cực không?

Nếu có, cần xử lý nghiêm minh dù còn tại chức hay đã về hưu. Nếu không, nên xem xét thấu tình, đạt lý, tránh oan sai bởi sự oan sai, không chỉ bất công đối với cá nhân họ mà còn làm nản lòng, nhụt chí những cán bộ đương chức có tinh thần dám nghĩ, dám làm.

Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên về chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất khu đô thị mới Nam TP Tuy Hòa do ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy ký ngày 2/12/2016.
Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên về chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất khu đô thị mới Nam TP Tuy Hòa do ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy ký ngày 2/12/2016.

Có lẽ đã đến lúc cần phải dấy lên tinh thần Đổi mới bởi dù đã có sự phát triển khá mạnh, chúng ta phải vượt qua “cửa ải” của “bẫy” thu nhập trung bình. Muốn vậy, không có cách nào khác, cần một sự bứt phá và muốn có sự bứt phá, không thể không cần đến tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và muốn có “dám nghĩ, dám làm” cần lắm một chính sách bảo vệ cán bộ có những đột phá này không chỉ hiện tại mà cả trong quá khứ.

Trên Tạp chí Cộng sản, ngày 15/9/2020, PGS.TS Dương Mộng Huyền bày tỏ: "Không có đổi mới, sáng tạo nào mà không gặp khó khăn, không có sự dấn thân nào mà không gặp trở lực… Trong đổi mới, sáng tạo, ranh giới giữa đúng và sai rất mong manh, không dễ phân biệt. Vì vậy, cần có sự phân minh, khách quan, công tâm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu trong việc phán xét, tích cực bảo vệ lẽ phải để không làm nhụt chí những người dám nghĩ, dám làm, nhất là trong bối cảnh hiện nay".

Còn theo GS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, trong bối cảnh hệ thống pháp luật của chúng ta chưa thật sự đầy đủ, đồng bộ dẫn đến ranh giới giữa đột phá và sai lầm, giữa đúng và sai rất mong manh. "Người ta nói giữa anh hùng và tội đồ chỉ cách nhau một sợi chỉ thôi", ông Phú nói.

Đây cũng là sự mong đợi và nguyện vọng chính đáng của lãnh đạo các địa phương như lời của ông Đỗ Đức Duy, Bí Thư Tỉnh ủy Yên Bái: “Chúng tôi là những người lãnh đạo địa phương rất tâm đắc với chủ trương này của Trung ương Đảng. Như vậy, lãnh đạo các địa phương sẽ tự tin và vững tâm hơn khi mình dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám mạnh dạn đổi mới vì mục tiêu phát triển KTXH của địa phương, cũng như của đất nước”.

Có lẽ đã đến lúc phải dấy lên tinh thần dám nghĩ, dám làm và bảo vệ cán bộ của thời đầu Đổi Mới./.