Cái gì nhà nước không nên làm?

Từ một phiên chất vấn tại cuộc họp Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam đã nổi lên một câu hỏi thú ví: Ủy ban nhân dân một tỉnh có nên dùng tiền ngân sách để xây nhà khách hay gọi đúng tên là khách sạn hay không?
Nhà khách tỉnh Quảng Nam, với kinh phí xây dựng 188 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước, khiến nhiều người lầm tưởng là khu resort hoặc khách sạn cao cấp. (Ảnh: báo Tuổi trẻ)
Nhà khách tỉnh Quảng Nam, với kinh phí xây dựng 188 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước, khiến nhiều người lầm tưởng là khu resort hoặc khách sạn cao cấp. (Ảnh: báo Tuổi trẻ)

Ở đây chúng ta tạm thời không đề cập đến các vấn đề không liên quan đến khía cạnh kinh tế như dự án này không nằm trong danh mục các dự án đưa ra Hội đồng nhân dân phê duyệt vì sao vẫn được tiến hành hay vì sao một công trình dùng tiền ngân sách nay lại giao cho một công ty cổ phần khai thác…

Nhìn từ chức năng nhà nước và chuyện kinh doanh, câu trả lời đương nhiên là không - Ủy ban nhân dân một tỉnh không bao giờ nên bỏ tiền ngân sách ra để xây khách sạn hay nhà hàng hay bất kỳ một cơ sở mang tính kinh doanh nào khác. 

Bước chuyển đổi từ một nhà nước kế hoạch hóa, bao cấp sang nhà nước kiến tạo là ở chỗ đó – nhà nước phải tránh sang một bên, giữ vai trò quản lý theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế kinh doanh bình đẳng. Nhà nước mà nhảy vào kinh doanh nữa thì còn gì là công bằng, còn gì là nuôi dưỡng môi trường cạnh tranh.

Thế nhưng trước lập luận của ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư tỉnh ủy tỉnh này, rằng “Trước đây, tình trạng thiếu nơi đón tiếp khách rất bức xúc, hầu hết hội nghị đều phải tổ chức tại Hội An nên thường vụ Tỉnh ủy mới quyết định làm nhà khách” – phải trả lời sao cho thuyết phục ngay cả ông này?

Theo thông tin công bố tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam, hiện nhà khách này với kinh phí 188 tỉ đồng đã được ký hợp đồng với Công ty cổ phần Du lịch Hội An khai thác, kỳ vọng 10 năm sau sẽ hoàn đủ vốn bỏ ra. 

Cứ giả dụ thông tin này là chính xác thì tại sao ngay từ đầu không để một công ty du lịch nào đó đứng ra xây khách sạn để kinh doanh; với nhu cầu cao, thời gian hoàn vốn nhanh, lo gì không tìm ra nhà đầu tư? Lúc đó nếu nhu cầu tiếp khách là cấp bách, UBND tỉnh có thể áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai để khích lệ nhà đầu tư.

Còn nếu lập luận lượng khách không bao nhiêu, không nhà đầu tư nào chịu bỏ tiền ra làm thì tại sao tỉnh lại bỏ tiền ra làm? Chỉ vì lý do có chỗ để tiếp khách cho tươm tất thì không hội nghị nào, không dạng khách nào đồng ý sử dụng một công trình là gánh nặng cho ngân sách địa phương bởi không lẽ họ đến bàn cách xóa đói giảm nghèo cho tỉnh mà lại ở một khách sạn gây thua lỗ cho ngân sách? 

Cứ tâm lý tỉnh nào cũng có nhà khách, tỉnh nhà chưa có là không ổn thì chẳng mấy chốc sẽ lan ra sây bay, bến cảng, cao tốc, cổng chào, bảo tàng, nhà hát và quảng trường như chúng ta đã thấy.

Ngân sách của một tỉnh luôn phải được đại diện của người dân, tức Hội đồng nhân dân phê duyệt. Một khoản tiền lẽ ra chi vào các công trình liên quan đến cuộc sống của người dân nay rót vào nhà khách chỉ dùng để tiếp khách của tỉnh thì rõ ràng các thành viên của Hội đồng nhân dân phản ứng là đương nhiên. 

Cho dù theo hứa hẹn trong vòng 10 năm nữa, ngân sách sẽ được hoàn trả đầy đủ thì trong 10 năm đó, khoản tiền lẽ ra chi cho dân nay lấy đâu ra để bù đắp vào?

Không lạ gì với sự lỏng lẻo về ngân sách như thế, Quảng Nam cũng đã bỏ tiền ra cho 26 quan chức đã hay sắp về hưu đi học tập cách làm du lịch của Nam Phi mà báo Tuổi Trẻ đã tường thuật chi tiết. Không biết ông Lê Phước Thanh, trưởng đoàn tham quan này, có học được gì để áp dụng cho việc kinh doanh nhà khách 188 tỉ đồng kia không? Có lẽ là không vì ông này đã nghỉ hưu sau chuyến đi rồi.

Theo TBKTSG