Cái chết của nữ đô vật Nhật là lời cảnh tỉnh cho nạn bắt nạt qua mạng

Cái chết của nữ đô vật người Nhật hồi tháng 5 là lời cảnh báo về tác hại của tình trạng bắt nạt trên mạng (cyberbullying).

Xã hội Nhật Bản và người dùng Internet vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi Hana Kimura, nữ đô vật chuyên nghiệp qua đời ở tuổi 22 vào tháng 5. Kimura được biết đến khi tham gia chương trình thực tế Terrace House (Nhà sân thượng). Tại đó, cô làm quen với 5 người bạn, sống chung trong một căn hộ và cùng chia sẻ sở thích, suy nghĩ với nhau.

Vì không giữ được bình tĩnh khi thấy trang phục của mình bị hỏng, Kimura đã tát người bạn cùng phòng. Từ đó, cô bị người hâm mộ quay lưng, bị khán giả tẩy chay. Mỗi ngày, Kimura nhận hàng trăm bình luận, tin nhắn chửi bới, yêu cầu cô giải nghệ.

Tình trạng bắt nạt trên Internet đang ở mức báo động sau vụ việc nữ đô vật người Nhật tự tử vì nhận chỉ trích trên mạng xã hội. Ảnh: Hiroko Oshima.

Giết người bằng những bình luận

Là một trong những khán giả của Terrace House, Lala Keo (Mỹ) cảm thấy sốc khi biết về cái chết của Kimura.

"Tôi thậm chí không biết đời tư cá nhân của cô ấy (Kimura), nhưng sự thật là tôi đã khóc trong 3 giờ", Keo chia sẻ.

Phát sóng mùa đầu tiên vào năm 2012, Terrace House nhanh chóng trở thành hiện tượng khi thu hút lượng lớn người xem là giới trẻ ở độ tuổi 20. Năm ngoái, Terrace House xếp thứ 2 trong danh sách chương trình được xem nhiều nhất trên Netflix Nhật Bản. Sau cái chết của Kimura, 2 tập cuối của mùa Terrace House hiện tại đã bị hủy phát sóng.

Hana Kimura bị chỉ trích nặng nề khi tham gia chương trình thực tế Terrace House chiếu trên Netflix. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Trong bài đăng cuối cùng trên Instagram, Kimura chia sẻ hình ảnh cô tươi cười cùng một chú mèo nhỏ với thông điệp: "Chị yêu em (chú mèo), hãy sống tốt nhé. Xin lỗi". Nhiều bức thư cũng được tìm thấy tại căn hộ của Kimura, trong đó có một bức gửi cho mẹ.

Cái chết của Kimura đến sau khi những lời lẽ chỉ trích cô xuất hiện ngày càng nhiều. Trước khi qua đời, Kimura đã đăng hàng loạt ảnh tự làm tổn thương bản thân lên Twitter, ngụ ý rằng mình phải chịu đựng những bình luận cay nghiệt.

Sau hành động của Kimura trong Terrace House, nhiều bình luận ác ý như "Đi chết đi" hay "Thật kinh tởm" tràn ngập mạng xã hội. Sau khi Kimura qua đời, đa số bình luận và tài khoản chửi rủa cô đã bị xóa.

Tham gia Terrace House và cũng từng bị chửi như Kimura, Toshiyuki Niino đã chia sẻ với Nikkei Asian Review về câu chuyện của anh.

Toshiyuki Niino, thành viên tham gia Terrace House cũng từng trải qua bắt nạt trên Internet. Ảnh: Ken Kobayashi.

"Có hôm tôi nhận đến 200 tin nhắn với những lời lăng mạ như 'kinh tởm' từ khắp nơi trên thế giới". Niino nhận những bình luận trên vì trong một tập của chương trình, anh đã uống cùng một chai bia sau khi nó được uống bởi một người phụ nữ.

Trên Twitter, hàng trăm tài khoản đã gắn thẻ Niino trong các bài đăng với từ ngữ gay gắt, kèm biểu tượng cảm xúc nôn mửa.

Theo Niino, Terrace House được biên tập theo chiều hướng tạo ra nhân vật khác với con người thật ngoài đời của anh.

"Tôi ngạc nhiên khi nhiều người đánh giá xấu về tôi chỉ vì hành động trong chương trình. Có nhiều người ủng hộ tôi ngoài đời, và những người bức xúc chỉ chiếm phần nhỏ. Tuy nhiên nếu không thể nghĩ theo hướng tích cực như tôi, bạn sẽ cho rằng mọi người trên thế gian này đều ghét bạn", Niino chia sẻ.

Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3, có đến 5.100 cuộc gọi đến số điện thoại liên kết với chính phủ Nhật để được hỗ trợ về tình trạng bắt nạt trên Internet.

Bắt nạt trên Internet là thực trạng xảy ra tại nhiều quốc gia. Ảnh: Unicef.

Tình trạng chung tại nhiều nơi trên thế giới


Cái chết của một tài năng trẻ đã khiến toàn xã hội Nhật Bản rúng động, dấy lên làn sóng lên án mạnh mẽ của người dân và giới nghệ sĩ Nhật Bản. Tuy nhiên, đó là thực trạng không chỉ riêng tại Nhật.

Vào năm 2019, Sulli và Goo Hara, 2 nữ ca sĩ nổi tiếng Hàn Quốc đã tự sát sau khi đối mặt những lời chỉ trích gay gắt trên Internet. Trước đó vào tháng 4/2015, người mẫu Cindy Yang (Đài Loan) cũng tự tử vì bị bắt nạt trên mạng.

Bắt nạt trên mạng cũng không chỉ dành cho người nổi tiếng. Theo khảo sát được hãng nghiên cứu thị trường Ipsos thực hiện năm 2018, 17% phụ huynh cho biết con em họ từng bị bắt nạt trên Internet.

Tại Ấn Độ, 37% cha mẹ thừa nhận con họ bị bắt nạt trực tuyến, cao nhất trong số các nước châu Á. Tiếp theo là Trung Quốc (17%), Hàn Quốc (13%) và Nhật Bản (4%). Tuy nhiên Mallory Newall, giám đốc Ipsos, nhiều phụ huynh tại Nhật không biết con em mình bị bắt nạt, vậy nên con số thực tế có thể cao hơn.

Bên cạnh những mặt tích cực, sự phát triển của mạng xã hội còn gây ra nhiều vấn đề tiêu cực. Ảnh: Ken Kobayashi.

Sự phát triển của mạng xã hội đã tạo ra môi trường ai cũng có quyền ý kiến. Joanne Wong, giám đốc Touch Cyber Health, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Singapore, cho biết tính ẩn danh của mạng xã hội khiến người ta thích bắt nạt trực tuyến hơn.

Dữ liệu từ We Are Social, công ty nghiên cứu có trụ sở tại Anh cho biết tỷ lệ truy cập Internet ở châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 1 là 56% với 2,4 tỷ người dùng. Trong số đó, gần 90% hoạt động trên mạng xã hội.

"Mạng xã hội là một phần quan trọng với cuộc sống nhiều người. Không chỉ để tương tác, đó còn là nơi cho các hoạt động trực tuyến của họ", Poh Yeang Cherng từ hãng tư vấn Kingmaker (Singapore) cho biết.

Đại dịch Covid-19 cũng khiến người ta sử dụng mạng xã hội nhiều hơn. Theo một khảo sát toàn cầu của We Are Social, 50% phụ nữ và 44% nam giới trong độ tuổi từ 16 đến 64 cho biết họ đã dành nhiều thời gian cho mạng xã hội khi phải ở nhà tránh dịch.

Nữ ca sĩ Hàn Quốc Goo Hara qua đời năm 2019 sau cuộc chiến bất thành với những kẻ bắt nạt trên mạng. Ảnh: Reuters.

Cần tăng cường quy định, nhận thức về bắt nạt trên mạng


Cái chết của Kimura và nhiều ngôi sao trẻ đã khơi mào tranh luận về những giải pháp ngăn chặn bắt nạt trực tuyến, chủ đề đang được chính phủ nhiều nước thảo luận.

Tại Nhật Bản, những người bị bắt nạt trực tuyến có thể liên hệ nhà mạng, công ty điều hành website để truy ra IP, tên và địa chỉ kẻ bắt nạt. Tuy nhiên, đa số họ đã từ bỏ bởi phải nộp nhiều đơn kiện khác nhau để tố cáo, cần chờ đến 6-12 tháng, chi phí có thể lên đến một triệu yên (9.300 USD) để có được những thông tin ấy.

Đó là lý do Niino, thành viên tham gia Terrace House không kiện những người chỉ trích mình bởi sẽ tốn nhiều công sức, thời gian lẫn tiền bạc.

Đối mặt những nguy hiểm từ bắt nạt trên mạng, các công ty lớn trong lĩnh vực truyền thông xã hội đã đưa ra những quy định khắt khe hơn.

Vào ngày 26/5, ngay sau cái chết của Kimura, một tổ chức thuộc lĩnh vực truyền thông xã hội tại Nhật tuyên bố rằng những thành viên của tổ chức (Line, TikTok và Twitter Nhật Bản) sẽ cấm người dùng chỉ trích người khác, khóa tài khoản nếu vi phạm.

Tháng 10/2019, các nhà lập pháp Hàn Quốc đã thảo luận việc đưa giáo dục đạo đức trên Internet trở thành môn học bắt buộc tại trường học, cho phép truy tố những kẻ đăng nội dung chỉ trích người khác.

Năm 2014, Singapore đã áp dụng Đạo luật Bảo vệ Quấy rối, nghiêm cấm các hành vi bắt nạt trực tuyến hoặc ngoài đời. Người cố tình vi phạm có thể bị phạt lên đến 3.600 USD, tối đa 6 tháng tù hoặc cả 2.

Tuy nhiên, những quy định trên đã vấp phải yếu tố liên quan đến tự do ngôn luận.

Giáo dục về cách sử dụng Internet là một trong những giải pháp ngăn chặn bắt nạt trên Internet. Ảnh: New York Times.

"Internet nên là nơi để mọi người được quyền tư do bày tỏ quan điểm", Tommy Chan, giảng viên tại Đại học Northumbria (Anh) nói.

Kazuki Kitazawa, luật sư của Cyber Law Japan, nhấn mạnh những quy định cấm bắt nạt trên Internet "nên cân bằng với tự do ngôn luận", khẳng định chúng không thể giải quyết mọi trường hợp.

Các nhà nghiên cứu cho rằng giải pháp hiệu quả nhất là tăng cường giáo dục về cách sử dụng Internet.

"Mọi người nên được dạy rằng Internet là môi trường công cộng, từng động thái của họ đều được ghi nhận. Nhiều người trẻ không nhận ra những bình luận đăng trên mạng của họ có thể tồn tại mãi", Jun Sakamoto, giáo sư Đại học Hosei (Nhật Bản) chia sẻ.

Bản thân Niino cũng cho rằng giáo dục về việc những bình luận trên mạng có thể làm tổn thương người khác là điều quan trọng.

Theo Niino, mạng xã hội đã trở thành nơi lan tỏa sức mạnh, truyền tải thông điệp tích cực, giúp mọi người chung tay chống lại sự bất công. Điều đó được thể hiện qua những phong trào như #MeToo hay Black Lives Matter.

"Tôi hy vọng mọi người không dùng mạng xã hội để công kích người khác, thay vào đó hãy tận dụng nó để thay đổi xã hội theo hướng tích cực", Niino chia sẻ.

Theo Zing