Cải cách hành chính để kinh doanh thông thoáng

VitTimes -- Đây là tinh thần của Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính ngày 9-3. 
Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính ngày 9-3.
Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính ngày 9-3.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng cho rằng: năm 2018 phải tập trung hoàn thiện pháp luật, hoàn thiện cơ chế để tạo môi trường kinh doanh, tạo môi trường thu hút đầu tư, huy động nguồn lực từ kinh tế tư nhân.
Không được lơ là, chủ quan
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhắc tới Công điện của Thủ tướng Chính phủ ngay sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 với yêu cầu tất cả cán bộ, công chức, viên chức, các doanh nghiệp, người lao động bắt tay ngay vào làm việc.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, năm 2017, kinh tế trong nước đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhiều đổi mới về phòng chống tham nhũng, cải cách TTHC. “Tuy nhiên tại hội nghị tổng kết với các địa phương Thủ tướng Chính phủ ghi nhận là kết quả ban đầu, không thể chủ quan, lơ là”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Nhìn lại năm 2017, Tổ tư vấn cải cách TTHC đã tập trung phát hiện, đề xuất tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để hoàn thiện thể chế thông qua khắc phục những bất cập và cắt giảm nhiều TTHC.
“Ngay về vấn đề các nhà nhập khẩu ô tô chúng ta cũng gặp gỡ tiếp nhận ý kiến theo Nghị định 116 và Thông tư 03, chúng ta cũng cắt giảm nhiều thủ tục hành chính từ các Bộ Công Thương, Bộ Y tế, và các bộ đã cắt giảm 90% thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành....ngay cả ngân hàng nhà nước và bộ tài chính”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Đồng thời, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh: “Năm 2018 phải tập trung hoàn thiện pháp luật, hoàn thiện cơ chế để tạo môi trường kinh doanh, tạo môi trường thu hút đầu tư, huy động nguồn lực từ kinh tế tư nhân”.
Điểm qua một số nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong năm 2018, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ sẽ tập trung rà soát, cắt bỏ những TTHC trong lĩnh vực logistics để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ cũng quan tâm tới vấn đề tích tụ ruộng đất để hỗ trợ DN phát triển nông nghiệp công nghệ cao vì hiện đã có một số tỉnh làm thí điểm nhưng chưa có biện pháp căn cơ để thu hút doanh nghiệp.
Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ tập trung các biện pháp để cải thiện chất lượng, năng suất lao động; tập trung cải thiện dịch vụ hạ tầng, nhất là dịch vụ cho công nhân để ngăn ngừa tình trạng dịch chuyển lao động. Phát triển công nghiệp phụ trợ để thu hút hơn nữa đầu tư nước ngoài cũng sẽ được quan tâm. 
“Tới đây Thủ tướng sẽ tham gia hội nghị về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về đầu tư, xây dựng cơ bản. Bởi thực tế đang có những đan xen thủ tục, ngay cả giữa luật bảo vệ môi trường và luật đầu tư, cấp phép với chấp thuận đầu tư...”, Bộ trưởng cho biết.
Về cải cách TTHC, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng: kinh nghiệm từ việc cắt giảm tới 90% thủ tục hành chính trong lĩnh vực kiểm tra an toàn thực phẩm đã cung cấp một kinh nghiệm quý báu. Theo đó, cần phải tập trung làm quyết liệt, có áp lực từ trên xuống, từ dưới lên để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đề nghị các thành viên Hội đồng “xúm tay” vào làm việc để cải cách hành chính không biến tướng, các quy định không còn tồn tại những cụm từ không thể định lượng như: “phải đảm bảo tốt”, phải đảm bảo sạch, đẹp”…
Cần quyết liệt hơn nữa
Tại hội nghị, các đại biểu kiến nghị cần phải tập trung tháo gỡ khó khăn trong TTHC đối với các DN cách quyết liệt hơn nữa. 
Nhiều đại diện các hiệp hội doanh nghiệp cho rằng: vẫn còn nhiều quy định thực sự không cần thiết hoặc các quy định chỉ có tác dụng “đặt bẫy” doanh nghiệp khi cần thiết. Trong khi đó, các doanh nghiệp đôi khi vì lợi ích chung trong hội nhập đành “chịu vậy”, không dám có ý kiến. 
Ông Bùi Văn Quân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam dẫn ra các quy định về môi trường và cho rằng, doanh nghiệp ủng hộ chủ trường không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, nhưng cần phải có những quy định hợp lý, không thái quá. 
Còn ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May thì cho rằng: có nhiều khó khăn, vướng mắc như thủ tục nhập khẩu máy in, đã được kiến nghị từ năm 2016. Dù vậy, cho đến nay, dẫu cơ quan hữu quan đã ghi nhận, cũng đồng ý rằng phải bỏ nhưng văn bản chính thức thì không thấy đâu. 
Có ý kiến cho rằng, sở dĩ có sự chậm trễ là vì quy trình. Nhưng Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Minh Tâm nói, cách khắc phục hoàn toàn có thể trình Thủ tướng theo thủ tục rút gọn. 
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thân thì đề nghị phải mau chóng có những văn bản, quy định rõ ràng triển khai luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để thúc đẩy quá trình chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. 
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá cao những kết quả đạt được trong cải cách TTHC năm 2007 và dùng từ “được mùa” để nói về những thành tích như: Bộ Công Thương cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, Bộ Y tế cắt giảm 90% thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm… 
“Tác giả của những cải cách ấy là ai? Tôi cho rằng tác giả là tất cả các doanh nghiệp, hiệp hội. Vì Tổ công tác của Thủ tướng cũng như Hội đồng tiếp nhận kiến nghị từ chính doanh nghiệp, những chủ thể trực tiếp sản xuất, kinh doanh và hiểu tường tận những khó khăn, vướng mắc”, ông Lộc khẳng định. 
Ông Lộc đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ cần lắng nghe doanh nghiệp hơn nữa. Đồng thời, doanh nghiệp thay vì chỉ kêu về khó khăn, vướng mắc thì phải hiến kế nhiều hơn cho Chính phủ trong công cuộc cải cách hành chính.
Dự kiến năm 2018 sẽ diễn ra 6 hội nghị đối thoại với doanh nghiệp. Chủ tịch các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng phải tập hợp và phát biểu ý kiến thẳng thắn. Chúng tôi thận trọng và quan tâm tới ý kiến các thành phần tham gia. 
Việc dùng một nghị định sửa 5 hoặc 7 nghị định cần phải tính đến để cải cách được tiến hành nhanh chóng và dứt khoát, tạo được lòng tin cho doanh nghiệp. 
Các bộ, ngành cũng cần chú trọng xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn để tránh những quy định mập mờ, biến tướng. Thủ tướng đã chỉ đạo năm 2018 thực hiện cắt giảm tiếp 50% TTHC và điều kiện kinh doanh. Vì vậy, các bộ phải xây dựng được phương án. Cùng với đó, chúng ta cũng cần tập trung xây dựng và hoàn thiện chính phủ điện tử, nâng cao mức độ ứng dụng CNTT, đẩy mạnh dịch vụ công và cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ tốt cho những cải cách căn cơ. 
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng