Cách nhà sáng lập Mai Thanh Bình xoay chuyển sở hữu nước ngoài ở VNLife

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngay sau khi ‘cập nhật’ quốc tịch Singapore cho nhà sáng lập Mai Thanh Bình, CTCP Tập đoàn cuộc sống Việt (VNLife) đã chứng kiến nhiều chuyển động đáng chú ý từ khối ngoại.
Cách nhà sáng lập Mai Thanh Bình xoay chuyển sở hữu nước ngoài ở VNLife
Cách nhà sáng lập Mai Thanh Bình xoay chuyển sở hữu nước ngoài ở VNLife

Nói là ‘cập nhật’ quốc tịch Singapore cho ông Mai Thanh Bình, bởi dữ liệu của VietTimes thể hiện, vị doanh nhân sinh năm 1981 đã được cấp quốc tịch Singapore từ tháng 4/2019, ít tháng sau khi thành lập CTCP Tập đoàn cuộc sống Việt (VNLife).

Mặt khác, nó cũng diễn ra chỉ ít tháng trước khi truyền thông trong nước và quốc tế đồng loạt đưa tin về việc các quỹ đầu tư của SoftBank và GIC muốn rót 300 triệu USD vào VNPay – nền tảng thanh toán trực tuyến được cho là thuộc sở hữu của VNLife. Còn ông Mai Thanh Bình khi ấy cũng được biết tới là một trong những ‘cánh tay nối dài’ của Sea Limited (‘kỳ lân’ công nghệ lớn nhất Đông Nam Á,có trụ sở tại Singapore) ở Việt Nam.

Tới tháng 6/2021, tấm hộ chiếu nước ngoài mới được sử dụng làm giấy tờ pháp lý cá nhân cho ông Mai Thanh Bình trên đăng ký kinh doanh của VNLife.

Khá trùng hợp, sự thay đổi này cũng diễn ra ngay trước khi VNLife huy động thành công hơn 250 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B do General Atlantic và Dragoneer Investment dẫn dắt, với sự tham gia của PayPal Ventures, EDBI, GIC và SoftBank Vision Fund 1.

Ở một diễn biến khác, ngay sau khi ông Mai Thanh Bình được ‘cập nhật’ quốc tịch Singapore, tỉ lệ sở hữu của khối ngoại ở VNLife tăng mạnh từ 32,861% lên mức 70,226% vốn điều lệ. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc chuyển ‘quốc tịch’ nước ngoài cho 8,1 triệu cổ phần – tương đương 37,675% vốn điều lệ VNLife - mà ông Mai Thanh Bình đứng tên.

Tuy nhiên, chỉ sau đó ít ngày, ông Mai Thanh Bình đã chuyển nhượng phần lớn lượng cổ phần, giảm tỉ lệ sở hữu tại VNLife xuống còn 2,835% vốn điều lệ. Đối tác nhận chuyển nhượng, theo tìm hiểu của VietTimes, nhiều khả năng là các nhà đầu tư trong nước. Bởi sau giao dịch này, tỉ lệ sở hữu khối ngoại ở VNLife giảm xuống còn 35,696% vốn điều lệ.

Đến tháng 8/2021, VNLife chào bán thêm 3,67 triệu cổ phần, tăng vốn điều lệ lên mức 254,46 tỉ đồng, tỉ lệ sở hữu của khối ngoại cũng tăng mạnh lên mức 47,945%.

Các cổ đông ngoại ở VNLife trước và sau đợt tăng vốn vào tháng 8/2021

Các cổ đông ngoại ở VNLife trước và sau đợt tăng vốn vào tháng 8/2021

Sau đợt tăng vốn này, VNLife có thêm 4 cổ đông tổ chức nước ngoài, bao gồm: Vantage DF Holdings, LP (5,799% VĐL), General Atlantic Singapore VNL Pte. Ltd (5,799% VĐL), EDB Investments Pte Ltd (0,7655% VĐL) và Paypal Pte. Ltd (1,933% VĐL).

Bên cạnh đó, các cổ đông hiện hữu như Ardolis Investment Pte. Ltd và SVF Pioneer Subco (Singapore) Pte. Ltd cũng gom mua thêm cổ phần VNLife để tăng tỉ lệ sở hữu lên lần lượt 13,45% và 19,93% vốn điều lệ.

Ở chiều hướng ngược lại, ông Mai Thanh Bình tiếp tục bán ra cổ phần VNLife, giảm tỉ lệ sở hữu xuống chỉ còn 0,259% vốn điều lệ./.