Theo thống kê của VietTimes, chỉ tính riêng năm 2019, ba thành viên “cùng họ” Tiến Phước là CTCP Bất động sản Tiến Phước (Tiến Phước Group), CTCP Sàn giao dịch Bất động sản Tiến Phước (Tiến Phước Land), CTCP Tư vấn Đầu tư và Kỹ thuật Mê Kông đã phát hành lượng trái phiếu với tổng mệnh giá gần 2.600 tỷ đồng.
Nổi bật là Tiến Phước Land với 4 lần phát hành trái phiếu, trong khoảng thời gian từ 31/7 - 11/11/2019, thu về 1.023,5 tỷ đồng. Tổ chức tư vấn là CTCP Chứng khoán MB (MBS). Các lô trái phiếu đều có kỳ hạn 18 tháng, lãi suất cố định 8%/năm.
Mặc dù có mức lãi suất thấp so với mặt bằng chung, trái phiếu do Tiến Phước Land phát hành được hấp thụ rất tốt bởi các nhà đầu tư cá nhân.
Đơn cử như đợt phát hành 332/351 tỷ đồng trái phiếu vào ngày 31/7/2019, toàn bộ trái chủ đều là các nhà đầu tư cá nhân trong và ngoài nước. Tương tự là các đợt phát hành vào tháng 9/2019, hay tháng 11/2019.
Các thương vụ phát hành trái phiếu của một số thành viên Tập đoàn Tiến Phước (Nguồn: PV Tổng hợp)
|
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, vốn điều lệ của Tiến Phước Land chỉ ở mức 20 tỷ đồng nhưng quy mô phát hành trái phiếu đã gấp hơn 51 lần. Không chỉ riêng doanh nghiệp này, CTCP Tư vấn Đầu tư và Kỹ thuật Mê Kông cũng đã phát hành lượng trái phiếu gấp 45 lần quy mô vốn điều lệ (ở mức 20 tỷ đồng).
Ở đây, cần nhấn mạnh rằng, con số 2.600 tỷ mới là thống kê chưa đầy đủ về dư nợ trái phiếu của nhóm Tiến Phước.
Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong năm 2019, xuất hiện nhiều doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu vượt quy mô vốn chủ sở hữu tới hàng chục lần.
Nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp quy mô vốn nhỏ phát hành trái phiếu với khối lượng lớn tiềm ẩn rủi ro cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư, trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018/NĐ-CP, Bộ Tài chính đề xuất quy định doanh nghiệp phải đảm bảo dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ không quá 3 lần vốn chủ sở hữu.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng yêu cầu thời gian giữa các đợt phát hành trái phiếu tối thiểu là 6 tháng và trái phiếu phát hành trong mỗi đợt phải cùng điều kiện, điều khoản.
Mục đích nhằm hạn chế việc doanh nghiệp chia nhỏ phát hành trái phiếu thành nhiều đợt với nhiều mã, lách quy định về phạm vi phát hành riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư và hạn chế giao dịch trong vòng một năm.
Hệ sinh thái Tiến Phước
Hoạt động từ năm 1992, Tiến Phước Group (hay rộng hơn là “hệ sinh thái” Tiến Phước) mang đậm nét của một công ty gia đình, do ông Nguyễn Thành Lập (SN 1950) sáng lập nên.
Tính đến cuối tháng 3/2015, quy mô vốn điều lệ của Tiến Phước Group là 860 tỷ đồng, trong đó, ông Nguyễn Thành Lập sở hữu 60% vốn. Số cổ phần còn lại được chia đều cho 4 nữ cổ đông cá nhân, có chung địa chỉ thường trú với ông Lập, bao gồm: bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (SN 1974), Nguyễn Thị Mỹ Linh (SN 1975), Nguyễn Thị Mỹ Phương (SN 1979) và Nguyễn Thị Mỹ Anh (SN 1988).
Tập đoàn của vị doanh nhân Nguyễn Thành Lập nổi danh tại nhiều dự án, trong đó có Empire City tại Khu đô thị Thủ Thiêm (Ảnh: Internet)
|
Là một trong những doanh nghiệp gia nhập lĩnh vực địa ốc tại Tp. HCM cùng thời với Vạn Thịnh Phát và Nam Long, Tiến Phước Group đã sở hữu cho mình danh mục nhiều dự án đáng chú ý như: Khu dân cư Senturia Vườn Lài (9,8 ha, Quận 12), Khu dân cư Senturia Nam Sài Gòn (19,8 ha huyện Bình Chánh), Palm Heights (30ha, Quận 2), Senturia An Phú (18,2ha, Quận 2), Khách sạn Le Meridien (3C Tôn Đức Thắng, Quận 1).
Sự phát triển của Tiến Phước Group còn gắn liền với sự đồng hành từ đối tác như Keppel Land và Trần Thái Group.
Năm 2009, liên danh các nhà đầu tư Tiến Phước – Trần Thái – Keppel Land đã thành lập Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc để đầu tư dự án Khu dân cư Nam Rạch Chiếc. Hay ở trong một thương vụ đáng chú ý hơn, Tiến Phước Group “bắt tay” cùng Keppel Land, Trần Thái Group và Gaw Capital để thực hiện dự án Empire City tại Khu đô thị Thủ Thiêm (có tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 26.000 tỷ đồng).
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, kể từ năm 2015, Tiến Phước Group đã nhiều lần tăng vốn, nâng quy mô vốn điều lệ lên mức 2.018 tỷ đồng, song song với việc mở rộng nhiều lĩnh vực kinh doanh.
Ở lĩnh vực bất động sản, Tiến Phước Group cũng đang phát triển quỹ đất tại các địa phương xung quanh Tp. HCM. Tập đoàn của ông Nguyễn Thành Lập đang là ứng cử viên sáng giá tại dự án dự án Khu đô thị mới Cỏ May quy mô 149ha, vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng ở TP. Vũng Tàu.
Trong lĩnh vực năng lượng, Tiến Phước Group cũng đang xin chủ trương thực hiện dự án Điện mặt trời Châu Pha (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có diện tích 51,17 ha, công suất thiết kế 48MWp, vốn đầu tư gần 1.178 tỷ đồng.
Lĩnh vực y tế cũng là một trong những hoạt động đầu tư đáng chú ý trong “hệ sinh thái” Tiến Phước với Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Mỹ và hệ thống phòng khám quốc tế Victoria Healthcare.
Theo tìm hiểu của VietTimes, bà Nguyễn Cửu Thị Kim Chi (SN 1951, phu nhân của ông Nguyễn Thành Lập) cùng với người con gái Nguyễn Thị Mỹ Phương (SN 1979) là các cổ đông sáng lập của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Mỹ Mỹ.
Pháp nhân này là chủ đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Mỹ (AIH) tại Phường An Phú, Quận 2 (TP.HCM). Dự án có vốn khoảng 40 triệu USD, đã khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 10/2018.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Mỹ (AIH) - Nguồn: Internet
|
Ngoài ra, “hệ sinh thái” Tiến Phước còn được thể hiện qua các pháp nhân mà những người con gái của ông Lập đang đứng tên.
Trong đó, người con gái đầu Nguyễn Thị Mỹ Hạnh là người đại diện tại Công ty TNHH Lạ, Công ty TNHH Một thành viên TPL.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Phương là người đại diện của Công ty TNHH SGS, Công ty TNHH The Monarch.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh là người đại diện tại CTCP Phòng khám bệnh Quốc tế Mỹ, Công ty TNHH Zentique, Công ty TNHH Đan Vy, Công ty TNHH Linh Đan và Trường Mầm non tư thục Nê Mô.
Người con gái út Nguyễn Thị Mỹ Anh cũng đang đứng tên tại Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ công nghệ cao có địa chỉ tại Khu công nghệ cao, Phường Tân Phú, Quận 9, Tp. HCM./.