Hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 29/8, tại Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng với sự tham dự của Bộ NN-PTNT; Tổng Cục thủy sản; Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo UBND, Sở NN&PTNT, Hội Nông dân, ngư dân… các tỉnh thành duyên hải miền Trung. Sẽ có khoảng 200 đại biểu đến từ các Bộ, ngành TƯ, các địa phương ven biển, ngư dân, các ngân hàng, các công ty đóng tàu, cùng các doanh nghiệp khác tham gia góp tiếng nói chung đối với vấn đề này.
Hội thảo được tổ chức nhằm tạo dựng sự kết nối giữa các cơ quan chức năng, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và các địa phương, nhằm chia sẻ những kinh nghiệm trong việc áp dụng Nghị định 67 vào thực tiễn cũng như đưa những chính sách, chủ trương mới, phù hợp hơn với điều kiện thực tế của từng địa phương nhằm mang lại hiệu quả hơn nữa cho ngư dân vươn khơi bám biển.
Ngày 7/7/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Theo đó, ngư dân của 27/28 tỉnh, thành phố ven biển được phê duyệt danh sách điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 tàu, trong đó đóng mới 1.510, đạt 66,11 % (tàu vỏ thép và vật liệu mới là 768 tàu, chiếm 51%; tàu vỏ gỗ là 742 tàu, chiếm 49%). Số tàu cá phân theo nhóm nghề: tàu làm nghề câu 85 chiếc, nghề lưới rê 420 chiếc; nghề lưới vây 427 chiếc; nghề lưới chụp 341 chiếc và tàu dịch vụ hậu cần là 237 chiếc; số tàu nâng cấp 438 tàu.
Sau 3 năm thự hiện chủ trương, Nghị định 67 nhận được sự đồng thuận của dư luận xã hội, chủ trương đáp ứng nguyện vọng của đông đảo ngư dân; mang lại hiệu quả và thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với ngư dân; tai nạn tàu cá giảm đáng kể; góp phần tích cực bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển; ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, đời sống người dân được cải thiện, nhiều mô hình sản xuất trên biển đã hình thành và phát triển.