Covid-19:

Các nước "bơm tiền" hỗ trợ nền kinh tế, Việt Nam thì sao?

VietTimes – Báo cáo số 809/BC-BKHĐT mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chuẩn bị để phục vụ phiên họp thường trực Chính phủ hôm nay (12/02/2020) không đề cập "rõ" tới các biện pháp được cho là nhạy cảm như nới lỏng tiền tệ hay dùng các gói kích thích kinh tế nhưng…
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Các nước đã làm gì?

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trước tình hình diễn biễn và ảnh hưởng của dịch Covid-19, các quốc gia trong khu vực có cùng phản ứng là: (i) ưu tiên cao nhất cho ngăn chặn và dập dịch sớm nhất có thể, (ii) đồng thời triển khai các biện pháp giảm thiểu tác động của dịch, (iii) chuẩn bị cho giai đoạn “hậu dịch” cả về y tế, kinh tế, xã hội và đối ngoại.

Bộ này dẫn chứng:

Trung Quốc thực hiện các biện pháp nới lỏng trong ngắn hạn để ổn định nền kinh tế, như tung ra thị trường hơn 240 tỷ đô la thông qua hợp đồng mua lại trên hệ thống ngân hàng để tạo thanh khoản; yêu cầu các tổ chức tài chính duy trì cho vay đối với các công ty nhỏ để họ có thể duy trì hoạt động kinh doanh; khuyến khích cho vay tín dụng, cho vay trung và dài hạn, rút ngắn thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay trong vòng hai ngày để các doanh nghiệp liên quan chống chọi với ảnh hưởng của dịch; trì hoãn thanh toán các khoản vay; giảm lãi suất vay và miễn lãi quá hạn cho các khoản vay, cung cấp các khoản vay mới cho các công ty có thanh khoản thấp; cắt giảm thuế hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ nhằm bảo đảm nguồn cung; giảm chi phí đầu vào như khấu trừ thuế và miễn, giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp; thành phố Bắc Kinh và Tô Châu cho phép chậm nộp bảo hiểm xã hội, miễn lệ phí hành chính, giảm tiền thuê đất thuộc sở hữu nhà nước.

Thái Lan công bố các biện pháp mới để thúc đẩy nền kinh tế, hạ lãi suất từ 1,25% xuống 1%, giảm điều kiện kinh doanh, tăng miễn thuế doanh nghiệp cho cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án quy mô lớn, nới lỏng các điều khoản trả nợ, gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân từ tháng 3 đến tháng 6.

Singapore đang chuẩn bị một gói tài chính để đối phó (dự kiến công bố ngày 18/2/2020) và đã công bố một loạt các biện pháp cho ngành du lịch, bao gồm miễn lệ phí giấy phép cho khách sạn, đại lý du lịch và hướng dẫn viên du lịch, đầu tư các dự án hạ tầng quy mô lớn.

Malaysia đang cân nhắc việc đưa ra gói kích thích kinh tế.

Philippines đã cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống 3,75%, giảm lãi suất mua đảo ngược, lãi suất cho vay và tiền gửi qua đêm.

Còn Việt Nam?

“Phản ứng của Chính phủ Việt Nam trước dịch thời gian qua được quốc tế đánh giá là rất kịp thời, nhanh, quyết liệt và hiệu quả”, Báo cáo mới nhất của Bộ KH&ĐT đánh giá.

Nhắc lại rằng, tại Báo cáo đánh giá sơ bộ ảnh hưởng của dịch bệnh Corona đối với kinh tế - xã hội Việt Nam gửi lên Chính phủ một tuần trước, Bộ này đã nhận định: “Để năm 2020 đạt mức tăng trưởng GDP 6,8% như mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là thách thức rất lớn, khả năng sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra”. Nhưng tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ khi ấy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh thông điệp “không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng”.

Trên tinh thần chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, Báo cáo lần này của Bộ KH&ĐT viết: “Để đạt được mục tiêu mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra là không thay đổi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trong bối cảnh chịu thêm các ảnh hưởng từ hạn hán, xâm nhập mặn, dịch khác trên gia súc và gia cầm, trên cơ sở đánh giá của các doanh nghiệp nếu tình hình nguồn cung nguyên liệu đầu vào và thị trường xuất khẩu không sớm được cải thiện thì khả năng cầm cự chỉ hết tháng 2/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương châm, định hướng thực hiện và kiến nghị các nhóm giải pháp cụ thể cần quyết liệt làm ngay trong thời gian tới”.

Cụ thể, phương châm thực hiện mà Bộ này đề xuất là “Không thay đổi mục tiêu, bình tĩnh, không chủ quan, chủ động sớm dự liệu giải pháp”; với 3 nhóm giải pháp là: (a) Tập trung ưu tiên các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch; (b) Các giải pháp hỗ trợ, ổn định đời sống nhân dân, tháo gỡ khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh trong thời gian dịch Covid-19 đang diễn ra; (c) Giải pháp hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng sau khi kiểm soát, dập dịch thành công.

Dù viện dẫn hàng loạt các biện pháp “mạnh” mà các nước trong khu vực đã thực hiện để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành – như thực hiện nới lỏng tiền tệ hay dùng các gói kích thích kinh tế - nhưng khi đề xuất các nhóm giải pháp cho Việt Nam, tài liệu của Bộ KH&ĐT không đề cập "rõ" tới các biện pháp được cho là nhạy cảm này.

Tuy vậy, báo cáo ký bởi Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi mở một số phương án, chẳng hạn như: “Giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch, như: hỗ trợ thanh khoản, duy trì cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay...; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2 năm 2020.”

Hay: “Giao Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 02 năm 2020: (i) Đánh giá tình hình thu, chi ngân sách nhà nước do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và kiến nghị các giải pháp bảo đảm cân đối thu chi trong năm 2020; (ii) Nghiên cứu các giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng nông lâm thủy sản, dịch vụ, du lịch, như: gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế khi doanh nghiệp đã nộp đủ thuế, miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp phục vụ công tác chống dịch, khấu trừ thuế…; miễn, giảm tiền thuê đất của nhà nước cho doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng của dịch trong thời gian diễn ra dịch, kéo dài thời gian, giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát; giảm giá thuê đất, mặt bằng cho các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ để kịp thời hỗ trợ các dịch vụ hậu cần, lưu thông, kho lạnh, bảo quản hàng hóa, tiêu thụ nông lâm thủy sản, thúc đẩy và tăng cầu nội địa trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch”.

Dẫn nghiên cứu của Fitch Solutions Macro Research, Bộ KH&ĐT cũng cho biết trong báo cáo: Dự kiến tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á có thể giảm còn 4% so với mức 4,3% của năm 2019, trong đó Singapore và Thái Lan có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong ASEAN, tiếp đến là Hong Kong và Việt Nam.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng nêu rõ, cuộc họp hôm nay nhằm tìm biện pháp cụ thể, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, du lịch, xuất nhập khẩu và các hoạt động khác trong bối cảnh dịch bệnh. “Làm sao tái cơ cấu nền kinh tế, giảm chi phí và những chính sách nào thúc đẩy phát triển”, Thủ tướng đặt vấn đề, kể cả kích cầu, thúc đẩy giải ngân hay chính sách giảm phí, lệ phí và dịch vụ khác, làm sao giảm lãi suất và chuyển đổi thị trường.

“Tinh thần là không được vì việc này mà bỏ mất việc kia”

Tại cuộc họp Chính phủ để đánh giá ảnh hưởng của dịch do virus Corona đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam vừa diễn ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, trong trường hợp khống chế được dịch trong quý 1/2020 thì tăng trưởng của nước ta dự báo là 6,25%, giảm 0,55 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.

Trường hợp dịch được khống chế trong quý 2/2020 thì tăng trưởng của ta dự báo là 5,96%, giảm 0,84 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và giảm 0,29 điểm % so với kịch bản khống chế được dịch trong quý I/2020.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với các biện pháp mạnh, cụ thể, hiệu quả, tình hình dịch bệnh nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, nếu chỉ lo chống dịch mà không lo phát triển kinh tế, giữ gìn quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội thì không thể nói là hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vì nhiệm vụ năm 2020 được giao rất nặng nề. “Tinh thần là không được vì việc này mà bỏ mất việc kia”, Thủ tướng nêu rõ.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ: Chúng ta phải chống cả 2 loại virus, một là virus Corona và một loại virus nữa là “virus trì trệ”, không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh nên không hành động, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, chúng ta không được đổ lỗi cho khách quan, không chịu triển khai những biện pháp mới, không chịu tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, sản phẩm do ảnh hưởng của dịch bệnh, làm sụt giảm tăng trưởng, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm, thu nhập của người dân./.