Theo đó, Cục Quản lý giá theo dõi tình hình và nhận được phản ảnh từ một số địa phương cho biết có tình trạng mức giá vé trên cùng tuyến vận tải bằng ô tô tuyến cố định giữa một số đơn vị kinh doanh vận tải có sự chênh lệch.
Chẳng hạn: trên tuyến TP HCM - Hà Nội từ 20 - 29 tháng Chạp (tức từ ngày 29/01 đến ngày 07/02) vé giường nằm của hãng Trung Nam, Sài Gòn (TP HCM) đã kê khai là gần 1,3 triệu đồng. Tuy nhiên, giá vé của hãng xe Hoàng Long (trụ sở chính ở Hà Nội) là hơn 1,5 triệu đồng.
Do vậy, Bộ Tài chính yêu cầu các Sở Tài chính phối hợp với Sở GTVT nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 02/CT-BTC ngày 24/12/2015 của Bộ Tài chính về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016...
Trong đó, đối với vận tải bằng ôtô tuyến cố định, các Sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong trao đổi thông tin về mức giá kê khai của các đơn vị vận tải trên cùng tuyến cố định để phối hợp kiểm tra, rà soát thống nhất mức giá kê khai giữa 2 đầu tuyến.
Trường hợp đối với các đơn vị có quy mô hoạt động, chất lượng dịch vụ tương đồng trên cùng một tuyến cố định có mức giá cước khác nhau, đề nghị địa phương nơi nhận văn bản kê khai với mức giá cao hơn rà soát, yêu cầu đơn vị vận tải phải kê khai giảm giá cho phù hợp với mức giá kê khai tại đầu tuyến đối lưu (có mức giá thấp hơn).
Đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, lợi dụng lượng hành khách tăng để tăng giá ở mức cao mà không thực hiện việc kê khai, niêm yết.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị liên quan công khai và yêu cầu các bến xe, đơn vị kinh doanh vận tải công khai, minh bạch giá cước vận tải để người tiêu dùng được lựa chọn đơn vị cung cấp giá cước phù hợp.