Theo Nikkei Asia, các công ty Nhật Bản đang có nguy cơ mất đi những nhân viên công nghệ thông tin lành nghề từ Việt Nam, khi ngày càng nhiều tài năng trẻ từ nước này tìm đến các công ty Mỹ và châu Âu với mức lương cao hơn, trong khi Nhật Bản có rất ít lựa chọn để lấp đầy khoảng trống tuyển dụng.
Một hội chợ việc làm tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam trong tháng 5 đã thu hút nhiều công ty Nhật Bản muốn tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp từ trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Bảy trong số các doanh nghiệp đã thành công trong việc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp, nhưng "có một cảm giác rằng những ứng viên đó quan tâm đến văn hóa Nhật Bản hơn là công việc", một quan chức của công ty tổ chức hội chợ cho biết.
Quan chức này cho biết các công ty công nghệ thông tin ở châu Âu và Mỹ sẵn sàng trả mức lương hàng năm là 10 triệu yên (70.500 USD) cho những tài năng công nghệ có tay nghề cao. Nhưng mức lương mà các công ty Nhật Bản đưa ra cho sinh viên thường vào khoảng 4 triệu yên, cao nhất khoảng 5,8 triệu yên, chỉ bằng một nửa so với công ty Âu, Mỹ.
Tiền lương mà các công ty nước ngoài ở Việt Nam phải trả cho nhân viên tiếp tục tăng, mặc dù môi trường làm việc trong ngành công nghệ trở nên ảm đạm do nhu cầu về điện thoại thông minh và máy tính trên toàn thế giới sụt giảm.
Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản báo cáo rằng tiền lương nhân viên tại các công ty Nhật Bản ở Việt Nam đã tăng 5,8% trong năm ngoái, với mức tăng trưởng 5,9% dự kiến vào năm 2023.
Đặc biệt, nhân sự CNTT có nhiều cơ hội toàn cầu và sự cạnh tranh để giành lấy họ rất khốc liệt.
“Các công ty IT của Nhật đưa ra mức lương thấp hơn so với các công ty nước ngoài khác”, một kỹ sư làm việc cho một doanh nghiệp châu Âu có trụ sở tại TP.HCM cho biết. "Họ thường yêu cầu mọi người học tiếng Nhật, vì vậy tôi không nghĩ đến việc trở thành nhân viên của họ".
Sun Asterisk, một công ty Nhật Bản hỗ trợ tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp ở nước ngoài, cho biết một số doanh nghiệp Nhật Bản đã bắt đầu đưa ra mức lương khởi điểm cao hơn cho những sinh viên tốt nghiệp được tuyển dụng từ các quốc gia khác ở châu Á, tuy nhiên số lượng tuyển dụng được vẫn còn ít.
Taihei Kobayashi, Giám đốc điều hành của công ty Sun Asterisk cho biết: “Chúng tôi đã bắt đầu muộn trong cuộc đua tuyển dụng toàn cầu".
Các công ty Nhật Bản cũng đang xem xét lại chiến lược thuê ngoài và phát triển hệ thống CNTT ở nước ngoài. Techno Digital cho biết rằng sự yếu đi của đồng yên đã làm thu hẹp khoảng cách về mức lương giữa Nhật Bản và các nước châu Á khác.
Ngay cả khi lợi thế về chi phí mất đi, các công ty Nhật Bản sẽ khó giảm bớt sự phụ thuộc vào nhân công châu Á để phát triển CNTT. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp dự đoán rằng Nhật Bản sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu tới 790.000 nhân sự CNTT vào năm 2030. Techno Digital lưu ý rằng ngay cả việc thuê ngoài cũng đã chuyển từ mục tiêu giảm chi phí sang mục tiêu đảm bảo an toàn cho người lao động.
Một phong trào đang được tiến hành để tìm một giải pháp thay thế cho nhân công Việt Nam - nơi được cho là chiếm 70% hoạt động thuê ngoài của các công ty Nhật Bản. Vào cuối năm 2022, Fourth Valley Concierge, một công ty dịch vụ giới thiệu việc làm, đã mở một cơ sở tại Nepal để tìm kiếm những người lao động đã được đào tạo tiếng Nhật cho các công ty Nhật Bản.
Tuy nhiên, ngay cả ở những khu vực mà các công ty Nhật Bản hiện đang tìm kiếm, các doanh nghiệp phương Tây cũng đã thu hút được những nhân viên có tay nghề cao.
Yohei Shibasaki, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Fourth Valley cho biết: “Chính phủ Nhật Bản cần nghiêm túc giải quyết vấn đề này để đất nước có thể đảm bảo nguồn lao động có tay nghề cao".