Trang tin Đa Chiều cho biết, USTR hôm 14/6 ra thông báo cho biết sẽ tổ chức cuộc điều trần từ ngày 17 đến 25/6 để nghe ý kiến của các hãng bán lẻ, các nhà sản xuất và các giới kinh doanh khác.
Theo The Wall Strett Journal ngày 16/6, căn cứ phân tích số liệu nhập khẩu, báo này ủng hộ ý kiến cho rằng các công ty Mỹ không thể tách khỏi Trung Quốc. Có tới 273 loại hàng hóa bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế mới; các sản phẩm Trung Quốc chiếm tới trên 90% tổng kim ngạch các mặt hàng như pháo hoa, ngư cụ, thảm điện... mà Mỹ nhập khẩu. Năm 2018, Mỹ đã nhập số hàng hóa loại này từ Trung Quốc tổng cộng 66,3 tỷ USD.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ, ông Wilbur Ross hôm 16/6 đã hạ thấp hy vọng của giới quan sát về khả năng Mỹ - Trung đạt được một hiệp nghị mậu dịch dù Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể gặp gỡ nhau tại Hội nghị cấp cao các nước G20 tại Nhật vào cuối tháng 6 này.
Ông Wilbur Ross nói, cuộc gặp gỡ Trump – Tập chỉ có thể đạt được kết quả là khôi phục đàm phán Mỹ - Trung chứ không thể dừng việc thực thi vòng thuế quan mới.
Tuy nhiên việc Washington và Bắc Kinh có thể đạt được một hiệp nghị mậu dịch hay không đã gây nên ảnh hưởng trái chiều nghiêm trọng đối với các công ty Mỹ. 18 tháng trước, khi Mỹ đe dọa tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, một số công ty Mỹ đã buộc phải tìm đến các hãng chế tạo mới ở ngoài Trung Quốc như Mexico, Việt Nam... nhưng không thuận lợi. Họ phát hiện ra rằng cơ sở nhà xưởng, thiết bị gia công kim loại của ngành chế tạo các nước đó rất mỏng, yếu... không đáp ứng được cả về nhu cầu sản xuất lẫn giá cả như phía Trung Quốc.
Số liệu mậu dịch của Cục Điều tra Nhân khẩu Mỹ (Census Bureau) cho thấy, có tới 86% số pháo hoa mà Mỹ sử dụng được nhập từ Trung Quốc. Có công ty cho biết họ đã tìm nhà cung ứng tại các nước Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ và Mexico... để thay thế nhưng không tìm được loại pháo hoa nào có chất lượng đạt tới mức thông thường của sản phẩm nhập từ Trung Quốc.
Chỉ còn 10 ngày nữa là diễn ra Hội nghị cấp cao các nước G20 tại Nhật, nhưng đến lúc này khả năng diễn ra cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình vẫn chưa chắc chắn
|
Đại bộ phận các sản phẩm dùng cho trẻ em mà các công ty Mỹ tiêu thụ cũng đều nhập từ Trung Quốc. Ông Kelly Mariotti, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất sản phẩm dùng cho thanh thiếu niên (Juvenile Products Manufacturers Association) cho biết, có rất ít công ty trong ngành này có thể nâng cao sản lượng để ứng phó với việc tăng thuế đối với hàng Trung Quốc nhập khẩu. Ông nói trong bản tuyên bố: giá thành những sản phẩm này gia tăng sẽ mang lại gánh nặng không công bằng đối với các gia đình Mỹ; không còn nghi ngờ gì nữa, nó sẽ dẫn đến việc số lượng trẻ em được hưởng thụ những sản phẩm quan trọng đối với sự an toàn của bản thân bị giảm đi rất nhiều.
Ông cho biết, Hiệp hội đang thúc đẩy các quan chức giới thương mại loại bỏ sản phẩm dành cho trẻ em ra khỏi danh mục các mặt hàng bị tăng thuế trong đợt tới để giữ cho giá cả ở mức có thể chịu đựng được.
Việc tăng thuế đối với sản phẩm Trung Quốc nhập khẩu cũng bị các tổ chức có đông đảo thành viên như Phòng thương mại Hoa Kỳ (U.S. Chamber of Commerce) và Hội Liên hiệp các nhà bán lẻ Mỹ (National Retail Federation) phản đối.
Trong một bức thư gửi Tổng thống Donald Trump hôm 13/6, hơn 600 công ty Mỹ trong đó có các hãng bán lẻ lớn Walmart và Target đã viết: chính sách thuế đã và sắp thực thi đã khiến chi phí sinh hoạt của mỗi gia đình Mỹ 4 người tăng bình quân 2.000 USD/năm. Hãng Reuters hôm 13/6 gọi đây là bức thư mới nhất gửi tới ông Donald Trump của “khu vực trung tâm bị hại bởi thuế quan” (Tariffs Hurt the Heartland) và đây là phong trào chống thuế quan mang tính toàn quốc, được sự ủng hộ của hơn 150 đoàn thể, tổ chức mậu dịch thuộc các ngành nông nghiệp, công nghiệp chế tạo, bán lẻ và công nghệ.
Bức thư gửi ông Donald Trump nói trên viết: “Chúng tôi rất lo ngại về việc leo thang thuế quan theo kiểu ăn miếng trả miếng... Đánh thuế rộng khắp không phải là công cụ hữu hiệu giúp thay đổi tình trạng mậu dịch không công bằng với Trung Quốc. Thuế mà chúng ta thu được là tiền do các công ty Mỹ phải trực tiếp bỏ ra chứ không phải người Trung Quốc”.
Trước đó, phía Mỹ liên tiếp đưa ra những lời đe dọa sẽ thực thi việc đánh thuế 25% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ.
Hôm 10/6, ông Trump tuyên bố: nểu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không tham dự Hội nghị cấp cao G20 hoặc cuộc gặp gỡ Trump – Tập tại đây không có tiến triển, việc đánh thuế đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ lập tức có hiệu lực.
Ngày 11/6, ông Trump thông báo cuộc gặp gỡ với ông Tập Cận Bình “đã được sắp đặt xong”. Tổng thống Mỹ nói: “Tôi nghĩ ông ấy sẽ tới... Nếu ông ấy không tới, tôi sẽ rất ngạc nhiên. Tôi chưa hề nghe nói ông ấy sẽ không tới, dự kiến chúng tôi sẽ gặp nhau”.
Phát biểu với các nhà báo tại bãi cỏ trong khuôn viên Nhà Trắng, ông Trump nói, Trung Quốc đã rất muốn có một hiệp nghị, thuế quan khiến họ bị thiệt hại rất lớn, nhiều công ty đang rời khỏi Trung Quốc vì thuế.
Truyền thông Nhật đã đưa tin ông Tập Cận Bình thăm Nhật, gặp gỡ Thủ tướng Shinzo Abe nhưng chưa có thông tin gì về khả năng diễn ra cuộc gặp gỡ Tổng thống Donald Trump
|
Ngày 16/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khi trả lời phỏng vấn của chương trình Fox News Sunday cũng nói 2 ông Trump và Tập sẽ gặp nhau tại Hội nghị G20 và sẽ thảo luận về một số vấn đề “trong đó có vấn đề Hongkong”.
Tuy nhiên, cho đến nay phía Trung Quốc vẫn không xác nhận liệu có cuộc gặp gỡ Trump – Tập hay không. Trong khi đó Đài truyền hình Fuji của Nhật thông báo Tập Cận Bình sẽ đến thăm Nhật lần đầu tiên kể từ khi nhận chức Chủ tịch nước, sẽ gặp Thủ tướng Shinzo Abe ngày 27/6 và tham dự Hội nghị cấp cao G20 ngày 28/6./.