Các bộ “chỏi” nhau và hành động của Chính phủ

Không ít lần dư luận chứng kiến hiện tượng “chỏi nhau” giữa các bộ chủ quản liên quan đến phân cấp và thực thi trách nhiệm trong những lĩnh vực đòi hỏi phải có sự phối hợp quản lý. 
Trong khi hai bộ Công Thương và Tài chính đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau, người tiêu dùng đã phải móc túi trả tiền nhiều hơn cho xăng dầu do những lỗ hổng trong việc xác định thuế nhập khẩu xăng dầu làm căn cứ tính giá bán.Ảnh: THÀNH HOA
Trong khi hai bộ Công Thương và Tài chính đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau, người tiêu dùng đã phải móc túi trả tiền nhiều hơn cho xăng dầu do những lỗ hổng trong việc xác định thuế nhập khẩu xăng dầu làm căn cứ tính giá bán.Ảnh: THÀNH HOA

Trong thời gian gần đây, ví dụ điển hình là quan hệ giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương trong lĩnh vực quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, xuất khẩu than hay quản lý thuế nhập khẩu xăng dầu.

Chưa nói hay không cần biết đến chuyện ai đúng, ai sai, thường thì người tiêu dùng trong nước bị thiệt hại trong những màn “quan điểm thiếu nhất quán” này.

Trong vụ việc về quản lý giá sữa trẻ dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, mặc dù đã phân công trách nhiệm, có đầy đủ ban bệ và công cụ pháp lý nhưng hai Bộ Tài chính và Công Thương (cả Bộ Y tế nữa) vẫn để cho giá sữa bột dành cho đối tượng này tăng đều đều. Trong khi, theo báo chí, giá sữa cùng loại ở một số nước trong khu vực hầu như không biến động đáng kể.

Tương tự như vậy là trong khi hai bộ đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau, người tiêu dùng đã phải móc túi trả tiền nhiều hơn cho xăng dầu do những lỗ hổng trong việc xác định thuế nhập khẩu xăng dầu làm căn cứ tính giá bán.

Còn trong lĩnh vực than, sự bất nhất trong quản lý xuất khẩu than giữa Bộ Tài chính và Công Thương làm cho không những các doanh nghiệp và người tiêu dùng năng lượng phải đối mặt với thực tế nhập khẩu than thay vì mua từ trong nước với giá được nhà nước quản lý (thấp hơn giá xuất khẩu), mà còn dẫn đến tình trạng môi trường bị ảnh hưởng lớn bởi than tốt- chất lượng cao thì được xuất đi, trong khi chỉ giữ lại hoặc nhập khẩu than kém hơn, chất lượng thấp hơn.

Tại sao lại có tình trạng đá nhau này, và cần làm gì để tình trạng này không còn xảy ra nữa?

Chính phủ cần thay đổi cung cách quản lý nền kinh tế theo hướng quy trách nhiệm quản lý một ngành, một lĩnh vực nào đó về một mối duy nhất.

Theo dõi nội dung chỉ trích giữa các bộ với nhau, có thể thấy các quan chức liên quan của các bộ đã không... thuộc luật! Lúc thì họ “quên” rằng đã có những văn bản hướng dẫn do chính bộ mình, bộ khác, hoặc Chính phủ ban hành. Lúc thì họ “chưa hiểu đúng” những văn bản liên quan. Như vậy kể cũng lạ. Vì công việc thường ngày của các quan chức này là đọc, nghiên cứu và ra văn bản, để (phối hợp với nhau) quản lý các lĩnh vực chuyên ngành của mình. Việc họ cứ “quên” hay “chưa hiểu đúng” buộc người ta phải đi đến kết luận rằng họ hoặc có trình độ nhận thức pháp luật quá kém (khả năng ít xảy ra hơn) hoặc đã chểnh mảng với vai trò và công việc của mình.

Sự chểnh mảng khó có thể xảy ra hơn nếu có cơ chế quy trách nhiệm rõ ràng khi xảy ra hậu quả thì bộ nào phải chịu trách nhiệm.

Nhưng trong cơ chế phối hợp liên ngành như hiện nay, những quy định kiểu như “bộ X chủ trì, phối hợp với bộ Y” nghe thì tưởng là chặt chẽ nhưng thực ra lại là lỗ hổng dẫn đến tình trạng vô trách nhiệm, ỷ lại vào nhau hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho nhau theo kiểu “cha chung không ai khóc”. Bộ Y có thể chỉ trích bộ X rằng bộ X là đơn vị chủ trì việc quản lý lĩnh vực Z, vậy thì họ sẽ đợi bộ X hành động, và khi có vấn đề trong lĩnh vực này thì bộ X phải là đơn vị chịu trách nhiệm. Ngược lại, bộ X cũng có thể “phản pháo” rằng họ là đơn vị chủ trì nhưng chỉ hành động khi có sự phối hợp của bộ Y (ví dụ, trên các khía cạnh kỹ thuật chuyên ngành, ngoài tầm hiểu biết chuyên môn và nhận thức của bộ X), nhưng bộ Y đã không phối hợp một cách đầy đủ và đúng đắn nên dẫn đến hậu quả, vì thế bộ Y mới là đơn vị chịu trách nhiệm...

Chính phủ cần thay đổi cung cách quản lý nền kinh tế theo hướng quy trách nhiệm quản lý một ngành, một lĩnh vực nào đó về một mối duy nhất. Nếu như từ trước đến nay Chính phủ thấy Bộ Công Thương phù hợp hơn trong vai trò là đơn vị chủ trì quản lý giá xăng dầu thì từ nay về sau Chính phủ giao cho duy nhất Bộ Công Thương chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc này mà không nên, không cần lôi kéo Bộ Tài chính vào với vai trò “chủ trì” và/hoặc “phối hợp”. Bộ Công Thương từ nay tự xây dựng và áp dụng phương pháp tính giá cơ sở. Kể cả trong trường hợp có nhiều mức thuế suất khác nhau (giữa thuế MFN và thuế trong các hiệp định thương mại tự do) thì Bộ Công Thương tự quyết định mức thuế áp dụng mà họ thấy phù hợp nhất.

Nhu cầu phải có cơ chế phối hợp với các bộ khác, ví dụ như Bộ Tài chính, thực ra có thể thay thế hoàn toàn bởi cơ chế yêu cầu và đáp ứng. Ví dụ, vẫn trong lĩnh vực giá xăng dầu, nếu thấy chưa chắc chắn về tính đúng đắn và phù hợp của phương pháp tính giá cơ sở (xét trên khía cạnh nào đó, ví dụ như đảm bảo công tác điều hành giá xăng dầu theo đúng các quy định về Luật Giá) và/hoặc tính hợp lý của việc áp dụng một loại thuế suất nào đó trong nhiều loại thuế suất MFN và các hiệp định thương mại tự do... thì Bộ Công Thương có thể gửi công văn tham vấn, yêu cầu Bộ Tài chính giải đáp, cung cấp các nội dung cần thiết để Bộ Công Thương dựa vào đó ra quyết định cuối cùng.

Ở đây sẽ có khả năng Bộ Tài chính không “nhiệt tình” và đáp ứng một cách đúng đắn và có trách nhiệm các yêu cầu của Bộ Công Thương. Chưa vội bàn đến khía cạnh Bộ Công Thương có thể báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về sự thiếu trách nhiệm của Bộ Tài chính, trong trường hợp này thì Bộ Công Thương vẫn hoàn toàn có thể tự ra quyết định dựa trên tham vấn các chuyên gia của mình, chuyên gia độc lập, và/hoặc lấy ý kiến đóng góp của dư luận như cách nhiều cơ quan chính quyền vẫn làm từ trước đến nay. Nói cách khác, Bộ Công Thương vẫn hoàn toàn có thể độc lập ra quyết định (sau khi tham khảo các nguồn), và phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra hậu quả, mà không thể lấy lý do là không nhận được sự phối hợp đúng đắn của Bộ Tài chính để biện minh cho việc chậm trễ hoặc sai lầm trong quản lý giá xăng dầu của mình.

Trở lại với chuyện xử lý sự thiếu trách nhiệm có thể có của Bộ Tài chính. Lúc này cần có vai trò của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý các bộ trưởng của mình để không có tình trạng “hỏi không đáp”, hoặc đáp mà như không. Nếu Chính phủ và Thủ tướng không làm tốt được việc này, vẫn để tình trạng đến Bộ Công Thương yêu cầu mà Bộ Tài chính không đáp ứng (đến nơi đến chốn) thì thử hỏi trong quan hệ giữa các doanh nghiệp và người dân với các cơ quan công quyền tình trạng sẽ còn tệ hại đến đâu, và tương lai của việc hô hào cải cách hành chính sẽ đi về đâu?

Theo TBKTSG