Về cơ chế quản lý nguồn thu từ CPH DNNN, theo Bộ Tài chính, nguồn thu từ CPH các công ty mẹ của Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty 100% vốn nhà nước độc lập thuộc các Bộ, ngành, địa phương được chuyển về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN được đặt tại Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Nguồn thu từ CPH các DN thuộc Tập đoàn Kinh tế, Tổng công ty nhà nước được nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN tại Công ty mẹ các Tập đoàn, Tổng công ty.
Nguồn thu từ quá trình CPH tại các Quỹ nêu trên được tập trung: Hỗ trợ giải quyết chính sách cho người lao động dôi dư trong quá trình sắp xếp, chuyển đổi; bổ sung vốn điều lệ (VĐL) cho các DNNN; đầu tư bổ sung vốn để duy trì hoặc tăng tỷ lệ phần vốn nhà nước đang tham gia tại các DN khác; đầu tư vào các dự án quan trọng theo Quyết định của Thủ tướng...
Theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính, sau 4 tháng đầu năm 2015 cả nước có thêm 43 DN CPH, đến cuối năm còn 246 DN phải CPH. Số vốn thoái tính đến Quý I/2015 là 8.213 tỷ đồng và số thu về 8.599 tỷ đồng. Số còn phải thoái trong 9 tháng cuối năm 2015 là 19.517 tỷ đồng.
Đánh giá chung về kết quả thực hiện tái cơ cấu, CPH DNNN và thoái vốn, Bộ Tài chính cho rằng về cơ bản, thời gian qua, các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, DNNN thực hiện đúng hướng đề ra.
Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu, CPH DNNN vẫn còn một số hạn chế như tiến độ CPH DNNN có thời điểm còn chậm, như giai đoạn 2011-2012 chỉ CPH được 25 DN; một số khoản đầu tư ngoài ngành có hiệu quả thấp, thua lỗ, không bảo toàn được giá trị đầu tư ban đầu…
Một trong những nguyên nhân của các hạn chế nói trên, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, là do một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và DN chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu DN đối với phát triển kinh tế - xã hội. Đối tượng sắp xếp, CPH hiện nay hầu hết là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý…
Và một trong các giải pháp được cho là khá kiên quyết để thực hiện tiến trình CPH DNNN được đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh trong thời gian tới là sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra, cụ thể là gắn trách nhiệm người đứng đầu DN, bộ, ngành với công tác CPH. Nếu DN không thực hiện, không quyết tâm, chần chừ thì kiên quyết thay thế lãnh đạo DN. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Lao Động