Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Theo đó, các chuyên gia của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) ghi nhận việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực hiện cắt giảm 0,25% lãi suất tín phiếu, từ mức 3% về mức 2,75% vào giữa tháng 7 vừa qua. Động thái này được nhiều nhà đầu tư đánh giá là một động thái nới lỏng tiền tệ.
Tuy nhiên, theo quan điểm của BVSC, động thái này, mặc dù về lý thuyết, có thể phần nào giúp khuyến khích các ngân hàng tăng cường cho vay nhiều hơn, giúp tăng cung vốn (do mua tín phiếu ko được hưởng lãi cao như trước) nhưng tác động về mặt thực tế sẽ không lớn.
“Khác với NHTW các nước phát triển, việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam thiên nhiều về trần tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng M2 chứ không điều tiết gián tiếp thông qua lãi suất. Cơ chế lan truyền từ lãi suất liên ngân hàng ngắn hạn đến lãi suất cho vay trên thị trường cũng rất hạn chế. Chưa kể thanh khoản hệ thống, dù dư thừa (thể hiện qua lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp) nhưng không đại diện cho toàn bộ hệ thống” - báo cáo của BVSC nêu.
Bên cạnh đó, thanh khoản giữa các ngân hàng hiện vẫn đang phân hóa mạnh, dẫn đến lãi suất huy động sẽ tiếp tục neo ở mức cao.
“Với các diễn biến hiện tại, chúng tôi cho mặt bằng lãi suất ở Việt Nam có thể được điều chỉnh giảm ở một số lĩnh vực ưu tiên, tuy nhiên khó thiết lập được mặt bằng lãi suất mới thấp hơn hiện nay” - các chuyên gia của BVSC cho biết.
Động thái cắt giảm lãi suất của FED được coi là một “insurance cut”
Cũng theo BVSC, việc cắt giảm lãi suất 0,25% của Fed trong tuần vừa qua gần như đã nằm trong kỳ vọng của giới đầu tư trước đó nên tác động tích cực tới tâm lý nhà đầu tư gần như không còn nhiều.
Mặt khác, Chủ tịch Fed - ông Jerome Powell nói rằng việc cắt giảm lãi suất lần này không phải là sự bắt đầu của của một chuỗi dài cắt giảm lãi suất (“not the beginning of a long series of rate cuts”).
Mặc dù ông Powell không nói việc cắt giảm lãi suất chỉ diễn ra 1 lần (“I didn’t say it’s just one”) nhưng những thông điệp trên rõ ràng đã phần nào đi ngược lại với kỳ vọng cắt giảm mạnh lãi suất của nhà đầu tư trên thị trường.
Theo quan sát của BVSC, trong quá khứ, Fed thường chỉ cắt giảm lãi suất mạnh liên tiếp khi có các dấu hiệu sau: i) GDP của Mỹ tăng trưởng âm hai quý liên tiếp; ii) Tỷ lệ thất nghiệp liên tục tăng; iii) Bảng lương phi nông nghiệp dưới mức 100 nghìn việc làm/tháng; iv) Điều kiện tài chính (Financial condition) ở trạng thái thắt chặt.
Còn đối với chính sách nới lỏng tiền tệ, thông thường việc chuyển hướng của các NHTW các nước trên thế giới chủ yếu do áp lực từ việc kinh tế suy giảm. Nếu kinh tế rơi vào khủng hoảng sâu và kéo dài, các động thái cắt giảm lãi suất thường sẽ diễn ra nhanh và dồn dập trong một thời gian ngắn.
Xét trong bối cảnh hiện tại, BVSC nhận định nền kinh tế Mỹ hoàn toàn chưa rơi vào trạng thái quá “nguy hiểm”.
Do đó, BVSC cho rằng việc FED quyết định giảm 0,25% sau cuộc họp chính sách tháng 7 có tính chất như một “insurance cut”, tức là hành động mang tính đi trước, nhằm ngăn chặn những dấu hiệu suy giảm của nền kinh tế trong tương lai thay vì chịu áp lực phải cắt giảm lãi suất nhanh và mạnh ngay lập tức trong hiện tại để chống đỡ lại đà suy giảm (khác với chu kỳ cắt giảm năm 2000 và 2008)./.