Một trong những trận chiến lớn nhất trong cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc là chất bán dẫn. Đây là công nghệ hỗ trợ đứng sau mọi thứ từ điện thoại thông minh đến vệ tinh quay quanh trái đất.
Tuy nhiên, những nỗ lực của cả Mỹ và Trung Quốc nhằm thỏa mãn những lo ngại về an ninh quốc gia có thể dẫn tới thất bại.
Trung Quốc không thể “tự lực cánh sinh”?
Trung Quốc phải giảm sự phụ thuộc gần như hoàn toàn vào công nghệ chip của Mỹ trong thời gian tới. Nhưng ngay cả trong những năm vừa qua, bản thân ngành bán dẫn của Trung Quốc cũng không có thành tựu gì lớn ngay cả khi có sự trợ giúp của các đối tác công nghệ nước ngoài.
Những nỗ lực đầu tiên của Trung Quốc bắt đầu từ những năm 1980 khi các công ty điện tử châu Âu được mời thành lập liên doanh chế tạo IC tại Thượng Hải. Lần thử thứ hai vào những năm 1990 cũng không thành công, một phần do bộ máy quan liêu của Trung Quốc quá cứng nhắc đối với ngành bán dẫn đang phát triển nhanh chóng.
Trong khi SMIC được coi là công ty bán dẫn hàng đầu Trung Quốc hiện nay, hãng vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ nước ngoài. Liệu có cơ hội nào cho ngành bán dẫn Trung Quốc khi làm mọi thứ từ đầu và không có sự trợ giúp kỹ thuật của nước ngoài?
Một số người đã so sánh nhu cầu thúc đẩy việc tự sản xuất chất bán dẫn hiện nay với chương trình “hai quả bom, một vệ tinh” của ông Mao Trạch Đông bắt đầu vào giữa những năm 1950. Hồi đó đã làm được, sao bây giờ lại không?
Hồi đó, Trung Quốc rất cần đến sự trợ giúp kỹ thuật của nước ngoài. Khi chế tạo bom A, Liên Xô đã cử hàng nghìn nhà khoa học và kỹ sư hạt nhân của mình tới Trung Quốc. Sự giúp đỡ của họ quan trọng đến nỗi khi Liên Xô rút quân vào năm 1960, ông Mao Trạch Đông đã cho các vũ công hát múa và chuốc rượu các chuyên gia để sao chép bí mật sổ tay khoa học của họ trước khi họ rời đi – theo các nhà viết tiểu sử của ông Mao là Jung Chang và Jon Halliday.
Đối với Trung Quốc, việc tách rời hoàn toàn khỏi công nghệ bán dẫn của Mỹ sẽ đòi hỏi một nỗ lực rất lớn trong nhiều năm, nếu không muốn nói là hàng thập kỷ. Hàng nghìn công ty Trung Quốc, hầu hết không có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, đang nhảy vào cuộc đua nghiên cứu chip trong những tháng gần đây với mong muốn được chính phủ tài trợ, hoặc hy vọng làm giàu từ niêm yết cổ phiếu lần đầu tại thị trường chứng khoán nội địa STAR market.
Cuối cùng bong bóng này sẽ vỡ và những người chơi nghiêm túc có thể bắt đầu công việc thực sự. Nhưng họ phải phát minh ra những cách mới để thiết kế và sản xuất mạch bán dẫn có hiệu suất tương đương hoặc tốt hơn các mạch tốt nhất đến từ các công ty nước ngoài như TSMC, Intel và Samsung.
Thách thức lớn nhất của Trung Quốc không phải là tiền mà là tìm kiếm những người có năng lực. Việc lôi kéo vài trăm kỹ sư bán dẫn từ Đài Loan có thể đủ để phát triển một loại chip mới ở Trung Quốc, nhưng điều đó vẫn chưa đủ so với những gì cần thiết để xây dựng lại hoàn toàn một hệ sinh thái bán dẫn.
Tìm kiếm “một số ít thiên tài” - một cách tiếp cận mà Trung Quốc đã sử dụng trong các chương trình quốc gia trước đây - có lẽ cũng sẽ không hiệu quả. Có thể cần một tư duy hoàn toàn mới để đưa ra giải pháp thay thế cho quy trình sản xuất chip dựa trên silicon hiện tại. Các vật liệu như graphene và gallium nitride thường được coi là vật liệu thay thế tiềm năng cho silicon.
Mỹ có thể gặp trở ngại nếu mang sản xuất bán dẫn về nước
Về phần mình, Mỹ cần phải đưa hoạt động sản xuất chất bán dẫn về nước, nhưng ngay cả với sự ủng hộ hiếm hoi của lưỡng đảng, chính phủ liên bang rối loạn có thể là một trở ngại lớn. Ngoài ra còn có một câu hỏi công ty nào có thể dẫn đầu cho sự hồi sinh sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ.
Lần cuối cùng Mỹ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng như vậy là vào những năm 1980 khi Nhật Bản tiến gần đến việc đánh bại hoàn toàn ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ, như họ đã làm trước đó trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng. Để cứu vãn tình thế, chính phủ Mỹ đã tài trợ cho SEMATECH – một tập hợp các nhà sản xuất chip và nhà cung cấp, nhưng việc hợp tác gặp trở ngại do sự miễn cưỡng chia sẻ thông tin giữa các đối thủ.
Phải nhờ đến uy tín và sự lãnh đạo huyền thoại của Robert Noyce – đồng sáng lập Intel và là chủ tịch đầu tiên của SEMATECH – mới thuyết phục được các bên cùng làm việc vì lợi ích của đất nước. Ngày nay, không ai có thể làm được như Noyce hồi đó.
Intel, hãng sản xuất chip lớn nhất của Mỹ hiện đã tụt lại sau TSMC (Đài Loan) với tư cách công ty dẫn đầu công nghệ chip toàn cầu, một lời cảnh tỉnh lớn cho nước Mỹ khiến cho lưỡng đảng kêu gọi tài trợ nhiều hơn cho ngành sản xuất chip.
TSMC (Đài Loan) là công ty sản xuất chip hàng đầu hiện nay (ảnh Sina)
|
Vào tháng 5, TSMC đã đồng ý xây dựng một nhà máy sản xuất tấm wafer mới ở bang Arizona của Mỹ. Nhà máy này sẽ nhận được các khoản trợ cấp của liên bang và tiểu bang. Mặc dù đó là một bước quan trọng đầu tiên, nhưng nhà máy sẽ không sớm sản xuất các tấm wafer với số lượng lớn vì hoạt động của công ty thuộc sở hữu nước ngoài không làm giảm bớt những lo ngại về an ninh quốc gia.
Có một giải pháp thay thế rẻ hơn cho Mỹ - nhưng nó cũng đầy rủi ro. Đó là, thực hiện các bước để “bảo đảm an ninh” nguồn cung các tấm wafer của TSMC ở Đài Loan, nơi đã phục vụ nhu cầu của các công ty lớn của Mỹ như Qualcomm, Nvidia và AMD, cũng như những “người khổng lồ” về sản phẩm tiêu dùng như Apple.
Đã có những động thái theo hướng này, với việc một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng viết thư cho Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer đề nghị ông bắt đầu đàm phán một thỏa thuận thương mại với Đài Loan, với lý do cần giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đại lục và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Liệu một động thái như vậy có chấm dứt chính sách mập mờ của Washington ở eo biển Đài Loan hay không vẫn chưa rõ ràng. Nhưng những nỗ lực đưa Đài Loan tiến gần hơn vào quỹ đạo của Mỹ rất phức tạp trước các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trên hòn đảo này. Những tính toán sai lầm của cả hai bên thậm chí có thể dẫn đến chiến tranh.
Nếu Trung Quốc vượt qua được khó khăn và thành công trong nỗ lực tự cung tự cấp chip, nước này sẽ thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu. Nếu thất bại, đó là kết quả có nhiều khả năng xảy ra hơn, chỉ có một lựa chọn thay thế: quan hệ hợp tác với Mỹ.
Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng