BT Bùi Quang Vinh: “Không cải cách, chúng ta tụt hậu xa hơn”

“Không thực hiện cải cách, Việt Nam sẽ không thể khai thác được cơ hội, cũng không thể vượt qua thách thức, và nguy cơ tụt hậu xa hơn, rơi vào bẫy thu nhập trung bình sẽ khó có thể tránh khỏi”.
Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh lo lắng về nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình nếu Việt Nam không cải cách mạnh mẽ.
Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh lo lắng về nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình nếu Việt Nam không cải cách mạnh mẽ.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định như trên tại Lễ công bố Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ” do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim chủ trì, với sự tham dự của nhiều thành viên chính phủ, các quan chức cao cấp nhất của Ngân hàng Thế giới, các đại sứ và hàng trăm khách mời trong nước và quốc tế sáng 23-2 tại Hà Nội.

Ông khẳng định: “Chúng tôi tin rằng những thế hệ người Việt Nam hiện nay và tương lai chắc chắn có đủ ý chí, bản lĩnh và năng lực để thực hiện thành công công cuộc đổi mới”.

Ôn lại quá khứ, ông Vinh cho biết, từ năm 1986 đến nay, thu nhập bình quân đầu người đã tăng gần 4 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ trên 50% xuống còn dưới 5%... “Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn là một nước nghèo, chúng ta chưa bằng lòng, thỏa mãn với những gì đạt được nhất là khi chúng ta nhìn lại mình trong tương quan với các nước bên cạnh có cùng điều kiện như chúng ta”, ông nói.

Theo bộ trưởng, đầu thế kỷ thứ 19 (1820) Việt Nam đã có vị thế rất đáng nể trong khu vực về dân số cũng như quy mô về kinh tế, lớn hơn cả Phippines và Myanmar cộng lại, gấp hơn 1,5 lần so với Thái Lan. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khi đó xấp xỉ mức trung bình của thế giới.

Tuy nhiên, đến nay (2014) thu nhập bình quân đầu người của nước ta chỉ bằng hơn 1/5 mức trung bình của thế giới (2.052/12.000 đô la Mỹ), chỉ bằng hơn 1/3 thu nhập bình quân đầu người của Thái Lan (5.977 đô la Mỹ) và hơn 1/5 thu nhập bình quân đầu người của Malaysia (11.307 đô la Mỹ).

Ông nói: “Mọi sự so sánh đều là khập khiễng vì trong lịch sử Việt Nam đã phải trải qua rất nhiều cuộc kháng chiến chống xâm lược và thống nhất đất nước, nhưng chúng ta cũng đã có 40 năm sống trong hòa bình, 30 năm đổi mới. Đây là quãng thời gian dài tương đương với thời gian để các quốc gia lân cận như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… đưa đất nước mình từ những đất nước nông nghiệp nghèo nàn trở thành các quốc gia có kinh tế phát triển”.

Bộ trưởng khẳng định, hiện nay yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước đối với Việt Nam càng cấp bách hơn bao giờ hết.

Thứ nhất, Việt Nam đang ở trong giai đoạn ngắn ngủi còn lại của cơ hội dân số vàng (1970-2025), như vậy chúng ta chỉ còn khoảng tối đa là 10 năm thời kỳ mà cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động cao nhất sau đó giảm dần.

Thứ hai, những động lực từ công cuộc đổi mới trước đây đem lại đang dần ít phát huy tác dụng. Bên cạnh đó những dư địa cho tăng trưởng dựa trên tăng vốn đầu tư, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên khoáng sản cũng không còn nhiều lợi thế.

Thứ ba, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới, chúng ta chấp nhận hội nhập tức là chấp nhận cạnh tranh. Do vậy nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam là một đòi hỏi có ý nghĩa sống còn.

“Vì ba lý do trên Việt Nam phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa nếu không muốn tụt lại phía sau, nếu không muốn nền kinh tế trì trệ kéo dài và rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp”, ông nói.

Ông nói: “Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt của cải cách và phát triển. Thời cơ và thuận lợi rất lớn, nhưng thách thức và khó khăn cũng không hề nhỏ. Để đạt được khát vọng hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, lựa chọn duy nhất của chúng ta là thực hiện cải cách dựa trên các vấn đề nêu trên. Không thực hiện được những cải cách đó, chúng ta không thể khai thác được cơ hội, cũng không thể vượt qua thách thức, và nguy cơ tụt hậu xa hơn, rơi vào bẫy thu nhập trung bình sẽ khó có thể tránh khỏi”.

Chúng tôi tin rằng những thế hệ người Việt Nam hiện nay và tương lai chắc chắn có đủ ý chí, bản lĩnh và năng lực để thực hiện thành công công cuộc đổi mới, ông nói.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim, người ký với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035 hồi giữa năm 2014, cho biết tài liệu này là rất quan trọng với Việt Nam và Ngân hàng Thế giới.

Nhắc lại từng là quốc gia nghèo nhất trên thế giới hồi đầu thập kỷ 80, mà Việt Nam vươn lên thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp hiện nay trong vòng vài thập kỷ, ông Kim nói: “Việt Nam không muốn ngủ quên trên thành công trong quá khứ, mà muốn vươn lên qua việc xây dựng báo cáo này”.

Ông Kim khẳng định, báo cáo vạch ra con đường để Việt Nam giải quyết những thách thức đang gặp phải, như phải chú trọng tới cơ chế thị trường, chú trọng tới phát triển nguồn nhân lực, sử dụng cam kết quốc tế cho cải cách cơ cấu.

Ông nhắc lại Hàn Quốc những năm 50, khi ông sinh ra, từng được coi là một trường hợp “vô vọng” không thể phát triển, thạm chí không được vay ODA ưu đãi. Nhưng trong vòng vài thập kỷ, Hàn Quốc đã phát triển thần kỳ để có ngày nay.

Tương tự, cách đây 25 năm khi tỷ lệ đói nghèo trên 50% thì nhiều người cũng nghĩ Việt Nam cũng vô vọng giống Hàn Quốc, ông nói.

Ông nói: “(Lãnh đạo) phải thấy được những con đường, những thách thức phía trước để đưa ra các quyết định. Đây là thời điểm để xác định tương lai. Chúng tôi sẽ dõi theo Việt Nam, và hi vọng Việt Nam sẽ có những bước tiến dũng cảm để đạt được tương lai đó”.

Theo TBKTSG