Bộ Y tế khẳng định cả hai giải pháp đều không có tác động đến tăng chi cho Nhà nước, mà chỉ tăng chi cho Quỹ bảo hiểm y tế với mức tăng chi bình quân khoảng 500 tỷ đồng/năm.
Với dân số khoảng khoảng 90 triệu người, nếu áp dụng chính sách thứ nhất thì một năm sẽ có khoảng 46 triệu người phải tham gia hiến máu (trừ 30,3 triệu công dân dưới 18 tuổi và khoảng 14,2 triệu người mắc các bệnh không thể hiến máu).
Việc quy định hiến máu là nghĩa vụ của công dân có mặt tích cực là giúp cho có nguồn máu đầy đủ và ổn định. Nếu thực hiện chính sách này thì hằng năm sẽ tiêu tốn khoảng 4.180 tỷ đồng.
Trong đó: Quỹ bảo hiểm y tế sẽ phải tăng chi khoảng 400 tỷ đồng/năm, chủ sử dụng lao động sẽ phải bỏ ra khoảng 3.200 tỷ để chi trả tiền lương cho khoảng thời gian mà người lao động sử dụng để đi hiến máu, và bản thân người lao động sẽ phải bỏ ra trên 580 tỷ đồng cho đi lại phục vụ cho việc hiến máu.
Còn nếu theo phương án thứ 2, coi việc hiến máu là tự nguyện, trong điều kiện lý tưởng là có 18,2 triệu người hiến máu tình nguyện trong một năm thì hàng năm sẽ tiêu tốn khoảng 2.000 tỷ.
Trong đó: Quỹ bảo hiểm y tế sẽ phải tăng chi thêm khoảng 524 tỷ đồng/năm, chủ sử dụng lao động sẽ phải bỏ ra khoảng 1.250 tỷ đồng để chi trả tiền lương cho khoảng thời gian mà người lao động sử dụng để đi hiến máu, bản thân người lao động sẽ phải bỏ ra trên 217 tỷ đồng cho đi lại để hiến máu.
Hiện nay toàn bộ các quốc gia có ban hành Luật về máu thì không có quốc gia nào quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân, kể cả Trung Quốc.
Bên cạnh đó, nếu sử dụng giải pháp 1 sẽ xuất hiện một lượng máu dư thừa khá lớn không cần thiết là khoảng gần 28 triệu đơn vị. Việc sử dụng giải pháp 1 cũng làm tăng chi phí của xã hội lên gấp đôi so với việc sử dụng giải pháp 2.
Mặt khác, nội dung của các chính sách, đề xuất này có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân, vì vậy theo quy định của Hiến pháp năm 2013, thì thẩm quyền ban hành chính sách bắt buộc hiến máu là thuộc Quốc hội.