Bộ VH-TT-DL đưa dữ liệu hơn 8.000 lễ hội truyền thống lên không gian mạng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đây là phương án chuyển đổi phương thức quản lý dữ liệu lưu trữ truyền thống sang quản lý, lưu trữ điện tử, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội truyền thống.
Ảnh minh họa: Báo Chính phủ.
Ảnh minh họa: Báo Chính phủ.

Nội dung được đề cập trong Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), phê duyệt Đề án Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Với mục tiêu nhằm số hóa 100% dữ liệu các loại hình lễ hội truyền thống, đề án sẽ tập trung thu thập các thông tin cơ bản nhằm rà soát, đánh giá thực trạng lễ hội ở Việt Nam. Bên cạnh việc phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội, đề án còn tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội truyền thống.

Một trong những nội dung Đề án sẽ triển khai là điều tra, thống kê các loại hình lễ hội; số hóa, chuẩn hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội; xây dựng, vận hành phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và bổ sung trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ việc nhập liệu, xử lý, tổng hợp và khai thác cơ sở dữ liệu; đào tạo, tập huấn khai thác sử dụng phần mềm; duy trì, vận hành hằng năm.

Theo kế hoạch, đề án được triển khai thực hiện trong thời gian 5 năm, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2021-2022 với các nội dung điều tra, thống kê các loại hình lễ hội tại Việt Nam, đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và Cổng Thông tin về lễ hội Việt Nam, số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội truyền thống.

Giai đoạn 2 diễn ra từ 2023-2025, tiến hành số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài, hoàn thiện phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và Cổng Thông tin về lễ hội Việt Nam, đào tạo tập huấn khai thác sử dụng phần mềm kết hợp duy trì, vận hành.

Những dữ liệu được số hóa sẽ được bảo đảm chất lượng, sử dụng hiệu quả trong công tác quản lý và cập nhật bổ sung định kỳ các loại hình lễ hội truyền thống. Đồng thời, các đơn vị phụ trách sẽ xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quản lý, bảo đảm sử dụng hiệu quả, đầu tư hoàn thiện trang thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và Cổng Thông tin về lễ hội truyền thống Việt Nam.

Việc xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu về lễ hội Việt Nam cho phép lưu trữ, quản lý, khai thác và báo cáo từ các nguồn dữ liệu số hóa và điều tra thống kê. Theo đó, công tác tra cứu thuận tiện, đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước về lễ hội, có khả năng tích hợp, chia sẻ và kết nối với các cơ sở dữ liệu chung của Bộ VHTT&DL. Đồng thời, cơ sở dữ liệu quản lý trên phần mềm sẽ được đẩy lên Cổng Thông tin lễ hội Việt Nam, kết nối internet phục vụ nhu cầu tra cứu và sử dụng của bạn đọc để quảng bá về giá trị văn hóa của lễ hội Việt Nam.