Tại cuộc họp báo thường kỳ được Bộ Tư pháp tổ chức chiều 7-7, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết: “Việc xây dựng Bộ luật hình sự được thực hiện theo trình tự của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Bộ Tư pháp đang phối hợp cùng một số cơ quan liên quan tiến hành sửa đổi, bổ sung một số nội dung sai sót của Bộ luật hình sự”.
“Theo quy trình tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp có phần trách nhiệm với tư cách là cơ quan soạn thảo. Việc xử lý trách nhiệm thế nào, quy trách nhiệm cho ai thì chúng tôi chờ chỉ đạo của các cơ quan cấp trên” - ông Dũng nói.
Đối với điều 292 Bộ luật hình sự (tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông) liên quan đến vấn đề khởi nghiệp đang gây lo lắng trong giới trẻ, bà Nguyễn Thị Kim Thoa - vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự hành chính Bộ Tư pháp - cho biết các quy định tại điều 292 là đúng và không cần phải sửa đổi.
Theo bà Thoa, tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông quy định 5 loại dịch vụ phải xin giấy phép. Quy định này để bảo đảm doanh nghiệp nào cũng phải hoạt động đúng quy định của pháp luật bởi mạng viễn thông rất ảnh hưởng tới người dân và doanh nghiệp.
“Người cung cấp các dịch vụ trên mạng máy tính, mạng viễn thông không có giấy phép phải đảm bảo “thu lợi bất chính” hoặc có doanh thu tới 2 tỉ đồng mới bị xử lý.
Những người khởi nghiệp không rơi vào quy định này, mà đây là những doanh nghiệp đã làm việc “hoành tráng” rồi. Phải xử lý những doanh nghiệp làm ăn không chân chính và bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính. Như vậy điều 292 không có gì phải sửa đổi, bổ sung cả” - bà Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết.
Theo ông Trần Văn Dũng - phó vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự hành chính, điều 292 quy định các điều kiện kinh doanh để bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính. Các nhà sáng tạo phần mềm khởi nghiệp không sợ vi phạm các quy định này.
Trả lời về vấn đề kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật sai sót, ông Đồng Ngọc Ba - cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - cho biết tổ chức, cá nhân có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các văn bản quy phạm pháp luật có vấn đề.
Sắp tới, Cục Kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật sẽ nghiên cứu để có những giải pháp mạnh hơn về kết quả kiểm tra văn bản, đặc biệt là tình hình xử lý văn bản quy phạm pháp luật.
Theo Tuổi trẻ
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu