Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: “Khai thác bôxit để sản xuất Alumin, nhôm là đúng đắn”

Tại báo cáo thực hiện nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước về khai thác bôxit để sản xuất Alumin, nhôm là đúng đắn.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: “Khai thác bôxit để sản xuất Alumin, nhôm là đúng đắn”

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng vừa có báo cáo Quốc hội về  “Hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an ninh - quốc phòng của 2 Dự án bôxit Tân Rai và Nhân Cơ do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) làm chủ đầu tư”.

Bộ trưởng Hoàng cho biết sau khi đi thị sát, kiểm tra tình hình sản xuất, tiến độ triển khai thực hiện các Dự án, Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của chủ đầu tư, địa phương, các đơn vị liên quan trong việc khắc phục và vượt qua khó khăn để triển khai dự án và đạt được những kết quả đáng vui mừng.

Theo Bộ trưởng Hoàng, dự án Tân Rai đã đảm bảo hiệu quả tổng hợp, gồm cả hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và yêu cầu về môi trường. Những lo ngại về hoàn nguyên, xử lý bùn đỏ đều được giải tỏa bởi kiểm tra các thông số về môi trường đều dưới ngưỡng tiêu chuẩn cho phép.

“Vinacomin đang tiến hành hoàn nguyên và trồng cây công nghiệp ngay sau khi khai thác; các hồ bùn đỏ được xây dựng quy mô, công nghệ hiện đại và bảo đảm an toàn. Những kết quả này đã khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước về khai thác bôxit để sản xuất Alumin, nhôm là đúng đắn”, Bộ trưởng Hoàng đánh giá.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Tân Rai không có hàng tồn kho

Dự án Nhà máy alumin Tân Rai, năm 2013 đã sản xuất 208.000 tấn alumin; năm 2014 đã sản xuất 485.000 tấn alumin (đạt 75% công suất thiết kế); năm 2015: kế hoạch sản xuất 540.000 tấn alumin.

Với khâu tiêu thụ, năm 2014 đã xuất khẩu 490 ngàn tấn, đem lại nguồn thu ngoại tệ xấp xỉ 160 triệu USD. Tiêu thụ trong nước bao gồm các sản phẩm alumin, hydrat với doanh thu đạt 90,5 tỷ đồng.

“Phần lớn sản phẩm alumin được xuất khẩu, hiện Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đã ký hợp đồng bán alumin với 11 khách hàng từ các nước Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông… Sản phẩm alumin do Nhà máy sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, không có hàng tồn kho”, Bộ trưởng báo cao.

Đối với thị trường trong nước, Vinacomin đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm alumin và hydroxit nhôm (sản phẩm trung gian của nhà máy alumin) với gần 20 khách hàng trong nước, để sử dụng cho các ngành công nghiệp vật liệu xây dựng và hoá chất, với địa bàn trải rộng từ Bắc đến Nam.

Về doanh thu, năm 2014 ước đạt 3.500 tỷ đồng; nộp ngân sách địa phương trên 200 tỷ đồng. Khi Dự án đi vào vận hành ổn định (năm 2016), doanh thu dự kiến đạt trên 4.500 tỷ đồng/năm; nộp ngân sách khoảng 400 tỷ đồng/năm.

“Dự án đã thu hút và tuyển dụng trực tiếp trên 1.200 công nhân công nghiệp (lao động địa phương), tạo việc làm ổn định cho khoảng 12.000 lao động liên quan. Hơn 1.450 lao động của Công ty nhôm Lâm Đồng có việc làm ổn định và thu nhập bình quân năm 2014 là 6,6 triệu đồng/người/tháng”, Bộ trưởng Hoàng báo cáo.

Bộ trưởng Hoàng đánh giá Dự án bước đầu đạt được những kết quả tích cực, Vinacomin đã và đang thực hiện đúng các cam kết với địa phương về đào tạo nghề và tuyển dụng lao động trực tiếp, tạo việc làm ổn định, nâng cao đời sống người dân khu vực Dự án; đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Lâm Đồng.

Giá trị sản lượng công nghiệp của Tỉnh tăng khoảng 3.500 tỷ đồng năm 2014 và lên đến 4.500 tỷ đồng năm 2015 và khi nhà máy hoạt động hết công suất (năm 2016) tăng cao hơn khi Nhà máy alumin đạt công suất vào năm 2016.

“Vấn đề môi trường, Vinacomin đã triển khai nghiêm túc các giải pháp bảo vệ môi trường, kịp thời xử lý những vấn đề về môi trường liên quan đến dự án, không để ảnh hưởng đến môi trường sống và môi trường tự nhiên. Kết quả kiểm tra cho thấy các thông số môi trường trong quá trình vận hành đều được đảm bảo dưới ngưỡng cho phép”, Bộ trưởng Hoàng cho biết.

Riêng đối với tình hình an ninh, quốc phòng được đảm bảo và kiểm soát tốt. Hiện nay lao động vận hành các Nhà máy của Dự án đều là người Việt Nam. Tại thời điểm cuối tháng 4 năm 2015 chỉ còn 28 lao động Trung Quốc của Nhà thầu EPC Chalieco làm việc tại Dự án để thực hiện các công tác bảo hành, nghiệm thu, thanh toán và sẽ kết thúc công việc vào cuối tháng 10 năm 2015. Tất cả các lao động nước ngoài làm việc tại Dự án đều được cấp phép theo đúng quy định.

Quý IV/2015, nhà máy Nhân Cơ sẽ có sản phẩm

Với dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ, báo cáo đại biểu Quốc hội, bộ trưởng Hoàng cho biết dự án đã hoàn thành khoảng trên 90% khối lượng công việc và đang gấp rút hoàn thành công tác đầu tư xây dựng.

Tổng giá trị thực hiện đầu tư xây dựng lũy kế từ khi khởi công đến hết tháng 01 năm 2015 ước khoảng 13.426,5 tỷ đồng, tương ứng với 79,8% tổng mức đầu tư của Dự án (16.821,8 tỷ đồng). Trong đó Gói thầu EPC Nhà máy alumin Nhân Cơ xây dựng đạt 89,3% khối lượng, giá trị đạt 90,6% hợp đồng EPC.

“Chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các Nhà thầu bám sát hiện trường, chỉ đạo rút ngắn tiến độ, đảm bảo tính đồng bộ, chất lượng và an toàn, phấn đấu khắc phục khó khăn; đến Quý III/2015 chạy thử liên động và chạy thử có tải toàn bộ Nhà máy alumin, Quý IV/2015 có sản phẩm alumin và đưa Nhà máy vào sản xuất thương mại”, Bộ trưởng Hoàng nói.

Về việc đẩy nhanh tiến độ sản xuất tinh quặng sắt từ phế thải bùn đỏ để vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa góp phần giải quyết vấn đề môi trường của 2 Dự án, Viện Hóa học Việt Nam được giao nhiệm vụ nghiên cứu các giải pháp công nghệ để xử lý bùn đỏ, thu hồi tinh quặng sắt và các sản phẩm hữu ích khác.

Hiện Viện Hóa học Việt Nam đã phối hợp với Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng tiến hành các bước nghiên cứu từ mẫu bùn đỏ của Nhà máy alumin Tân Rai để sản xuất thép từ quy mô nhỏ, quy mô pilot, bán công nghiệp và công nghiệp.

“Đến nay đã hoàn thành kết quả nghiên cứu sản xuất thử nghiệm với quy mô công nghiệp công nghệ sản xuất thép từ bùn đỏ; kết quả nghiên cứu đã lựa chọn được công nghệ thích hợp để xử lý chất thải bùn đỏ của quá trình sản xuất alumin từ bôxit Tây Nguyên”, Bộ trưởng Hoàng báo cáo.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Viện Hóa học Việt Nam đang tiếp tục phối hợp với Vinacomin lập dự án đầu tư để đánh giá tính khả thi của Dự án và đề xuất các cơ chế, chính sách để triển khai trong thực tế trên tinh thần chung là Nhà nước không bù lỗ.

Theo Bizlive