16g15 ngày 6-4, cuộc họp của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh với Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (TCT) kết thúc. Đây có thể là cuộc họp cuối của ông Vinh trên cương vị Bộ trưởng với tổ công tác này.
Luật sư Trương Thanh Đức, Thành viên TCT trầm ngâm sau buổi họp, nói: đến những giờ phút cuối cùng trong cuộc họp vì doanh nghiệp, Bộ trưởng Vinh vẫn rất trăn trở về những điều đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. 16 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đang nợ nghị định hướng dẫn khó có khả năng đúng hạn. Trong đó 1 Bộ, lẽ ra đến giờ này phải trình Chính phủ 10 nghị định để ban hành điều kiện kinh doanh, nhưng chỉ mới có khả năng trình một, còn 9 nghị định khác chưa biết bao giờ mới có.
Nhiều thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh vẫn đang còn ngổn ngang và có nhiều thứ đã trở thành sự đã rồi, không thể giải quyết một sớm một chiều. “Đơn giản, muốn biến củ sắn to thành bột mịn, thì cũng phải qua các công đoạn chặt nhỏ,xay thành bột, sau đó mới lọc sơ rồi lọc kỹ. Nếu dùng giây lọc mịn ngay từ đầu thì sẽ tắc”, LS Đức thuật lại lời của Bộ trưởng Vinh.
Nói về sự chồng chéo của các văn bản, nghị định, theo lời LS Đức, Bộ trưởng Vinh nói rằng: Tư tưởng đổi mới thì đều thống nhất, nhưng khi đi vào những vấn đề cụ thể thì lại rất khó. Mà khó nhất không phải là xử lý ở Chính phủ và Quốc hội, mà là giải quyết vấn đề liên kết ngang giữa các Bộ, tức tìm kiếm sự thống nhất giữa các bộ.
Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đã đổi mới và gỡ bỏ được nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế, nhưng một số khó khăn, vướng mắc mới phát sinh thì vẫn còn nguyên sau 9 tháng thi hành. Nếu tất cả vì lợi ích chung thì xử lý không khó. Nhưng nếu lý sự kiểu quyền anh, quyền tôi, luật ngành anh, luật ngành tôi thì sẽ rất khó giải quyết.
Một trong những thành viên ít ỏi thuộc địa phương ở trong TCT, người hay có những phát biểu sâu sắc, rất tâm huyết và thường làm "nóng" hội trường mỗi khi đăng đàn phát biểu, Ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương, nói: ông hiểu được trăn trở của Bộ trưởng Vinh, nhất là trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh. Buổi họp cuối cùng với Bộ trưởng hôm nay, ông chỉ lắng nghe và đã không phát biểu, bởi hai lý do. Một là các ý kiến của cá nhân đã được gửi về cho Ban Thư ký của Tổ công tác soạn thảo thành báo cáo chung của Tổ, được các thành viên dự họp đánh giá là công phu, có chất lượng cao. Hai là, những gì cần phát biểu ông cũng đã nói trong rất nhiều cuộc họp, thậm chí đã nói từ rất lâu, như là việc cần phải tăng cường nhân sự, biên chế, nâng cao chất lượng cán bộ của các phòng ĐKKD. Bởi vì, không thể chỉ vì lý do thiếu nhân sự, thậm chí thiếu cơ sở làm việc .v.v. mà một số phòng ĐKKD ở các thành phố lớn phải phát "tích kê" với một số lượng nhất định trong một ngày để doanh nghiệp phải chờ đợi mới được thực hiện được quyền đăng ký của mình. Ở các địa phương nhỏ thì cũng phải thường xuyên làm thêm giờ, làm vào ngày nghỉ bởi thời gian xử lý hồ sơ ngày càng ngắn, có nhiều nghiệp vụ hầu như phải xử lý ngay, "lơ ngơ" là có thể bị kiện bất cứ lúc nào.
Cả một buổi chiều ngồi nghe các thứ trưởng trong Bộ, chuyên gia trong TCT phát biểu về những trăn trở, bức xúc, theo lời LS Đức, cuối cùng Bộ trưởng Vinh đánh giá rất cao sự nỗ lực và quyết liệt của TCT, bởi TCT đã chỉ ra được nhiều bất cập trong vấn đề thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… Tuy vậy, Bộ trưởng vẫn cho rằng: những gì TCT làm vẫn… chưa đạt yêu cầu. Bởi công việc này quá phức tạp, quá khó và quá nhiều, không còn đủ thời gian.
Theo LS Đức, trong cuộc họp trước Bộ trưởng Vinh rất hy vọng sẽ trực tiếp ký Báo cáo của TCT trình Thủ tướng vào trung tuần tháng Tư. Tuy nhiên, vấn đề thì còn nguyên, nhưng mọi chuyện lại biến chuyển quá nhanh ngoài dự báo, thời gian không còn để Bộ trưởng ký một Báo cáo mà ông rất tâm huyết.
Thế là, Bộ trưởng Vinh bàn giao TCT cho người kế nhiệm với nhiều hy vọng, và dĩ nhiên, cũng quá nhiều trăn trở còn bỏ ngỏ!
Theo PLO