Trước đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu bỏ chấp thuận luồng tuyến với xe khách ra vào bến.
“Nếu không chấp thuận luồng tuyến thì cơ quan quản lý nào sẽ chịu trách nhiệm, ai cấp phù hiệu, ai chấp thuận cho đơn vị tham gia vận tải khi có vấn đề xảy ra. Chúng ta đã có bài học lộn xộn tại bến Mỹ Đình”, ông Liên nói.
Chứng minh cho lập luận này, ông Liên cho biết, năm 2007, HTX Tiến bộ Thái Bình (xã viên HTX Thăng Long) đăng ký tuyến Thái Bình - Mỹ Đình, nhưng 2 tháng sau không thấy xe đâu. Sau khi yêu cầu bến và Sở GTVT kiểm tra thì mới phát hiện ra xe đã chuyển sang chạy tuyến Thái Bình - Giáp Bát và xin được phù hiệu của Sở GTVT Thái Bình. “Chúng tôi đã yêu cầu giam xe này lại, khi hỏi thì nhà xe cho biết mất 130 triệu đồng để mua nốt của đơn vị khác từ bến Mỹ Đình về Giáp Bát. Đây là thời điểm các bến xe tự chấp thuận luồng tuyến không phải qua Sở GTVT”, ông Liên nói.
Cũng theo đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội, tiêu cực trong ngành vận tải trước đây là có, nhưng gần đây đã dần được khắc phục. Ông Liên đề xuất không nên bỏ chấp thuận về luồng tuyến của Sở GTVT, mà nên tập trung vào việc giảm thủ tục phiền hà, giảm thời gian đi lại của các doanh nghiệp. Sở GTVT có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ký hợp đồng đầu tuyến với Sở GTVT đầu kia để ký hợp đồng luồng tuyến.
“Bộ GTVT là một trong những bộ sản xuất văn bản nhiều nhất trong 5 năm qua. Chúng tôi ủng hộ, vì bổ sung sửa đổi để đáp ứng nhu cầu phát triển nhưng phải sát thực tế xem văn bản ấy có đi vào cuộc sống không?”, ông Liên nói.
Trước đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu bỏ chấp thuận luồng tuyến và tiến tới đấu thấu luồng tuyến để giảm thủ tục phiền hà cho các doanh nghiệp. Theo Thanh Niên