Xin mời độc giả theo dõi trực tiếp buổi chất vấn tại đây:
Mời ấn F5 để tiếp tục cập nhật:
Huy động cả trăm người thanh tra Formosa
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) nêu vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến sớm hơn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân. Kịch bản đối phó với biến đổi khí hậu tính đến việc này chưa?
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) |
Nói về vấn đề này, người đứng đầu ngành Tài nguyên - Môi trường cho biết hiện nay Bộ TN-MT được giao theo dõi tình hình sụt lún, nước biển dâng. Sụt lún do quá trình kiến tạo địa chất, do quá trình nhân sinh, do con người sử dụng nước ngầm quá mức. Kịch bản 2016 đã được cập nhật vấn đề sụt lún, nhưng phải theo dõi dài xem do nhân sinh, sức nén của quá trình đô thị, hay do quá trình kiến tạo để có kết quả.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết vấn đề đánh giá tác động môi trường có vướng mắc và đã đề nghị sửa trong các bộ luật, văn bản liên quan.
Đại biểu Đàm Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng đánh giá tác động môi trường kiểu gì mà sau một thời gian hoạt động không lâu các nhà máy lại gây ô nhiễm môi trường như vậy. Có sai phạm gì hay không? Việc thanh tra, kiểm tra được thực hiện như thế nào. Có hay không buông lỏng quản lý?
Ông Trần Hồng Hà cho biết công tác thanh tra theo luật. Mỗi năm vào thanh tra 1 lần nên không gây khó khăn cho doanh nghiệp. Việc thanh tra do Bộ TN-MT thực hiện và cao hơn là thanh tra Chính phủ, rồi của các bộ ngành. Thanh tra Formosa, chúng tôi huy động lực lượng, thiết bị cả đến trăm người. Trong thời gian sắp tới, nếu không phân định rõ lực lượng, không tăng cường chất lượng, không có sự tham gia của các chuyên gia thì không thể thanh tra chính xác được. Là cơ quan giúp Chính phủ quản lý về TN-MT, chúng tôi sẽ phối hợp để có thanh tra tổng thể.
Vì sao vi phạm khai thác cát nhiều năm chưa được giải quyết?
Trở lại sau giờ giải lao, trước câu hỏi của đại biểu Hoàng Thành Tùng (Sóc Trăng) cho rằng đề nghị giải pháp phòng ngừa trước những "quả bom môi trường ở sông Hậu, không để xảy ra sự cố. Việc vi phạm khai thác cát sỏi diễn ra nhiều năm, bộ trưởng cho biết nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: Bức tử các dòng sông, khai thác cát sỏi là vấn đề rất bức xúc. Chúng ta cần có cái nhìn tổng thể với sông Hậu, với ĐBSCL và Bộ TN-MT cho rằng phải có quy hoạch tổng thể cho vùng, để có phân bổ sử dụng nước cho từng vùng.
Bộ TN-MT sẽ quy hoạch, rà soát các cơ sở kinh doanh, sản xuất dọc bờ sông Hậu. Xem xét vấn đề công nghệ để làm sao giảm tối đa tác động ra môi trường. Việc khai thác cát sỏi rất nhức nhối. Thủ tướng đã chủ trì hội nghị trực tuyến về vấn đề này, qua hội nghị trực tuyến của Thủ tướng thì tình hình đã được cải thiện rất nhiều. Phải tăng cường kiểm soát, quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương đó.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) nêu thực trạng cả nước có 20 nhà máy nhiệt điện than, tiêu thụ 45 triệu tấn than và thải ra gần 50 triệu tấn xỉ than, tro bụi, đánh giá hiệu quả của các nhà máy nhiệt điện than như thế nào?
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, quy hoạch điện 7, nhiệt điện than đến 2020 ta có thêm 12 nhà máy nữa (hiện có 12 nhà máy). Đây là vấn đề Chính phủ đã xem xét, tính toán.
Về công nghệ, các nhà máy đang sử dụng công nghệ lò đun, lò sôi và chúng ta có thể chọn công nghệ tốt hơn mà thế giới đang dùng, chọn than tốt thì lượng xả thải sẽ tốt hơn. Hiện các nhà máy cũng cải tiến quy trình nên vấn đề xả thải cũng tốt hơn. Các nhà máy nếu xử lý tốt thì bụi than có thể tái sử dụng. Bộ Xây dựng nên sớm có quy chuẩn để có thể tái sử dụng các chất thải, khí thải. Bộ TNMT cùng Bộ công thương, EVN sẽ rà soát, đánh giá lại, huy động các nhà khoa học để nâng cao công nghệ các nhà máy nhiệt điện.
Trên 50% doanh nghiệp không tuân thủ quy định bãi thải
Trả lời đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) về việc nhiều bãi thải khai thác khoáng sản bị sạt lở gây sự cố nghiêm trọng. Có hay không có sự vi phạm pháp luật của các cơ sở này. Các bãi rác thải ở nông thôn không che chắn là những hinh ảnh dễ thấy ở làng quê, Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết tình trạng này?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà sau khi chưa bám sát trọng tâm câu hỏi của các đại biểu được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc nhở đã quay trở về với nội dung câu hỏi này.
Ông nói về khai thác khoáng sản, các bãi thải, tôi cho rằng đại biểu nêu thực tế rất đúng. Có nhiều bãi thải là nguy cơ lớn đối với an toàn của người dân. Trách nhiệm thuộc về Bộ TN&MT trong phê duyệt các giấy phép vì liên quan đến công nghệ, tác động môi trường, xử lý chất thải. Chất thải xây dựng liên quan Bộ Công thương và các địa phương.
"Trên thực tế, trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện quy định về triển khai các phương án, vận hành bãi thải. Qua kiểm tra, chúng tôi thấy trên 50% doanh nghiệp không tuân thủ quy định" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Bộ trưởng Hà cho rằng cần xem xét lại nhiều bãi thải, vì độ cao, thiên tai, thời tiết . Đây là vấn đề Bộ TN-MT, Bộ Công thương, các địa phương cần rà soát, đánh giá lại các bãi rác thải này.
Vẫn theo ông Trần Hồng Hà, việc khai thác than để lại bãi thải rất lớn, cần nguồn lực rất lớn để giải quyết. Bên cạnh xem xét công nghệ thì cần nguồn vốn để giải quyết. Vị tư lệnh ngành Tài nguyên - Môi trường cũng cho rằng “khi phê duyệt cấp phép khai thác mỏ, ta chưa tính toán đến việc này, mới chỉ tính toán trên ý tưởng nên không đủ chi phí để hoàn thổ môi trường”.
Theo dõi 24/24 việc xả thải của Formosa
Quan tâm đến vấn đề Formosa, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt câu hỏi: Cử tri Quảng Binh đánh giá cao giải pháp của Quốc hội, Chính phủ về khắc phục hậu quả do Formosa gây ra. Tuy nhiên, cử tri thiếu niềm tin, băn khoăn cho cả thế hệ hiện tại và tương lai về Formosa. Bộ trưởng cho biết sắp tới Bộ sẽ làm gì để Formosa không gây ô nhiễm môi trường?
Ông Nguyễn Ngọc Phương cũng đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: việc đền bù mới đến 7 đối tượng và chỉ trong 6 tháng. Còn sót một số đối tượng nên gây thắc mắc, khiếu kiện. Vậy Bộ trưởng Bộ NN&PTNT sẽ giải quyết vấn đề tồn đọng này ra sao?
Trả lời câu hỏi của đại biểu đến từ Quảng Bình, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói chúng ta đã dồn hết sức để giải quyết. Riêng Formosa, Bộ Tài nguyên - Môi trường hoàn toàn chịu trách nhiệm. Sau khi chỉ ra nguyên nhân, nguồn gây ô nhiễm thì chúng ta xác định 3 nhóm: rác thải, khí thải và chất thải rắn.
Bộ Tài nguyên - Môi trường lập hội đồng liên ngành các nhà khoa học trong cả nước để xem xét, đánh giá kế hoạch, yêu cầu doanh nghiệp phải có lộ trình xử lý hợp lý.
Trong quá trình Formosa giải quyết, Bộ TN-MT có một ban giám sát, theo dõi 24/24 về khí thải, rác thải, chất thải rắn của Formosa. Bộ cũng yêu cầu phải tuân thủ các điều kiện, nếu Việt Nam chưa có thì theo tiêu chuẩn quốc tế.
"Chúng tôi yêu cầu các công đoạn sản xuất đều phải được xem xét, xử lý. Nếu xảy ra sự cố phải có phương án, có hồ để xử lý sự cố. Việc theo dõi được cập nhật và gửi thẳng số liệu về Sở TN-MT Hà Tĩnh để chuyển về Bộ. Nước trong công nghệ dập cốc được theo dõi và gắn thiết bị theo dõi nghiêm ngặt như ở Hàn Quốc. Nước thải qua hồ xử lý sinh học, và hồ sinh học này chúng tôi yêu cầu phải thả cá để đảm bảo nước thải ra môi trường phải an toàn" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Formosa hứa đảm bảo duy trì lâu dài bền vững không để xảy ra sự cố như vừa qua. Bộ TN-MT cũng xây dựng hệ thống giám sát môi trường biển, khí thải từ các địa phương này. Chất thải rắn và bùn thải nguy hại, nếu Formosa chưa ký hợp đồng với các doanh nghiệp để xử lý thì phải để lưu trong kho.
Chúng tôi cũng làm việc với Hà Tĩnh để tìm hướng đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp xử lý chất thải công nghiệp. Chúng tôi cũng yêu cầu Formosa tìm hướng chuyển các chất thải này để nghiên cứu làm phụ gia xây dựng. Sẽ sớm xây dựng quy chế xử lý chất thải công nghiệp để sản xuất phụ gia xây dựng.
Hiện nay Formosa cũng mời nhiều chuyên gia, đơn vị tư vấn quốc tế để tham vấn dài hạn, để chuyển từ dập cốc ướt sang cốc khô. Với hệ thống xả thải thì cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn ISO 14.000 để thời gian tới Formosa giảm ô nhiễm.
Về phương án đền bù sẽ phối hợp cùng Bộ NN&PTNT trả lời bằng văn bản.
Nóng với ô nhiễm môi trường
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nêu: "Vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn vì rác thải công nghiệp, vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, với trách nhiệm của mình, bộ trưởng làm gì để khắc phục?"
Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) đặt câu hỏi: Ô nhiễm các làng nghề, cụm công nghiệp vẫn chưa được khắc phục, một số nơi tình trạng này gia tăng, đáng báo động. Bộ trưởng làm gì để khắc phục?
Trả lời về những vấn đề đại biểu nêu, Bộ trường Trần Hồng Hà cho biết ngoại thành, nông thôn đang chịu tác động lớn nhất của đô thị hóa. Tôi đồng tình với đánh giá thực trạng này. Nhiều người cho rằng nông thôn là an bình, nhưng hoạt động kinh tế lại sôi động.
Ở nông thôn, vấn đề làng nghề, cụm công nghiệp đan xen với nhà dân, công tác quy hoạch không tốt, chỉ 5% có xử lý nước sạch. Tôi thừa nhận quản lý môi trường nông thôn dù Bộ quản lý chung, nhưng từng phần lại giao các bộ, ngành khác nhau nên có quy định chưa rõ.
Đây là thực trạng chúng tôi đã nhìn thấy. Các bộ: TN-MT, Xây dựng, NN&PTNT cần khẩn trương đưa các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó quan tâm đến thiết bị thu gom rác, xử lý vấn đề rác nông thôn.
Nếu mỗi địa phương, mỗi huyện không có quy hoạch xử lý chất thải thì đây là vấn đề rất lớn. Tại sao nông thôn vẫn còn bãi rác không hợp vệ sinh, ở đây có trách nhiệm của trung ương là Bộ TN-MT và cũng có trách nhiệm của Bộ xây dựng.
Phải tính toán, quy hoạch xây dựng các khu xử lý chất thải nguy hại ở nông thôn. Phải xác định môi trường nông thôn là tiêu chí quan trọng để xây dựng nông thôn mới.
Đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt câu hỏi: Khi xảy ra ô nhiễm, không ai đứng ra chịu trách nhiệm. Luật bảo vệ môi trường đề cao người dân giám sát bảo vệ môi trường nhưng người dân lại không có thông tin, vậy Bộ trưởng sẽ làm thế nào?
Cho rằng đây là câu hỏi hay, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải thích khi xảy ra vụ việc nào đều gắn trách nhiệm người đứng đầu. Ở đây phần phân định giữa trung ương và địa phương chưa rõ ràng.
"Tôi cho rằng phải xác định được trách nhiệm cụ thể ở mỗi cấp. Phê duyệt môi rường thì ở trung ương, còn cấp phép thì ở từng cấp khác nhau. Tôi muốn nhấn mạnh, các cơ quan trung ương cũng không đảm đương được vấn đề môi trường ở địa phương. Vì thế tới đây nên phân cấp cho địa phương. Từ đó để đầu tư con người, bộ máy" - Bộ trường Trần Hồng Hà nói.
Trước đó, vào đầu giờ chiều, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết hiện Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 3 tỷ USD các sản phẩm về thép, đến năm 2020 có thể nhập lên đến 15 tỷ USD. Lý do là sản xuất trong nước chủ yếu đáp ứng về thép xây dựng và thép chuyên ngành, còn thép thô phục vụ cán thép, luyện thép chưa đáng kể.
"Chúng ta có mỏ sắt Thạch Khê quy mô lớn, nếu được khai thác tốt sẽ phục vụ tích cực cho sản xuất thép thô", Bộ trưởng Công Thương nói và khẳng định "không đánh đổi môi trường lấy các dự án công nghiệp, trong đó có dự án thép, đây không phải là lợi ích nhóm".
"Chúng ta đang hướng tới phát triển hài hoà, khai thác hợp lý tài nguyên, xây dựng các tập đoàn công nghiệp của Việt nam nếu đáp ứng được yêu cầu về phát triển bền vững, tại sao lại phải tự hạn chế điều đó", ông Tuấn Anh trao đổi với đại biểu Hiền.
Đề cập trực tiếp vào dự án thép Cà Ná, người đứng đầu Bộ Công Thương cho hay dự án này đã có trong quy hoạch từ năm 2011, đến giai đoạn 2008-2009 do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính thực hiện nên bị đưa ra khỏi quy hoạch. Đến năm 2015, dự án tiếp tục được nghiên cứu, Tôn Hoa Sen đề xuất đưa vào quy hoạch, xin chủ trương đầu tư với cam kết đảm bảo yêu cầu về môi trường, công nghệ.
"Bộ Công Thương đã tổ chức khảo sát, đánh giá năng lực chủ đầu tư. Xin báo cáo với Quốc hội, đây mới là điều chỉnh về quy hoạch, chứ không phải dự án thép Cà Ná đã được phê duyệt", ông Tuấn Anh nói.
Về dư luận gần đây liên quan đến vị trí đặt dự án thép Cà Ná sẽ ảnh hưởng đến môi trường, "có hay không việc đánh đổi nghề làm muối lấy thép Cà Ná", người đứng đầu Bộ Công Thương nêu quan điểm "đây không phải chuyện đánh đổi mà trên cơ sở phát triển bền vững, dự án thép Cà Ná đã được xem xét cẩn trọng, đúng quy trình".
Cũng theo ông Tuấn Anh, mới đây Thủ tướng đã chỉ đạo một số bộ ngành làm rõ các vấn đề liên quan, sau khi dự án được xem xét, thẩm định, phê duyệt thì mới có tính pháp lý. Ngoài dự án thép Cà Ná của Tôn Hoa Sen, tới đây dự án thép Dung Quất của Hoà Phát cũng sẽ được xem xét theo đúng quy định pháp luật.
Dự án Khu liên hợp cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận có tổng vốn đầu tư 10,6 tỷ USD, công suất 16 triệu tấn mỗi năm. Siêu dự án tiến hành theo 5 giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2031, chia làm nhiều phân kỳ.
Tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản cam kết cung cấp nước cho dự án này. Giai đoạn I dự kiến công suất là 4,5 triệu tấn thép một năm, với mức tiêu thụ nước bình quân khoảng 7m3 nước trên một tấn thép, mỗi ngày cần khoảng 8.500 m3 nước. Theo cam kết của tỉnh, năm 2017 có thể cung ứng 30.000 m3 nước một ngày đêm, đủ cho nhu cầu sản xuất của dự án.