Trong buổi chia sẻ về tầm nhìn, định hướng thời gian tới của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) sát Tết Mậu Tuất, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cởi mở nói về những vấn đề đang đặt ra với đất nước, với ngành KH&ĐT và chính cơ quan mình. Ông kêu gọi nói ít, làm nhiều và tranh thủ thời cơ mới đang đến với đất nước.
Nói chuyện vĩ mô, nhưng người ta thấy Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng không khô khan như khi ông phải trình bày trước Quốc hội, Chính phủ, phát biểu trên sóng truyền hình.
Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh cần đặt niềm tin vào thế hệ trẻ, những người được đào tạo, có trí thức và khát vọng cống hiến cho dân tộc.
Người dân đã mang tiền ra làm ăn, không còn cất trữ
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mở đầu buổi nói chuyện bằng việc chỉ ra những cơ hội, thuận lợi mà đất nước đang có. Ông nói năm vừa qua cái quan trọng nhất là có được lòng tin của người dân. Người dân, doanh nghiệp đã tin tưởng, bỏ tiền để đầu tư, làm ăn phát triển đất nước chứ không cất trữ nữa.
Ông nhắc lại sự kiện U23 Việt Nam mang lại cho ông cảm hứng mãnh liệt về sức mạnh của dân tộc. “Dân tộc ta thực sự mạnh đó chứ, giỏi đó chứ. Chúng ta sẽ làm được nhiều hơn thế nữa", ông nói.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh cần đặt niềm tin vào thế hệ trẻ, những người được đào tạo, có trí thức, được rèn luyện, khát vọng cống hiến cho đất nước.
Đà phát triển của năm 2017 cũng là một điểm thuận lợi cần tận dụng. Bộ trưởng cho rằng phải coi năm 2018 là thời cơ, phải tranh thủ, tăng tốc để đạt được nhiều kết quả cao hơn nữa.
Thời cơ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được Bộ trưởng nhắc đến là cơ hội nghìn năm có một. “Đây là thời cơ. Các cuộc cách mạng công nghiệp trước đã đi qua. Cuộc cách mạng này không phải là mới tinh, nhưng cũng không phải là quá lâu, cho phép chúng ta có thể chậm 2-3 năm”, ông nói.
Bộ trưởng cho rằng 2-3 năm đấy là thời gian tiếp cận, tăng tốc, tận dụng, thu hẹp khoảng cách phát triển. Nếu lần này không nắm được cơ hội, vận mệnh nữa thì tụt hậu ngày càng xa, khả năng rút ngắn khoảng cách ngày càng khó hơn.
“Chúng ta mới chỉ dừng lại ở vị trí, vai trò, chưa vào những cái cụ thể. Việt Nam bắt đầu thế nào, tiếp cận từ các ngành nghề như thế nào, nguồn lực ở đâu, nhân lực như thế nào? Chúng ta cần cả hệ thống phấn đấu hơn nữa, chung sức, đồng lòng. Từng cơ quan, con người góp sức của mình sẽ có kết quả to lớn hơn nữa trong năm 2018”, ông chia sẻ.
Trăn trở chuyện sân bay mới khánh thành đã xin nâng cấp, cải tạo
Nói về định hướng năm 2018, Bộ trưởng cho biết cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thu hút đầu tư, phát triển bền vững; phải làm rõ nét tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Hiện tại việc đó đang làm chậm. Năm 2018 cần đẩy mạnh hơn theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Ngoài ra cần làm tốt 3 khâu đột phá chiến lược là cơ sở hạ tầng, thể chế và nguồn nhân lực.
“Nhiều thể chế chưa được hoàn thiện, đồng bộ, chất lượng chưa cao. Hạ tầng chúng ta đang phát triển chững lại, chậm lại do nguồn lực, do chính sách, do văn bản quy phạm pháp luật… còn chậm”, ông nói.
Nói về hạ tầng, Bộ trưởng cho biết những ngày giáp Tết, ông cảm thấy rất trăn trở về chuyện ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP.HCM, sự quá tải cao tốc và sân bay. Ông đã yêu cầu Vụ Kết cấu hạ tầng rà soát lại các công trình hạ tầng giao thông sau khi đưa vào sử dụng, công trình nào không phải cải tạo nâng cấp.
Theo ông, các công trình hạ tầng giao thông đang vướng 2 vấn đề. Thứ nhất là làm chậm khiến phát sinh chi phí rất nhiều, đội vốn rất nhiều. Thứ hai là tình trạng mới khánh thành đã xin cải tạo, nâng cấp.
Ông lấy ví dụ nhiều sân bay mới khánh thành lại đề nghị nâng cấp, như sân bay Cát Bi, Cam Ranh. Ông cũng nhắc việc sân bay Nội Bài liên tục cải tạo, còn Tân Sơn Nhất đã cải tạo tới 17 lần kể từ sau 1975.
Bộ trưởng nhấn mạnh đến việc thiếu tư duy, tầm nhìn của cơ quan tư vấn, cơ quan quyết định đầu tư, cơ quan liên quan. “Tầm nhìn ngắn, tư duy như vậy làm cho đất nước thiệt hại bao nhiêu tiền. Như xây nhà làm một lần 20-30 năm không phải sửa, khác với việc mới xây xong lại sửa liên tiếp khiến đội rất nhiều chi phí”, Bộ trưởng nói.
Người đứng đầu Bộ KH&ĐT cũng nhấn mạnh cái mất lớn nhất chính là mất cơ hội phát triển.
“Nếu có một hệ thống giao thông tốt, đồng bộ, hệ thống thông quan đáp ứng được yêu cầu phát triển, chúng ta phát triển nhanh hơn chứ, hiệu quả hơn chứ, sức cạnh tranh của nền kinh tế cao hơn chứ”, ông nói.
Còn một yếu tố nữa là nguồn nhân lực. Bộ trưởng cho rằng cần tận dụng thời kỳ dân số vàng để phát triển. Nếu không tận dụng, dân số sẽ sớm già đi, chuyển qua một thái cực khác. Ngoài ra, lao động nhiều nhưng năng suất thấp, qua đào tạo không nhiều. Người ta cần một đằng thì đào tạo một nẻo, không theo thị trường, không theo nhu cầu mà đào tạo theo cái mình có.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cải cách thì không thể chùn bước, ngại va chạm. Ảnh:Hải An. |
Ngoài ra, nếu không đào tạo nguồn nhân lực, số lao động sau cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn thất nghiệp nhiều nữa. Chúng ta đứng trước những điều đó cần có thái độ và làm nhanh hơn.
'Cán bộ phải động não, nếu giở luật ra làm thì đâu phải người kiến tạo'
Chia sẻ về Bộ KH&ĐT, Bộ trưởng cho rằng cơ quan này phải gánh một khối lượng công việc vô cùng lớn. Bộ cũng liên quan đến nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau, kết nối tất cả và cũng chịu một áp lực rất lớn là toàn làm những điều mới, mà những điều mới thường hay đụng chạm.
“Bất kể một cải cách hay đổi mới nào cũng đều có ý kiến trái chiều, như vậy thế mới là đổi mới. Chỉ là một chiều thì không còn đổi mới cải cách nữa. Nó đụng chạm thói quen, lề lối của nhiều con người. Mà người Việt Nam lại rất ngại thay đổi, sáng tạo, góp ý kiến do ảnh hưởng của văn hóa Á Đông”, Bộ trưởng chia sẻ.
Ông cũng cho rằng nếu chỉ giở luật ra thì đâu phải là người kiến tạo, chỉ là người thực hiện bình thường. Cán bộ cần biết động não suy nghĩ, việc đó có cần cho dân, có lợi cho đất nước không thì làm. Nếu làm thì cần phải sửa luật, điều chỉnh ra sao, cần phải làm gì.
Điều ông nhấn mạnh là không ngại đụng chạm trong cải cách phát triển. Bộ KH&ĐT có những công việc đề ra quan điểm đổi mới thường bị đụng chạm, do ngại thay đổi hoặc là đụng chạm đến quyền lợi của một cơ quan nào đó, một vài cá nhân nào đó.
“Không phải vì 1-2 cơ quan đó, một vài con người đó mà chùn bước, bỏ qua. Bộ KH&ĐT phải có bản lĩnh, nắm thật chắc, nói thật đúng, thật thuyết phục”, ông chia sẻ.
Đã đến lúc chính Bộ KH&ĐT phải cải tổ lại mình theo hướng tập trung vào những vấn đề mang tính chiến lược cho đất nước, mang tính định hướng, quy hoạch, tầm nhìn, mô hình mới, những cái gì hay ho của thế giới.
“Bộ KH&ĐT mang tiếng khi Nhà nước giao cho việc quản lý đầu tư. Mà giao thì phải làm, làm thì có mặt nọ mặt kia, mặt tốt, mặt chưa tốt. Với con mắt mọi người nhìn vào thì luôn cho rằng Bộ KH&ĐT là 'siêu bộ', cơ quan xin-cho”, ông nói.
Trước kia, Bộ KH&ĐT tham gia vào việc phân bổ vốn rất cụ thể, nhưng nay không làm thế nữa, không phân bổ và quyết định các dự án cụ thể nữa. Bộ chỉ làm việc quản lý thông qua việc xây dựng nguyên tắc, quản lý để việc phân bổ, sử dụng mang tính hiệu quả.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trong buổi lễ bàn giao công việc với người tiền nhiệm Bùi Quang Vinh (trái). Ảnh:Tiến Tuấn. |
Việc của Bộ là rà soát lại việc phân bổ vốn của các bộ ngành, địa phương cho các dự án, sau đó tham mưu cho Chính phủ xem xét, sau đó Chính phủ ban hành.
“Những cái đó đã thể hiện việc vượt lên chính mình, từ bỏ quyền lực mang lại lợi ích. Nhiều cán bộ đang lầm tưởng nhiệm vụ được Nhà nước giao, nhân dân giao là quyền lực của riêng mình, qua đó xách nhiễu, vòi vĩnh, hạnh họe, tiêu cực”, ông nói.
3 câu hỏi về đất nước, cơ quan và cá nhân mình
Về công tác cán bộ, Bộ trưởng cũng kể lại câu chuyện Bộ KH&ĐT đang gặp phải hiện trạng cán bộ có “người này người kia”.
“Con người có 5 công cụ là đọc - nghe - nghĩ - viết - nói. Hiện nay một số cán bộ hỏng nhiều công cụ. Đọc không chịu đọc, nghe không chịu nghe, vô cảm. Một số cán bộ không động não, lười nghĩ. Cái gì theo thói quen cứ thế làm, vừa nhanh, vừa lành mà không tính đến những phát sinh của đất nước và thế giới”, ông thẳng thắn nói.
Bộ trưởng chỉ ra nhiều cán bộ viết rất yếu kém. Ông kể câu chuyện yêu cầu các cán bộ của Bộ KH&ĐT trong vòng một tiếng, tự viết suy nghĩ về 3 câu hỏi: “Đất nước hiện nay như thế nào?”, “Bộ KH&ĐT phải làm gì?”, “Đơn vị mình, cá nhân mình phải làm gì?”. Các cán bộ được yêu cầu không dùng điện thoại, máy tính và viết trong một cuộc họp.
“Thực chất muốn kiểm chứng trình độ cán bộ đến đâu, tâm huyết đến đâu, hiểu biết tình hình đất nước đến đâu, qua đó cũng đánh giá được năng lực. Thực sự không có nhiều bài xuất sắc, thậm chí có nhiều bài buồn cười”, ông nói.
Bộ trưởng nhấn mạnh cần nghĩ nhiều hơn, viết nhiều hơn. “Một số đồng chí nói tốt, nhưng chả có nội dung nội hàm gì. Cần nói tốt, nhưng không phải là quan trọng, mà cần nói ở đâu, nói có nội dung nội hàm thế nào mới là quan trọng. Cần nói ít, làm nhiều, làm sao cho kết quả, có hiệu quả, đánh giá thông qua hiệu quả, kết quả công việc”, ông chia sẻ.