Sáng 3/12, tại xã Phong Vân (Ba Vì, Hà Nội), Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP. Hà Nội Chu Sơn Hà, ĐBQH Đào Văn Bình tham gia tiếp xúc cử tri.
Tại hội nghị, ông Chu Sơn Hà đã báo cáo những kết quả đạt được của Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, đồng thời báo cáo quá trình hoạt động suốt nhiệm kỳ của các ĐBQH TP. Hà Nội.
Nhiệm kỳ vừa qua, ĐBQH TP. Hà Nội đã nhiệt tình tham gia các hoạt động của Quốc hội như đóng góp ý kiến xây dựng các luật và bộ luật, đồng thời thực hiện đầy đủ vai trò giám sát của ĐBQH, chẳng hạn như giám sát về tình hình sử dụng đất tại các nông, lâm trường quốc doanh, trong đó có Ba Vì.
Ông Chu Sơn Hà cũng nhắc lại việc bà Châu Thị Thu Nga bị bãi bỏ tư cách ĐBQH vì vi phạm pháp luật.
Sau phần báo cáo của ĐBQH Chu Sơn Hà, cử tri xã Phong Vân đã bày tỏ ý kiến của mình về các vấn đề chính sách pháp luật.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Chủ tịch UBND xã Phong Vân băn khoăn về chính sách cho quân nhân tại ngũ, chế độ chính sách với người có công… Ngoài ra, ông Nguyễn Huy Hoàng cũng bày tỏ sự đánh giá cao với công tác quản lý báo chí, quản lý quảng cáo trên truyền hình của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Với chất vấn của cử tri về vấn đề đê kè, nước sạch của địa phương, ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội đã giải thích cặn kẽ về việc chậm tiến độ xây kè đê do người dân chưa chấp hành giải phóng mặt bằng.
Với vấn đề nước sạch, ông Đào Duy Tâm giải thích, nước sạch tại các xã Phong Vân và các xã lân cận đang dùng nguồn vốn của WB. Đây là sự ưu đãi, WB hỗ trợ 60%, 30% vay lại Chính phủ, người dân đóng góp 10%. Việc này là để đảm bảo thực hiện dự án đúng người cần dùng mà không gây lãng phí. Chỉ có khi nào người dân bỏ tiền, bỏ công sức ra thì mới quý trọng và sử dụng có hiệu quả, đó là quan điểm của tổ chức nước ngoài khi hỗ trợ cho Việt Nam trong vấn đề nước sạch nông thôn.
Trước những vấn đề mà cử tri xã Phong Vân phản ánh, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã ghi nhận các ý kiến, kiến nghị này, đồng thời đề nghị các cấp lãnh đạo địa phương giải quyết thấu đáo những vụ việc mà người dân đã gửi đơn.
Về việc chậm tiến độ kè đê, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Hệ thống đê điều hàng nghìn cây số là công lao lớn của cha ông để lại, công trình đưa vào kế hoạch, quy hoạch, việc thực hiện cần có sự đồng thuận của người dân để vì lợi ích chung”.
Đối với vấn đề nước sạch của địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đồng ý quan điểm là công trình nông thôn mới phải có đối ứng của địa phương và người dân. Nên phát huy tinh thần nhà nước và nhân dân cùng làm, không nên ỉ lại hoàn toàn vào nhà nước. Bộ trưởng kể lại câu chuyện khi ông còn là Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, trong một lần tiếp xúc với bà con bàn về vấn đề xóa đói giảm nghèo, chính bà con cũng cho rằng việc xóa đói giảm nghèo không chỉ đơn thuần là "xóa nghèo" mà còn phải "xóa lười".
“Không chỉ xóa nghèo mà phải xóa lười, phải phát huy tinh thần tự lực tự cường, cùng tham gia với nhà nước. Chẳng hạn như nước sạch, nhà nước không làm nước sạch chúng ta cũng phải tự khoan giếng, tự gánh nước. Khi Nhà nước xây dựng hệ thống nước sạch, người dân cũng tham gia đóng góp để công trình được thực hiện nhanh”- Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.
Chia sẻ với những đánh giá của cử tri về công tác của ngành thông tin và truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, ngành thông tin và truyền thông ngày càng có vai trò thiết yếu trong xã hội. Ngành thông tin và truyền thông là một trong những ngành đi đầu trong đổi mới. Ngành đã đưa người dân tiếp cận dịch vụ sang trọng với giá bình dân. Hàng năm, ngành công nghệ thông tin mang lại nhiều tỉ đồng cho nhà nước, là một trong ngành đóng góp nhiều cho ngân sách. Trong 10 tháng năm 2015, doanh thu của ngành thông tin và truyền thông đạt 280 nghìn tỉ đồng, nộp thuế 19 nghìn tỉ. Ngành dựa trên tài nguyên chất xám con người nên rất bền vững.
Bộ trưởng chia sẻ thêm về vấn đề quản lý báo chí truyền thông, hiện nay chúng ta đang có hệ thống báo chí với hơn 840 cơ quan báo chí, truyền hình đến cấp huyện. Đồng thời, viễn thông có 130 triệu di động trả trước. Điều này vừa là ưu việt vừa là thách thức, như việc khó khăn trong quản lý báo chí, quản lý sim rác, sim ảo nhiều, tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, xâm phạm an ninh.
Theo Infonet