Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang: Năm giải pháp bảo đảm an ninh quốc gia

VietTimes -- Sáng 22/1 tại Hội trường Đại hội Đảng XII, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã có bài tham luận quan trọng. VietTimes xin giới thiệu một số ý chính trong bài phát biểu này.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang

Tình trạng lộ, lọt bí mật nhà nước rất nghiêm trọng

Năm năm qua, bên cạnh những nhân tố tích cực, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến rất mới, phức tạp, khó dự báo, tác động đến hòa bình, ổn định của mỗi quốc gia. Đối với nước ta, các thế lực thù địch, phản động ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. 

Các cơ quan đặc biệt nước ngoài tập trung tấn công, thâm nhập, tác động hòng chuyển hóa, tạo dựng các nhân tố chống đối trong nội bộ; đẩy mạnh tập hợp lực lượng đối lập trong nội địa nhằm tiến hành “cách mạng màu” ở Việt Nam. 

Số đối tượng chống đối trong nước cấu kết chặt chẽ với bọn phản động bên ngoài hoạt động chống phá quyết liệt. Những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ngày càng phức tạp và nguy hiểm hơn; tình trạng lộ, lọt bí mật nhà nước rất nghiêm trọng; các hội, nhóm trái pháp luật hoạt động ngày càng công khai, thách thức. Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp.

Không để xảy ra khủng bố, phá hoại

Trong bối cảnh đó, lực lượng Công an nhân dân đã quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tiếp tục đổi mới nhiều chủ trương, đối sách, giải pháp bảo vệ an ninh, trật tự, triển khai đồng bộ các mặt công tác, hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ “bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống” như Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đề ra. 

Chủ động tham mưu với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhiều chủ trương, giải pháp cơ bản, có ý nghĩa chiến lược về bảo đảm an ninh, trật tự, kết hợp chặt chẽ giữa an ninh, quốc phòng với kinh tế, đối ngoại; xử lý kịp thời những vấn đề phức tạp nảy sinh, nhất là những vấn đề liên quan đến bảo vệ chủ quyền biển, đảo; giữ vững thế chủ động chiến lược, không để xảy ra khủng bố, phá hoại, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nội địa.

Thế lực thù địch đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định, khó lường. 

Chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp, lật đổ, ly khai, khủng bố quốc tế tiếp tục gia tăng với hình thái, tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm hơn. 

Các thế lực thù địch, phản động tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ; gia tăng liên kết trong - ngoài hòng tập hợp lực lượng, hình thành và công khai tổ chức chính trị đối lập trong nội địa, chuẩn bị điều kiện tiến hành “cách mạng màu” nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. 

Cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm kinh tế, tham nhũng, ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tệ nạn xã hội, giữ gìn kỷ cương, phép nước sẽ vẫn là mặt trận nóng bỏng.

Năm giải pháp bảo đảm an ninh quốc gia

Để bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước; tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới toàn diện công tác Công an. Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, nâng cao năng lực nắm tình hình, phân tích, đánh giá, dự báo chiến lược, nhận diện sớm các nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia để kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp bảo vệ an ninh, trật tự và; vô hiệu hóa hoạt động của các cơ quan đặc biệt nước ngoài, giữ vững an ninh quốc gia trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ, không để xảy ra khủng bố, phá hoại, bạo loạn.

Thứ ba, đổi mới và nâng cao chất lượng toàn diện công tác giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Thứ tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự gắn kết chặt chẽ với tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước thời kỳ hội nhập.

Thứ năm, đặc biệt chăm lo công nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, phát triển đồng bộ, toàn diện trên các mặt chính trị, tư tưởng.

LTB