Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh đã nói như vậy tại Hội nghị hướng dẫn lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 tổ chức ngày 2/2.
Theo Bộ trưởng Vinh, năm 2014, riêng Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư hỗ trợ vốn đối ứng tối thiểu cho các dự án ODA là 20.000 tỷ đồng. Nhưng ngân sách có hạn nên chỉ bố trí được 2.000 tỷ, còn lại đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội phát hành trái phiếu chính phủ.
“Sang năm 2015, Bộ Giao thông đề nghị đối ứng 71.000 tỷ đồng, đó là một bộ thôi, chưa kể các bộ khác. Như vậy để thấy áp lực đè lên ngân sách”, Bộ trưởng Vinh nói.
Nhằm giảm tình trạng đầu tư dàn trải, Bộ trưởng Vinh cho biết, Quốc hội rất kỳ vọng thông qua Luật đầu tư công để thay đổi điều này. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng ra chỉ thị ưu tiên sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách cho những nhóm dự án cụ thể.
Theo đó, trong thời gian tới sẽ ưu tiên vốn mồi để đối ứng cho các dự án hợp tác công tư (PPP). “Cho các doanh nghiệp tư nhân làm đường, làm nước, xử lý rác thải, họ là chính còn ta chỉ bỏ ra phần nhỏ”, ông Vinh nói.
"Đừng tưởng là có tiền!"
Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết ông cảm thấy “choáng váng” khi nhu cầu vốn của các bộ ngành, địa phương luôn cao gấp 20-30 lần khả năng cân đối của họ.
Với việc thực thiện Luật đầu tư công cũng như chỉ thị mới của Thủ tướng về việc ưu tiên sử dụng vốn ngân sách, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh, khi quyết định làm dự án, hãy nên chọn cái gì thật xuất sắc.
“Phải xem bộ ngành mình có bao nhiêu, đưa chương trình ra thì tính toán tiên nong, mục tiêu to lớn, nhưng tiền rất ít là không được. Trước đây còn đổi được cho Bộ kế hoạch và đầu tư nhưng bây giờ quả bóng đẩy về phía các đồng chí rồi. Phải cân nhắc rõ nguồn vốn, không thể tưởng là có tiền được”, ông Vinh nói.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Vinh, Chính phủ sẽ ưu tiên vốn đối ứng cho các dự án ODA đã ký rồi. Sắp tới sẽ tổng hợp số liệu của tất cả các bộ ngành, địa phương xem có bao nhiêu dự án ODA và nguồn vốn ra sao. Sau đó thì các dự án mới mới được duyệt tiếp.
Theo ông Vinh, các dự án ODA hiện nay toàn ghi chung chung là ngân sách trung ương và địa phương. “Do vậy, nhiều khi tôi ký nhưng chả hiểu năm sau có bao tiền, năm nay giá dầu tụt thế này chắc gì có nhiều tiền”, ông Vinh cho rằng, làm ăn khó có hiệu quả nếu cứ năm nào biết năm ấy.
Bộ trưởng Vinh cho biết, chỉ thị mới của Thủ tướng sẽ dành vốn ngân sách ưu tiên cho các công trình dở dang. Vậy để thấy làm gì còn tiền bố trí cho cái mới? Thế nên đừng lo đầu tư với không đầu tư, vì tiền còn đâu mà đầu tư?
Theo: BizLive