"Nghỉ hưu tôi về làm ruộng!"
Cuộc gặp giữa chúng tôi và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Bùi Quang Vinh diễn ra vào một chiều cuối năm, sau khi Bộ KHĐT vừa tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập ngành và đón nhận đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ II sáng cùng ngày.
Căn phòng tiếp khách khá rộng, được bố trí đơn giản với một bàn nhỏ và hai dãy ghế salon nối dài, giản dị. Vẫn với dáng vẻ tất bật thường thấy, Bộ trưởng bước vào, vồn vã chào hỏi. Ông nói đùa: “Mình chỉ có 1 giờ để trả lời thôi, sau đó còn nhiều việc quá. Trả lời nốt lần này rồi năm sau không trả lời nữa đâu đấy. Năm sau nghỉ hưu rồi”. “Nghỉ rồi Bộ trưởng có "chuyển ngạch" làm chuyên gia không?”, tôi hỏi. Vẫn với phong thái quyết đoán đến bất ngờ, Bộ trưởng Vinh khoát tay: “Không, về làm ruộng thôi! Không làm chuyên gia gì cả. Có quá nhiều Hiệp hội mời về làm Chủ tịch Hiệp hội nhưng mà không thích”.
Được bổ nhiệm giữ cương vị tư lệnh Bộ Kế hoạch và Đầu tư kể từ tháng 8/2011, một nhiệm kỳ không phải là dài nhưng Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã tạo nên những bước ngoặt đáng kể trong tư duy lập kế hoạch, quản lý đầu tư từ trung ương tới địa phương.
Theo đó, việc bộ ngành, địa phương ứng trước vốn kế hoạch được quản lý chặt chẽ, chỉ ứng trước trong trường hợp thật sự cần thiết và phải xác định được khả năng hoàn trả theo kế hoạch trung hạn và hằng năm được duyệt.
Sự thay đổi này đã giúp khắc phục một bước quan trọng tình trạng bố trí vốn phân tán, dàn trải, kém hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát; bảo đảm cân đối nguồn vốn và tăng cường quyền chủ động và trách nhiệm của các ngành, các cấp. Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản từng bước được khống chế, số nợ đọng xây dựng cơ bản giảm nhanh và dự kiến sẽ thanh toán hết trong giai đoạn 2016 - 2020.
Dốc bầu tâm sự, có lúc ông sôi nổi, hào sảng nói về những tư tưởng đổi mới, lại có lúc trầm ngâm, chất chứa nhiều trăn trở khi nhiều mục tiêu đến nay vẫn còn dở dang.
Người dân luôn chứng kiến Bộ trưởng là một người tâm huyết đến quyết liệt trong hành động. Chắc hẳn, trong suốt cả nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng đã phải đương đầu với rất nhiều khó khăn?
Quá nhiều khó khăn! Không khó khăn mới là lạ! Khó khăn là chuyện thường tình thôi vì đã đổi mới thì phải đụng chạm. Nói như ông Tony Blair, nguyên Thủ tướng Anh, nếu nói đổi mới mà không có ai phản ứng thì không gọi là đổi mới.
Nếu mọi việc vẫn như cũ thì người ta việc gì phải phản ứng? Nhưng ở đây là đụng đến lợi ích ngành này, mất quyền ngành kia, cá nhân này thì mất lợi ích, nhóm lợi ích kia thì mất quyền lợi. Minh bạch ra thì nhiều người không còn lợi dụng được kẽ hở để tư lợi nữa…Tất nhiên họ phải phản ứng.
Cho nên tất cả mọi đổi mới, từ làm luật, làm chính sách cho đến cắt giảm cái nọ, cắt giảm cái kia đều đụng chạm cả! Chỉ có điều, có những đụng chạm, có những thách thức, lúc đầu chưa hiểu nên người ta mới phản ứng thôi. Như Luật Đầu tư công, như Chỉ thị 1792, lúc đầu quả thật rất căng thẳng. Nhưng bạn biết đó, đến bây giờ thì trở thành cái gì đó tốt đẹp và mọi người đều cảm thấy sự đổi thay đó là vô cùng tốt.
Lại cũng có những đổi mới mà mọi người nhìn thấy rõ lợi ích của nó nhưng chính bản thân người đề ra thì lại bị “thiệt thòi”, ví dụ như đầu tư công trung hạn.
Có nhiều người nói, Bộ Kế hoạch Đầu tư dưới thời Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, cũng phải "từ biệt" rất nhiều quyền lợi cục bộ...
Nói như thế nào nhỉ? Nếu như chỉ vì lợi ích cục bộ, vì bản thân mình thì Bộ KHĐT không đưa ra kế hoạch trung hạn mà chỉ để kế hoạch hằng năm mà thôi. Để hàng năm có người đến mà báo cáo, xin xỏ, chứ còn bây giờ công khai 5 năm rồi thì chỉ làm có 1 lần là xong, lại còn thông qua Quốc hội phê chuẩn nữa, thì là… thôi! Để làm được cái đó phải vượt qua được chính mình.
Và chiều nào cũng là bị phản ứng, chiều nào cũng đầy thách thức! Kể cả thách thức chính trong bản thân mình. Bản thân mình cũng phải vượt qua được chính mình thì mới làm được đổi mới.
Chỉ có một nguyên nhân, một điều kiện tiên quyết duy nhất để có thể làm được việc này đó là phải có trách nhiệm với đất nước, dân tộc. Phải đặt lợi ích đó lên trên lợi ích của chính ngành mình thì mới làm được, còn nếu lúc nào cũng nghĩ đến việc đem lại các lợi ích phi chính đáng cho ngành mình, cục bộ cho ngành mình, giữ lại quyền lợi xin-cho cho ngành mình thì vô cùng khó khăn, không làm được!
"Ông được yêu hay ghét?"
Nhiệm kỳ này với chính sách cắt giảm đầu tư công, Bộ trưởng cho rằng mình được các lãnh đạo chính quyền địa phương yêu hay ghét?
Nhìn tổng quan thì họ yêu Bộ trưởng, tôi nói có căn cứ. Đến phút này, tất cả các đồng chí lãnh đạo từ Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đến các Sở, ban ngành đều mong muốn Bộ trưởng Bộ KHĐT tiếp tục.
Mặc dù là những người bị “thít” chặt lại, nhưng họ là những cán bộ của Đảng, được lựa chọn, và họ hiểu rằng, với cơ chế này, với điều kiện này của đất nước thì phải làm vậy. Làm thế không chỉ có lợi cho đất nước nói chung mà còn cho chính địa phương họ, vì sẽ không để lại nợ đọng, không để lại những hậu quả kinh tế cho địa phương.
Tôi nghĩ đó là những cán bộ tốt. Tôi rất vui khi lúc đầu tạo ra áp lực rất lớn nhưng đến phút này, mọi người đều chia sẻ, đều yêu quý. Đấy là điều mà tôi rất thanh thản.
"Tôi không ân hận bất cứ điều gì!"
Sau nhiều năm gắn bó với địa phương, với cộng đồng doanh nghiệp và ngành KHĐT, soi lại mình, Bộ trưởng còn thấy tiếc nuối, ân hận điều gì không?
Nhiều kỷ niệm lắm, bởi vì tôi làm lãnh đạo từ rất sớm. Chưa đến 30 tuổi đã lãnh đạo một doanh nghiệp nông nghiệp rất lớn và từ đó đến nay liên tục là người đứng đầu của các cơ quan, tổ chức, hoặc bên Đảng, bên Hội đồng nhân dân, hoặc bên Quốc hội, hoặc là bên Chính phủ. Cho nên có rất nhiều kỷ niệm.
Nhưng có thể nói kỷ niệm lớn nhất trong đời tôi đó là những năm tháng công tác tại tỉnh Lào Cai, nơi tôi đã dốc hết toàn bộ tuổi thanh xuân, trí tuệ, sức lực và tinh thần đổi mới của mình để cùng với tập thể ở đó đưa một tỉnh bị tàn phá hoàn toàn sau chiến tranh và lạc hậu (65% là người dân tộc thiểu số), trở thành một trong những điểm sáng ở vùng Tây Bắc.
Bây giờ mọi người lên Lào Cai có thể thấy, bên cạnh những vùng dân tộc là những đô thị phát triển, giao thoa kinh tế quốc tế và đang có những bước khởi sắc, tăng trưởng rất mạnh.
Với tình cảm của những cán bộ, con người đã từng cộng tác với tôi trên đó, tôi ấn tượng nhất là khi tôi trở về sau nhiều năm đã làm ở Bộ KHĐT, người dân, doanh nghiệp, cán bộ ở đó vẫn đón chào tôi như một người lãnh đạo thân thiết nhất, yêu quý nhất.
Và về Bộ KHĐT cũng vậy, tôi được làm việc với một tập thể rất trí tuệ. Có thể nói, để đổi mới được không chỉ riêng tư tưởng Bộ trưởng mà phải có sự đồng lòng của anh em. Anh em đã đồng lòng, đã sát cánh cùng Bộ trưởng để đổi mới. Đấy là điều mà tôi vui nhất trong cuộc đời của mình và tôi không ân hận bất kỳ điều gì!
Tôi vẫn thường soi lại mình xem mình có vấn đề gì không và đã làm được điều đó chưa? Có lúc nào mình xa rời mục tiêu này và có lúc nào mình chỉ lo cho mình hay không? Tôi cảm thấy tự hào vì mình đã làm được những điều mình muốn.
Trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng đã đặt ra rất nhiều tư tưởng đổi mới, đột phá nhưng mọi việc vẫn đang dở dang. Khi Bộ trưởng kết thúc nhiệm kỳ của mình và một nhiệm kỳ mới bắt đầu, liệu tư tưởng này có được tiếp tục không?
Đổi mới là một sự nghiệp lâu dài, không thể một nhiệm kỳ mà làm hết được. Những người tiếp theo họ sẽ làm tiếp. Tất nhiên là mình cũng không thể nói chắc được là nhiệm kỳ sau sẽ như thế nào vì mình có làm đâu mà nói.
Tôi vẫn tin là Đảng và Nhà nước sẽ sáng suốt chọn ra được những người tiếp tục giương cao ngọn cờ này, nếu như chúng ta đồng tâm thấy ra rằng sự đổi mới đó là tích cực và tốt cho đất nước. Nếu không tốt cho đất nước thì chắc là Quốc hội không thông qua và cũng sẽ không có ai ủng hộ.
Khi sự đổi mới này là đúng thì bất cứ ai trên cương vị Bộ trưởng Bộ KHĐT cũng sẽ làm tiếp, còn nếu lại để trở về với cơ chế cũ, cục bộ, vun vén cá nhân thì người đó không xứng đáng.
Tôi không có quyền chọn lựa người thay thế, còn nếu tôi chọn được thì tôi chắc chắn rằng nhiệm kỳ sau sẽ có thêm nhiều đổi mới hơn nữa. Bây giờ chỉ có một điều chắc chắn là tôi sẽ nghỉ hưu thôi!
(Còn tiếp...)
Theo Dân trí