Theo báo cáo tại Hội nghị, tính đến hết tháng 5/2019, doanh thu của 5 doanh nghiệp lớn (Viettel, VNPT, Mobifone, VTC, VNPost) đạt 37,3%, tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận trước thuế đạt 40,7%, tăng 8,66% so với cùng kỳ năm ngoái. Nộp ngân sách nhà nước đạt 39,3%, tăng 4,3% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp Viettel, VNPT, VNPost vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng trong khi Mobifone và VTC có tốc độ tăng trưởng không bằng năm 2018.
Trong lĩnh vực công nghiệp ICT, tính đến hết tháng 5/2019 doanh thu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này giảm sút so với cùng kỳ năm ngoái do kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện tử, máy tính và linh kiện đều giảm. Đây là mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc bị suy giảm. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu điện thoại, linh kiện điện tử, máy tính và linh kiện cũng giảm lần lượt 11,6% và 9,5%.
Về lĩnh vực Viễn thông, điểm nổi bật trong quý II/2019 là sự kiện ngày 10/5, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Ericsson (Thụy Điển) đã thực hiện kết nối chính thức lần đầu tiên trên mạng di động 5G ở Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu việc Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thử nghiệm thành công sớm nhất mạng 5G trên thế giới.
Về ứng dụng CNTT, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử (CPĐT) Việt Nam, phiên bản 2.0; Ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam; Ban hành tiêu chuẩn kỹ năng cơ bản về CNTT và ATTT (ban hành nội bộ) cho người làm công tác về CNTT .
Lĩnh vực an toàn an - ninh mạng, tính đến ngày 20/5/2019, Cục An toàn thông tin đã ghi nhận tổng số cuộc tấn công mạng nhằm vào các hệ thống thông tin ở Việt Nam là 639 cuộc (trong đó 287 (Phishing), 233 (Deface), 119 (Web Malware). Số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng máy tính ma là 857.927 địa chỉ, giảm 37,57% so với tháng 4/2018.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng Hùng khẳng định tầm quan trọng của các Sở TT&TT trong các hoạt động QLNN của Bộ, là cánh tay nối dài của Bộ tại các địa phương. Để nâng cao vai trò của Sở TT&TT tại địa phương, lãnh đạo Sở hàng năm cần xây dựng kế hoạch hành động cho Sở mình, trong đó có kế hoạch phát triển hạ tầng ICT cho tỉnh, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, CNTT trên địa bàn tỉnh cần tham gia đầu tư và Sở TT&TT đóng vai trò nhạc trưởng, điều phối các hoạt động này.
Bộ trưởng cho biết, hiện nay các tỉnh đều đang có kế hoạch xây dựng thành phố thông minh, do đó, Sở TT&TT cần tích cực tham mưu cho lãnh đạo tỉnh trong lĩnh vực rất mới mẻ này. Nếu cần thử nghiệm, hãy tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, CNTT thử nghiệm ở phạm vi nhỏ, nếu có hiệu quả thì mới đầu tư trên diện rộng, và chỉ chọn doanh nghiệp có năng lực tham gia vào những dự án này.
Trong lĩnh vực viễn thông, các Sở TT&TT cần có kế hoạch xây dựng cầu truyền hình trực tuyến đến cấp xã, đặc biệt là các tỉnh miền núi, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động điều hành của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh đến các cấp chính quyền cấp dưới.
Trong lĩnh vực công nghiệp ICT, cần tăng cường thúc đẩy hoạt động của các khu CNTT tập trung tại những tỉnh có khu CNTT tập trung và cần có định hướng phát triển các doanh nghiệp công nghệ của tỉnh mình.