Chỉ đạo này vừa đượcBộ Tài chính nêu rõ tại công văn gửi các Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chiều 5/1, tức 1 ngày sau khi giá xăng dầu giảm.
Bộ yêu cầu các đơn vị phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng xe ô tô, thường xuyên tổng hợp báo cáo diễn biến tình hình giảm giá cước và kết quả thanh tra, kiểm tra giá cước vận tải bằng ô tô tại địa phương.
Các đơn vị phải kiểm tra việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá cước và việc thu giá cước theo đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp. Trong đó, các Sở cần chú trọng theo dõi sát diễn biến giá xăng, dầu để kiểm tra, yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô rà soát giá nhiên liệu hiện hành với giá nhiên liệu trong phương án kê khai liền kề trước để kê khai lại giá cước vận tải phù hợp với xu hướng giảm giá nhiên liệu.
Nếu phát hiện các trường hợp vi phạm, lợi dụng lượng hành khách tăng cuối năm giáp Tết Bính Thân 2016 để tăng giá ở mức cao mà không thực hiện việc kê khai, niêm yết, các đơn vị cần xử lý nghiêm, công bố công khai danh tính đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Năm 2015, trước xu hướng giảm của giá xăng dầu, nhiều địa phương trong đó có Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản chỉ đạo đơn vị vận tải ô tô kê khai giảm giá cước theo diễn biến giảm của giá xăng, dầu.
Gần đây nhất, giá xăng, dầu trong nước tiếp tục được điều chỉnh giảm lần thứ 6 liên tiếp và là lần đầu tiên của năm 2016. Trong đó xăng Ron 92 giảm 370 đồng/lít và dầu diesel 0,05S giảm 870 đồng/lít nên chắc chắn, sẽ tiếp tục có tác động nhất định đến giá cước vận tải bằng ô tô.
Theo VNN