Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô là một trong những chủ đề được nhiều người quan tâm hiện nay.
Một số ý kiến cho rằng, nếu chiếu theo các cam kết quốc tế, thuế suất thuế nhập khẩu đối với ô tô sẽ giảm, thêm vào đó điều kiện hạ tầng giao thông tại Việt Nam còn hạn chế nên cần nghiên cứu, điều chỉnh tăng các loại phí, thuế khác đối với ô tô, trong đó có thuế TTĐB.
Cũng bởi vậy, dự thảo về thuế suất TTĐB mà Bộ Tài chính đang hoàn thiện, cần phải hết sức cân nhắc khi điều chỉnh giảm thuế đối với ô tô. Nếu như điều chỉnh giảm, sau này cần phải điều chỉnh tăng thì có thể sẽ bị nói là điều hành bị động, không có tính dài hạn.
Mặt khác, cũng có ý kiến cho rằng, hạ thuế nhập khẩu để thực hiện các cam kết quốc tế, thuế TTĐB dự kiến điều chỉnh tăng, đánh thuế cao đối với dòng xe không khuyến khích (dung tích từ 3.000 cm3 trở lên), đối với xe từ 2.000 cm3 trở xuống giữ nguyên thuế suất thuế TTĐB cũng đã có ý nghĩa ưu tiên đối với dòng xe này, cho nên cần phải cân nhắc.
Giải đáp về những lo ngại này, Bộ Tài chính cho biết, việc điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB được thực hiện theo nguyên tắc phân chia thành các nhóm nhỏ hơn quy định tại Luật thuế TTĐB hiện hành, trong đó, Bộ đã tham khảo kinh nghiệm một số nước trong khu vực.
Cụ thể, giảm mức thuế suất thuế TTĐB đối với dòng xe ưu tiên phát triển; đồng thời áp dụng mức thuế suất thuế TTĐB cao và đặc biệt cao đối với các dòng xe đến 9 chỗ có dung tích trên 3,0 lít tiêu hao nhiên liệu, kích thước lớn chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và thu nhập người dân, lượng khí thải ra môi trường lớn và các chủng loại xe đến 9 chỗ có giá trị tuyệt đối lớn.
"Bộ Tài chính đã nghiên cứu, tham khảo quy định của các nước trong ASEAN và đề xuất sửa đổi thuế suất thuế TTĐB như đã báo cáo", Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh này là hoàn toàn phù hợp với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, để khuyến khích phát triển dòng xe ô tô thân thiện môi trường; khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ; tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển thị trường, tăng mức đầu tư để có khả năng cạnh tranh khi hội nhập (năm 2018 thuế nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ trở xuống giảm về mức 0%), mức thuế suất thuế TTĐB sẽ được điều chỉnh như phương án trên.
"Mặt khác, với việc giảm thuế nhập khẩu, mức thuế suất giảm nhiều hơn sẽ góp phần giảm giá xe, thúc đẩy thị trường và giúp người dân có thu nhập khá, trung bình khá mua được xe ô tô, tăng dung lượng thị trường đối với các dòng xe nhỏ đạt mức yêu cầu để đầu tư, sản xuất tại Việt Nam", Bộ Tài chính khẳng định.
Bộ Tài chính cũng cho rằng, mặc dù trong những năm đầu đi vào thực hiện Luật, có thể giảm thu NSNN, nhưng việc điều chỉnh giảm thuế suất thuế TTĐB đối với những dòng xe nhỏ hơn sẽ buộc một số nhà sản xuất phải lựa chọn đầu tư tiếp tục sản xuất, lắp ráp lâu dài tại Việt Nam, từ đó đem lại khả năng đầu tư, sản xuất trong nước từ công nghiệp phụ trợ đến sản xuất động cơ mà không dừng ở mức độ lắp ráp như hiện nay.
Bên cạnh đó, tăng sản lượng xe sẽ tăng tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ liên quan như xăng, dầu, phụ kiện ô tô,... cũng sẽ góp phần làm tăng thu NSNN.
Theo Một thế giới