Theo Vụ hành chính sự nghiệp, đến nay Tòa án nhân dân tối cao đã thương lượng xong số tiền bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) là 7,2 tỉ đồng.
Theo quy định, Bộ Tài chính sẽ giải quyết ngay số tiền bồi thường cho ông Chấn ngay sau khi nhận được hồ sơ của Tòa án nhân dân tối cao.
Cũng theo Bộ Tài chính, theo quy định của Luật Bồi thường nhà nước, về xử lý vụ việc liên quan đến bồi thường oan sai, sẽ có hai khoản là trách nhiệm bồi thường của nhà nước và thu hồi của người làm sai.
Đối với trách nhiệm của nhà nước, ngân sách nhà nước sẽ bồi thường toàn bộ khoản tiền 7,2 tỷ đồng cho ông Chấn. Còn thu hồi của người làm sai, thì căn cứ vào quyết định xử lý bồi thường, cơ quan chức năng sẽ xác định trách nhiệm của người làm sai.
Cụ thể, trường hợp người thi hành công vụ của Tòa án phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội có lỗi cố ý gây ra thiệt hại, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường căn cứ vào mức độ thiệt hại gây ra. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của người đó để quyết định họ sẽ phải hoàn trả một khoản tiền nhất định, nhưng tối đa không quá 36 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả.
Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự.
Từ tháng 10 năm 2013, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết án tù chung thân, nhưng lại được trả tự do sau 10 năm ngồi tù vì có người khác ra đầu thú.
Theo Tuổi trẻ