Trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định cho biết, nhìn lại 5 năm qua mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức và còn nhiều hạn chế, yếu kém nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, chúng ta cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đã đề ra, nhất là: kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; duy trì được tăng trưởng ở mức hợp lý và đạt tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối.
Năm 2015, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6. Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam trong 5 năm tăng 19 bậc. Mức hữu dụng và chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam tăng 36 bậc trong 5 năm 2011 - 2015. Cũng trong nhiệm kỳ qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính. Từ năm 2011 đến nay đã đơn giản hóa 4.471/4.723 thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, ông Định cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, việc tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở nhiều bộ ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn chưa tinh gọn, hiệu quả và còn chồng chéo. "Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo ở một số bộ ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt, chưa sâu sát; đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt mục tiêu đề ra là ngăn chặn, đẩy lùi"-ông Định cho hay.
Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật cho biết: Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực cải cách hành chính, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, như kiện toàn bộ máy hành chính từ trung ương đến cơ sở, nhiều thủ tục hành chính không cần thiết đã được loại bỏ. Tuy nhiên đến nay kết quả cải cách hành chính chưa cao, một số thủ tục trong hoạt động của nhà nước còn phức tạp, rườm rà, chồng chéo, nhiều lĩnh vực vẫn còn tình trạng “xin-cho”. Ông Lý nói: "Bộ máy hành chính nhà nước còn cồng kềnh tạo ra nhiều khe hở, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực; chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa cao gây lãng phí, tốn kém cho xã hội.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Nguyễn Văn Giàu bày tỏ lo lắng khi nông nghiệp 5 năm nay chững lại, sụp giảm rất lớn, thu nhập của người nông dân cũng bị sụp giảm, thị trường giá cả rất bấp bênh không những làm ảnh hưởng đến vấn đề kinh tế mà còn làm ảnh hưởng đến xã hội. Do đó cần chính sách đủ mạnh cho nông nghiệp nông dân, nông thôn. Dẫn chứng năm 2011 có 54 ngàn doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng đến năm 2015 có tới hơn 71 ngàn doanh nghiệp dừng hoạt động, ông Giàu đề nghị làm rõ thêm đây là do tất yếu hay do chính sách chưa theo nhịp sống của nền kinh tế đối với doanh nghiệp?. Theo ông Giàu, xã hội đang bức xúc về tham nhũng, lãng phí. Một số tờ báo thông tin doanh nghiệp nói sợ nhất chi phí "gầm bàn". “Bây giờ đang thu hút làn sóng đầu tư mới mà cứ để cho người ta nói như thế làm giảm đi sức hút đầu tư của chúng ta"-ông Giàu bày tỏ.
Nhìn nhận khoảng cách giàu, nghèo tăng cao là đáng báo động gây bất ổn cho xã hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước đề nghị làm rõ tại sao lại như vậy?. Rồi ông đưa ra dẫn chứng: "Chúng ta nói xóa đói giảm nghèo, nhưng nghèo của ta là nghèo cùng cực. Hàng năm Nhà nước phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng và hàng trăm tấn gạo để cứu đói, nếu không có vai trò của Nhà nước là dân lại khó khăn, không sống được". Từ đó ông đề nghị, Chính phủ cần phải giải quyết ngay trong nhiệm kỳ tới.
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Chúng tôi xin trân trọng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội và hứa sẽ xử lý những bất cập, giải quyết trong nhiệm kỳ tới đảm bảo tinh thần chúng ta không bị thua trên sân nhà khi hội nhập.
Theo Lao Động