Như Ngọc (Lê Chi Na thủ vai) bị chồng bạo hành tàn tệ ngay trong chính tổ ấm gia đình (ảnh minh họa) |
Đây là nội dung chính trong báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019. Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới hoàn thành điều tra lần thứ hai về bạo lực phụ nữ. Báo cáo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) phối hợp Tổng cục Thống kê (GSO - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện, với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Đại sứ quán Australia tại Việt Nam.
Điều tra hướng tới cung cấp bức tranh toàn diện và cung cấp các số liệu cập nhật về vấn đề này. Đặc biệt, dự án sử dụng phương pháp điều tra đa quốc gia về tình hình sức khỏe của phụ nữ và bạo lực gia đình của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Mục đích của Điều tra giúp hiểu hơn về những điều đã thay đổi và chưa thay đổi kể từ cuộc điều tra lần thứ nhất vào năm 2010, cũng như những việc cần phải thực hiện nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam.
Tỷ lệ cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 người bị bạo lực
Theo số liệu báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019 do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng Tổng cục Thống kê thực hiện, cứ 3 phụ nữ Việt Nam thì có gần 2 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo hành thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như hành vi kiểm soát do chồng gây ra trong cuộc đời. Có gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua).
Trừ bạo lực tình dục, tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ do chồng gây ra năm 2019 thấp hơn so với năm 2010. Cụ thể, phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác trong đời năm 2019 (26,1%) ít hơn so với năm 2010 (31,5%). Điều này rõ ràng hơn với nhóm phụ nữ trẻ.
Cũng theo báo cáo, tỷ lệ phụ nữ bị chồng bạo lực tình dục trong đời năm 2019 (13,3%) cao hơn so với năm 2010 (9,9%) và thể hiện ở nhóm phụ nữ trẻ ở độ tuổi từ 18 tuổi đến 24 tuổi (13,9% năm 2019 so với 5,3% năm 2010).
Mặc dù điều này phản ánh sự gia tăng của tình trạng bạo lực nhưng cũng có thể là kết quả của sự thay đổi xã hội mà ở đó phụ nữ cởi mở hơn khi nói về chủ đề tình dục và bạo lực tình dục.
Đối với phụ nữ khuyết tật, các hình thức bạo lực do chồng gây ra cao hơn so với phụ nữ không bị khuyết tật; có 4,4% phụ nữ được phỏng vấn cho biết họ đã bị lạm dụng tình dục trước tuổi 15 tuổi.
Về đối tượng bạo hành, phụ nữ ở Việt Nam bị chồng bạo lực nhiều hơn so với việc bị người khác bạo lực. Cụ thể, cứ 10 phụ nữ thì có 1 người (11,4%) trải qua bạo lực thể xác từ khi 15 tuổi do người khác gây ra. Khi phụ nữ bị bạo lực thể xác do người khác không phải là chồng gây ra, người gây bạo lực chủ yếu là thành viên nam trong gia đình là 60,6%.
Trong khi đó, một nửa phụ nữ được phỏng vấn bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. Hầu hết phụ nữ (90,4%) bị bạo lực thể xác, tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.
Nhóm phụ nữ trẻ tuổi dám lên tiếng
Theo Bộ LĐ-TB&XH, cuộc điều tra được thực hiện nhằm mục đích tìm hiểu rõ hơn về những điều đã thay đổi và chưa thay đổi kể từ cuộc điều tra lần thứ nhất vào năm 2010, cũng như những việc cần phải thực hiện nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam. Nhất là thể hiện cam kết của Việt Nam và các đối tác trong việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, dựa trên những tiến bộ đạt được trong những năm gần đây.
Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - phát biểu tại buổi công bố (ảnh Minh Châu)
|
Cuộc điều tra được thực hiện gồm 3 phần: nghiên cứu định lượng, nghiên cứu định tính và nghiên cứu về thiệt hại kinh tế do bạo lực đối với phụ nữ. Gần 6.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 64 tuổi được phỏng vấn và kết quả cho thấy ở Việt Nam hầu hết bạo lực đối với phụ nữ thường do chồng gây ra.
Kết quả điều tra cũng chỉ ra thực trạng là ngoại trừ bạo lực tình dục, tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ ở tất cả các hình thức năm 2019 đều thấp hơn so với năm 2010 và sự thay đổi tích cực này đang diễn ra ở nhóm phụ nữ trẻ. Không những vậy, kết quả điều tra cho thấy bạo lực đối với phụ nữ đang gây thiệt hại về kinh tế cho Việt Nam ước khoảng 1,8% GDP năm 2018.
Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - cho biết, sau gần 10 năm kể từ cuộc điều tra lần thứ nhất, các kết quả thu được cho thấy cả những thay đổi tích cực và những tồn tại hạn chế. Thay đổi tích cực đang diễn ra rõ nét ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi, họ không cam chịu và mạnh mẽ hơn trong đấu tranh với bạo lực.
Bà Hà cũng cho rằng, những người có trình độ học vấn cao có tỷ lệ bị bạo lực cũng thấp hơn và điều này cho thấy học vấn có ý nghĩa rất quan trọng, giúp phụ nữ tự tin hơn, mạnh mẽ và độc lập hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ vẫn có nguy cơ cao bị bạo lực. Tình trạng bạo lực với phụ nữ vẫn được che giấu do định kiến giới còn khá phổ biến trong xã hội.