Bộ phim được dàn dựng từ một cuộc đời có thật của hình mẫu gửi gắm trong nhân vật chính Như Ngọc (Lê Chi Na thủ vai) với đời sống mang đậm dấu ấn của bạo lực gia đình. Bức tranh toàn cảnh về những khoản khắc bạo lực gia đình được phác họa từ cuộc sống của nhân vật chính.
Bác Hưng lúc chưa lấy được mẹ Vân ngọt ngào, đầm ấm như cha, khi cưới được mẹ rồi thì gia trưởng và cực kì ích kỷ, “chồng chúa vợ tôi, con cái là người phục vụ”.
Cô bé Như Ngọc (do bé Minh Ánh thủ vai) mồ côi cha từ sớm, hàng ngày thấy mẹ mình sống nhẫn nhịn, vì người chồng sau mà hy sinh cả tình cảm với con riêng. Sau này lớn lên, Như Ngọc vô tình lặp lại chính những tính cách đó, trở thành hình mẫu của mẹ, nhẫn nhịn hơn, đau khổ hơn trong hôn nhân khi bị bị bạo hành từ tinh thần đến thể xác.
Tuổi thơ sớm "bầm dập" của cô bé Như Ngọc
|
Lớn lên, Như Ngọc kết hôn với Huy (Nguyễn Quang Sự thủ vai), người chồng vốn là một nghệ sĩ chơi nhạc, kiêm thầy giáo dạy nhạc. Những tưởng sẽ bước vào một khung cảnh thơ mộng, nhưng thật bất ngờ, người chồng nghệ sĩ lại chính là hung thần trong gia đình nhỏ.
Sau đêm tân hôn, Ngọc nhận ra ngay đây là một con người khác, xa lạ với con người mà Ngọc từng yêu, lãng mạn và hiểu biết. Huy lấy cớ từng bị tai nạn ở đầu nên không kiểm soát được cơn giận và khi say, liên tục đánh Ngọc và sỉ nhục cô khi ghen tuông bóng gió.
Đời sống ở miền Bắc bế tắc, Ngọc không muốn mẹ và cha dượng đau lòng vì lựa chọn sai lầm của mình nên bỏ vào Nam. Huy cũng theo cô vào Nam và hai người quyết tâm làm lại ở nơi xa lạ, nhưng ấm tình người nơi xóm trọ nhập cư.
Tuy nhiên, Huy mặc cảm ăn không ngồi rồi để vợ lo, cả ngày chì chiết Ngọc. Không có việc làm còn ăn nhậu bê tha, một lần còn kiếm cớ ghen tuông vì Ngọc đi làm về trễ, Huy đánh Ngọc. Đau khổ đến tận cùng, Ngọc định bỏ chồng nhưng lại phát hiện mình có thai.
Cảnh bạo hành đẫm nước mắt, những trận đòn không thể tưởng tượng được chính bởi người chồng thân yêu
|
Huy quay sang năn nỉ, “anh sẽ thay đổi vì con”, trước sự ngọt ngào và luôn tìm ra điểm yếu trong Ngọc là sự nhún nhường – lấy yêu thương xoa dịu mọi đau đớn nên Huy đã thắng.
Trước tình thế này, Ngọc không thể hiểu được rằng, cô đang sống không hề vì con, bởi đứa bé phải bị chịu cảnh bạo hành từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Huy đánh Ngọc đến mức phải sinh non vì nhiều lý do vô cùng “chính đáng” và hành hạ Ngọc cả thể xác lẫn tinh thần…
Câu chuyện phim muốn nói lên thông điệp mạnh mẽ rằng, nạn bạo hành trong gia đình là vấn đề phải được loại bỏ. Bởi dù là nạn nhân hay là người gây ra bạo hành đều khốn khổ và không lối thoát.
Qua câu chuyện xúc động về một nhân vật nữ Như Ngọc, “Sống gượng” chuyển tải thông điệp mạnh mẽ đến người xem: Ngoài lòng thương yêu, sự kiềm chế cảm xúc bản thân để gia đình được êm ấm, thì hơn hết, giá trị bình đẳng trong gia đình và quyền được sống đúng với phẩm giá của người phụ nữ cần được coi trọng. Nếu là nạn nhân của bạo hành, họ cần đứng lên khi mọi sự “cam chịu”,“nhẫn nhịn” không đem lại kết quả.