Những ngày qua, các trang báo mạng, tạp chí đồng loạt phản ánh về quyết định đổi tên trạm thu phí BOT thành “trạm thu giá BOT”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là hình thức đánh trao khái niệm, lách luật để BGTVT, DN có quyền tự quyết mức thu phí BOT.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình.
Theo đó, Bộ GTVT lý giải, giai đoạn trước 1/1/2017, căn cứ theo Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 của UBTVQH và Thông tư 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính, “phí sử dụng đường bộ” nằm trong danh mục phí, lệ phí.
Tuy nhiên, từ 1/1/2017 đến nay, QH đã ban hành Luật Phí và Lệ phí có hiệu lực từ 1/1/2017, thì danh mục chuyển từ phí sang giá dịch vụ, cụ thể “phí sử dụng đường bộ”sẽ được chuyển thành “giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh”.
Vì vậy, Bộ GTVT cho rằng kể từ 1/1/2017, dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh được thực hiện quản lý theo cơ chế giá là phù hợp với Luật phí và Lệ phí, Luật giá và Nghị định số 149/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Bộ này cho biết thêm, tại Thông tư 49/2016/TT-BGTVT quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, “trạm thu giá” được giải thích là nơi thực hiện việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ của phương tiện tham gia giao thông đường bộ, được xây dựng theo quy hoạch hoặc dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, một số NĐT sử dụng tên gọi tắt là “Trạm thu giá” tạo ra những ý kiến trái chiều trong dư luận thời gian qua.
Bộ GTVT khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến của người dân, các cơ quan báo chí và yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để sử dụng tên gọi cho phù hợp.
Trước đó, tại kỳ họp quốc hội thứ 5, khóa XIV, nhiều đại biểu đã bày tỏ ý kiến với báo chí về quyết định chuyển “trạm thu phí BOT” sang “trạm thu giá BOT” của BGTVT. Đại biểu Dương Trung Quốc đoàn Đồng Nai cho rằng, đường BOT không phải sở hữu của nhà đầu tư nên thu phí là hợp lý, chứ không thể thu giá. “Ở đây thực chất doanh nghiệp đóng góp "cổ phần" giá trị con đường chứ không phải chủ sở hữu nên không thể thu giá được. Họ không thể bán cái mình không có, mà chỉ có thể thu tỷ lệ nào đó theo thời gian xác định" – ông Quốc nói. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm UBKTQH lại cho rằng, việc chuyển từ phí sang giá một số dịch vụ đã được quy định trong luật. Những dịch vụ nào không nằm trong danh mục phí sẽ được chuyển sang thu giá. “Có thể luật chưa bao quát hết các vấn đề xã hội nhưng ít nhất cũng "phủ" được 85-90%. Theo tôi, chúng ta nên tôn trọng thực tiễn, cam kết của Chính phủ. Ở đây hai bên cùng có lợi chứ không phải một bên nào” – ông Nguyễn Đức Kiên nói. |