Về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ GTVT cho biết dự án này được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Trung Quốc (theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008).
Theo đó, Tổng thầu EPC (thiết kế, mua sắm và xây dựng) được chỉ định ngay trong Hiệp định là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Trung Quốc.
Tư vấn giám sát được tổ chức đấu thầu, đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.
Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án chậm, tăng tổng mức đầu tư do nhiều nguyên nhân.
Theo Bộ GTVT, nguyên nhân chủ quan có thể kể đến gồm: Thiết kế cơ sở ban đầu còn sơ sài, chưa lường hết được quy mô, tính chất, công năng, nên phải điều chỉnh tại bước thiết kế kỹ thuật. Chờ nhà tài trợ phê duyệt hợp đồng, cấp hiệu lực cho Hiệp định vay vốn bổ sung kéo dài.
Bên cạnh đó, ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) là cơ quan quản lý, cung cấp vốn vay không thiết lập đại diện thường trú tại Việt Nam, ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành cấp vốn thực hiện dự án.
Tổng thầu EPC chưa có kinh nghiệm trong triển khai thực hiện dự án tổng thể theo hình thức hợp đồng EPC, đồng thời chưa thực hiện theo đúng cam kết về tiến độ. Cách thức triển khai thực hiện dự án ở mỗi nước có sự khác biệt, đặc biệt là cách thức lập hồ sơ thiết kế, hồ sơ nghiệm thu thanh toán.
Ngoài ra, công tác giải ngân của Hiệp định vay bổ sung gặp nhiều vướng mắc, do các bên chưa thống nhất được ý kiến pháp lý…
Về nguyên nhân khách quan, Bộ GTVT cho rằng công tác giải phóng mặt bằng tại trung tâm TP. Hà Nội rất chậm và phức tạp, không đáp ứng được yêu cầu của công tác khảo sát thiết kế kỹ thuật. Thêm vào đó là các yếu tố khác biệt về quy định giữa 2 quốc gia và các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm trong bước thiết kế, thi công và dự toán gây khó khăn trong công tác điều hành, tổ chức thực hiện.
Hệ thống quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam về thực hiện hợp đồng EPC chưa đầy đủ, đồng bộ, đặc biệt là quy định về tính trọn gói giữa các yếu tố kỹ thuật, tài chính, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án.
Về trách nhiệm của các bên liên quan, theo Bộ GTVT, việc chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư ngoài trách nhiệm chính thuộc phía Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu) thì Ban Quản lý dự án đường sắt là đại diện chủ đầu tư chịu trách nhiệm trực tiếp trong công tác quản lý, điều hành, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán.
Bộ GTVT, các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT chịu trách nhiệm là cơ quan chủ quản, phê duyệt Dự án. UBND TP Hà Nội (chủ đầu tư hợp phần giải phóng mặt bằng) chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng.
Trao đổi về thời gian hoàn thành dự án, Bộ GTVT cho biết, thời gian qua, mặc dù Bộ GTVT và các bên liên quan đã quyết liệt chỉ đạo nhưng dự án vẫn triển khai rất chậm, đến nay dự án vẫn chưa thể hoàn thành và có nguy cơ kéo dài do Tổng thầu vẫn chưa nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GTVT.
Các khó khăn vướng mắc đã được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Trung Quốc để hỗ trợ chỉ đạo và có các giải pháp giải quyết các công việc còn lại trong thời gian tới nhằm đưa dự án vào vận hành khai thác trong thời gian sớm nhất.
Tạm đình chỉ công tác Giám đốc BQL dự án cao tốc Quảng Nam - Đà Nẵng Đối với dự án cao tốc Quảng Nam - Đà Nẵng, sau hơn 1 năm đưa vào khai thác 65 km đầu tuyến (từ ngày 2/8/2017), khoảng cuối tháng 9/2018 xuất hiện một số hư hỏng cục bộ lớp bê tông nhựa tạo nhám dày 3 cm tại một số vị trí với tổng diện tích hư hỏng khoảng 70 m2/3,1 triệu m2. Bộ GTVT cho biết toàn bộ các hư hỏng nêu trên xảy ra trong thời gian bảo hành công trình, nhà thầu thi công chịu trách nhiệm bảo hành công trình theo quy định của hợp đồng và đã khắc phục xong trong năm 2018. Đối với các hư hỏng mặt đường xảy ra tại thời điểm tháng 9/2018, ngay sau khi để xảy ra hư hỏng mặt đường như báo chí phản ánh, chủ đầu tư dự án đã tiến hành xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan: Tạm đình chỉ công tác Giám đốc Ban Quản lý dự án; cảnh cáo một số cá nhân, tập thể liên quan… |