Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, từ năm 2011 đến nay, Bộ GTVT đã chỉ đạo rà soát 68 dự án, tiết giảm so với tổng mức vốn đầu tư dự kiến ban đầu khoảng 57.242 tỷ đồng.
Cụ thể: Rà soát phân kỳ thời gian đầu tư ước tính giảm kinh phí khoảng 13.463 tỷ đồng; Rà soát phân kỳ quy mô đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật ước giảm khoảng 16.245 tỷ đồng.
Kiểm định, gia cường để kéo dài thời hạn khai thác của các cầu ước tính giảm khoảng 1.658 tỷ đồng; Rà soát lựa chọn các giải pháp thiết kế hợp lý, tiết kiệm ước tính giảm khoảng 15.942 tỷ đồng.
Đặc biệt, thông qua việc đẩy nhanh tiến độ GPMB, tiến độ thi công do đó tiết kiệm được các kinh phí GPMB, tiết kiệm chi phí dự phòng trượt giá do rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm chi phí lãi vay đối với các dự án BOT, tiết kiệm 5% dự toán đối với các dự án QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên sử dụng vốn TPCP ước tính giảm khoảng 9.934 tỷ đồng.
Nhiều biện pháp để tiết giảm chi tiêu công
Thời gian qua, thực hiện việc tiết giảm chi phí đầu tư công, Bộ Giao thông đã có nhiều biện pháp để hạn chế chi tiêu từ ngân sách. Cụ thể, trong năm 2014, bằng việc yêu cầu lãnh đạo, nhân viên đi máy bay giá rẻ, Bộ Giao thông vận tải đã tiết kiệm được hơn 1,7 tỷ đồng.
Còn theo báo cáo công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được gửi đến phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế Quốc hội hồi tháng 4 vừa qua, Bộ GTVT cho biết, trong năm 2014, Bộ tiết kiệm 10% kinh phí chi thường xuyên, các đơn vị thuộc Bộ đã tiết kiệm 4,5 tỷ đồng.
Kết quả tiết giảm chi phí đạt 690,12 tỷ đồng, vượt 26,3% so với kế hoạch đăng kí năm 2014. Trong quý 1 năm 2015, Bộ GTVT đã triển khai 12 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính và chuyên ngành và đôn đốc thực hiện 9 kết luật thanh tra thu hồi về ngân sách gần 4 tỷ đồng..../.
Theo Infonet