“Vỡ trận” kỳ thi 2 trong 1
Chiều 18/12/2014, Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố dự thảo Quy chế thi THPT Quốc gia và Quy chế tuyển sinh năm 2015. Theo đó, lần đầu tiên áp dụng một kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu để các cơ sở giáo dục đại học sử dụng trong tuyển sinh.
Biển người xin rút nộp hồ sơ xét tuyển. Có nhiều người đã khóc vì lo lắng trong kỳ thi này |
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn tối thiểu), gồm 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ) và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn thi còn lại. Những thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ, ngoài 4 môn thi tối thiểu, phải dự thi thêm các môn phù hợp với khối thi do trường ĐH, CĐ quy định.
Mỗi thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi (có mã vạch để nhận dạng từng đợt xét tuyển) và đóng dấu của trường ĐH chủ trì cụm thi. Thí sinh dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng ký xét tuyển tối đa 4 đợt (mỗi đợt trong thời gian 20 ngày). Mỗi đợt xét tuyển thí sinh chỉ được phép sử dụng một giấy với mã vạch tương ứng nhưng có thể đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào 4 ngành của một trường. Đồng nghĩa với việc, mỗi thí sinh có tối đa 16 nguyện vọng.
Thí sinh khi biết điểm và điểm đủ tiêu chuẩn có quyền nộp 4 khoa / trường/ nguyện vọng 1, 12 khoa/3 trường/ nguyện vọng 2... Tiếp đó là các trường phải luôn cập nhật danh sách đăng ký xét tuyển 3 ngày/ lần để thí sinh nắm rõ được vị trí của mình, khả năng có thể đỗ của mình như Bộ đã đưa ra trước đó.
Việc Bộ GDĐT quyết định thay đổi phương thức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ khi các trường đang chuẩn bị kết thúc học kỳ I khiến cả giáo viên, phụ huynh và học sinh rơi vào thế bị động khi chỉ còn quá ít thời gian để thích ứng và chuẩn bị, thậm chí còn có phần thiệt thòi cho không ít thí sinh khi rất nhiều trường ĐH, CĐ có thêm điều kiện xét tuyển học bạ của cả 3 năm THPT.
Mặc dù được đánh giá là một kỳ thi thành công nhưng việc tổ chức xét tuyển ĐH, CĐ của Bộ GDĐT lại đem đến cảm giác rối rắm, thiếu khoa học, tạo áp lực cho phụ huynh lẫn thí sinh.
PGS Văn Như Cương nhận định, cách làm này không có bất cứ một ưu điểm nào hết. Thí sinh không hề được định hướng rõ ràng như vẫn nghĩ mà đang lao vào "cuộc chơi đỏ đen", không khác gì đánh bạc hay chơi chứng khoán.
Số lượng lớn thí sinh phải chạy đua trong vòng 20 ngày luôn trong tâm trạng thấp thỏm và lo sợ. Các em không có thời gian nghĩ đến những khoa ngành mà mình thích mà cố gắng làm sao để đỗ được đại học.
Việc để thí sinh đăng ký tới 4 ngành trong một trường, được thay đổi nguyện vọng trong 20 ngày là không hợp lý, tạo ra sự căng thẳng cho thí sinh, phụ huynh. Báo cáo cho thấy, có gần 43.000 thí sinh cả nước đã thay đổi nguyện vọng, tập trung ở khoảng 30 trường đại học.
Nhiều người phải đi lại, chờ chực tại các trường đại học gây nên sự tốn kém, phiền hà, nhiều thí sinh điểm cao nhưng vẫn bị trượt. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận: "Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó có phần trách nhiệm lớn của Bộ Giáo dục là chưa cân nhắc hết tính phức tạp và hiệu ứng ngược của những giải pháp. Thay mặt Bộ, tôi xin nhận trách nhiệm về việc này".
Giáo viên “kêu trời” với Thông tư 30
Ngày 28/8/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 30 (có hiệu lực từ 15/10/2014) quy định cách đánh giá học sinh tiểu học. Thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ nhận xét định tính hoặc định lượng kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học.
Sổ sách chồng đống khiến giáo viên tiểu học kêu khóc suốt một năm học đầu tiên |
Hàng tháng, cuối kỳ học, cuối năm học, giáo viên ghi nhận xét đáng chú ý nhất vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục về mức độ hoàn thành nội dung học tập từng môn, hoạt động giáo dục khác. Trong đó, giáo viên dự kiến và áp dụng biện pháp cụ thể, riêng biệt giúp đỡ học sinh vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ...
Tiếp đó là công văn hướng dẫn việc thực hiện Thông tư 30, yêu cầu giáo viên phải quan tâm đánh giá tất cả học sinh, không được “quên” em nào, nhưng khi viết nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục không bắt buộc phải ghi nhận xét tất cả học sinh hàng tháng; không lạm dụng việc dùng các câu nhận xét có mẫu vì không phù hợp với các học sinh khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau.
Ngay sau khi áp dụng, Thông tư 30 đã khiến các giáo viên tiểu học “ngập đầu” trong áp lực về sổ sách, nhận xét. Nhiều giáo viên cho biết, họ không còn thời gian để làm bất cứ việc gì ngoài lên lớp giảng bài và ôm vở học sinh để nhận xét, thậm chí phải thức thâu đêm suốt sáng để “đối phó” với các loại sổ sách.
Sau Thông tư 30 là kéo theo hàng loạt công văn của Bộ GDĐT về chỉ đạo đánh giá định kỳ rồi hướng dẫn tổng hợp đánh giá, khen thưởng học sinh tiểu học theo thông tư 30 bởi ngay cả hiệu trưởng các trường cũng lúng túng như gà mắc tóc vì không biết phải thực hiện như thế nào.
Theo bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng quốc hội, do Bộ GDĐT chưa có sự chuẩn bị chu đáo, chưa lấy ý kiến rộng rãi trong dân nên sự đánh giá không bằng điểm của giáo viên còn lúng túng, nhận xét cảm tính.
“Loạn” tuyển sinh lớp 6
Chiều 17/3/2015, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển ký công văn gửi các Sở GDĐT chỉ đạo về việc không tổ chức thi tuyển vào lớp 6, áp dụng cho tất cả các trường, bao gồm cả công lập và ngoài công lập nhằm bảo đảm giáo dục toàn diện, khắc phục việc dạy học quá tải ở tiểu học.
Việc thay đổi chóng mặt về thi hay không thi đầu cấp 2 đã khiến người dân hoang mang |
Sau khi có công văn của Bộ, các trường tiểu học, THCS tại Hà Nội rơi vào tình trạng rối loạn khi Sở GDĐT liên tiếp có các văn bản chỉ đạo trái ngược nhau. Tối 17/4/2015, Sở GDĐT Hà Nội có văn bản hỏa tốc gửi UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Phòng Giáo dục, các trường THCS trên địa bàn chỉ đạo việc tuyển sinh lớp 6 năm học 2015-2016 nêu rõ: "Yêu cầu tất cả các trường THCS trên địa bàn tuyển sinh vào lớp 6 theo phương thức xét tuyển. Tuyệt đối không được tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6".
Trong khi một ngày trước đó (16/4), Phó Giám đốc Sở GDĐT Phạm Văn Đại cho biết đã thống nhất cho phép 3 trường THCS Nguyễn Tất Thành, Mari Curie, Lương Thế Vinh được tuyển sinh lớp 6 theo hình thức xét tuyển kết hợp với đánh giá năng lực học sinh bằng bài đo chỉ số IQ, EQ... 3 trường còn lại là THCS Nguyễn Siêu, THCS chuyên Hà Nội-Amsterdam, THCS Cầu Giấy chỉ được xét tuyển đầu vào lớp 6.
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THCS Lương Thế Vinh nhận xét, ở Hà Nội chỉ có một số trường thường xuyên tuyển sinh vào lớp 6 như THCS chuyên Hà Nội - Amsterdam, THCS Cầu Giấy... và các trường dân lập.
Với trường công tuyển sinh theo quy định tuyến, việc không thi đầu vào lớp 6 vẫn ổn cho nhà trường. Tuy nhiên, trường dân lập không theo quy định đó và tuyển sinh trên phạm vi cả nước, thậm chí cả học sinh nước ngoài dẫn tới nếu không thi tuyển sẽ rất khó để chọn học sinh. Việc tuyển sinh lớp 6 bằng xét học bạ, theo thầy Cương cũng không khả thi vì bậc tiểu học hiện không chấm điểm nữa.
Điều này khiến quy định cấm thi tuyển lớp 6 là tiêu cực có thể xảy ra. Trước đây, điểm thi của học sinh được công khai và khi trường thông báo danh sách trúng tuyển, nếu có sai sót gì phụ huynh, học sinh đều biết để khiếu nại: "Bây giờ không thi, cứ làm tù mù thì có người sẽ đi đêm, chạy chọt để con được vào trường tốt. Như vậy sẽ gây phản cảm, bức xúc trong nhân dân và điều đó mới là cái gay nhất của quy định này” - PGS Văn Như Cương cho biết.
Chỉ trích dữ dội trước thông tin tích hợp môn Lịch sử
Trong những ngày gần đây, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến việc Bộ GDĐT công bố Dự thảo “Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể” có đề cập đến việc tích hợp nội dung môn Lịch sử vào môn học mới có tên “Công dân với Tổ quốc”. Nhiều ý kiến lo ngại, vị thế môn Lịch sử có thể bị giảm bớt trong hệ thống giáo dục phổ thông.
Học sinh quay lưng với lịch sử hay quay lưng với cách dạy – học môn Lịch sử? |
Nhiều giáo sư đầu ngành đã lên tiếng, cảnh báo về những hệ lụy nếu môn Lịch sử bị “xóa sổ” trong chương trình giáo dục. GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định, dù Bộ GDĐT có giải thích thế nào thì trên thực tế, việc tích hợp môn lịch sử với giáo dục công dân và an ninh quốc phòng thành môn công dân với Tổ quốc cũng đã “khai tử”, xóa bỏ môn lịch sử.
GS Trần Thị Vinh, Khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc lắp ghép môn lịch sử như một phân môn trong môn công dân với Tổ quốc là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử giáo dục Việt Nam và thế giới.
Sau những tranh cãi gay gắt, Bộ GDĐT đã phải cùng Hội Khoa học Lịch sử thống nhất: lịch sử có vai trò quan trọng trong chương trình phổ thông và là nội dung bắt buộc với tất cả học sinh từ tiểu học đến THPT.
Lắt léo trong “đóng – mở” đào tạo ngành y dược
Ngày 19/11/2015, Bộ GDĐT ra quyết định cho phép Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được phép đào tạo Y đa khoa, Dược học trình độ đại học.
Quyết định này gây nhiều tranh cãi bởi một năm trước đó hai bộ Y tế, Giáo dục đã thống nhất tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ ĐH các ngành Y đa khoa, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền và trình độ ĐH, CĐ đối với ngành Dược học tại các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành Y dược.
Với 80 tỷ đồng đầu tư cho 2 khoa Y và Dược, trường Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội đã gặp phải sự chỉ trích, phản đối kịch liệt của dư luận và những bác sĩ trong nghề |
Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về đội ngũ bác sĩ đào tạo ở trường ngoài công lập khi ngưỡng đầu vào nhiều năm qua ở những trường này còn ở mức thấp, một số trường chỉ xấp xỉ, thậm chí dưới mức điểm sàn.
Ngày 2/12/2015, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ GDĐT và Bộ Y tế về việc ĐH Kinh doanh và Công nghệ mở ngành Y, Dược. Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, việc đào tạo và cho phép mở ngành đào tạo nhân lực ngành Y tế nói chung, đào tạo Bác sĩ, Dược sĩ nói riêng cần đặt chất lượng đào tạo là yêu cầu, tiêu chí hàng đầu.
Chính vì thế, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GDĐT thống nhất với Bộ Y tế khẩn trương ban hành văn bản quy định tiêu chí, điều kiện mở ngành, tuyển sinh đào tạo Y khoa, Dược học phù hợp với đặc thù và đảm bảo yêu cầu chất lượng nhân lực ngành Y tế.
Về việc của trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ, Phó thủ tướng chỉ đạo: Bộ Y tế phối hợp với Bộ GDĐT kiểm tra việc Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ thực hiện các yêu cầu, đảm bảo các điều kiện cần thiết theo đúng kết luận tại Biên bản của Đoàn thẩm định (liên ngành Giáo dục và Đào tạo - Y tế tổ chức trước khi Bộ GDĐT quyết định cho phép Trường mở ngành).
Bộ GDĐT chỉ cho phép Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ được tuyển sinh đào tạo Y khoa, Dược học khi Trường đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện.
Theo Infonet
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu