Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT – với VietTimes về việc Bộ GDĐT tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK), sử dụng vốn vay khoảng 16 triệu USD (gần 400 tỷ đồng) của Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB), đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội thời gian gần đây.
Đảm bảo liên thông kiến thức
- Một trong số các yêu cầu đổi mới được cụ thể theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông (NQ88) là việc đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; khắc phục tình trạng quá tải; tăng cường thực hành và gắn với thực tiễn cuộc sống. Thực tế triển khai chương trình SGK mới có đáp ứng tốt yêu cầu này không, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Lật lại lịch sử, tính từ chương trình của cải cách giáo dục năm 1981, chương trình đầu tiên được áp dụng trên phạm vi toàn quốc, đến năm 2000 Việt Nam mới thực hiện đổi mới tổng thể cả chương trình và SGK, bắt đầu xây dựng chương trình theo Nghị quyết 40 của Quốc hội khóa VIII, được triển khai vào năm 2002 và tổng hợp, hoàn thiện vào năm 2006 và chương trình này được thực hiện đến nay.
Trong lần đổi mới chương trình SGK này, Bộ GD&ĐT đã tổ chức nghiên cứu tổng kết đánh giá ưu điểm và hạn chế, bất cập của chương trình – SGK hiện hành, chỉ rõ nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm để vận dụng trong tổ chức xây dựng chương trình, tổ chức biên soạn SGK mới theo NQ88. Bộ đồng thời nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các nước để việc xây dựng chương trình - SGK không chỉ phù hợp với thực tế Việt Nam mà còn phù hợp và tiếp cận xu hướng của thế giới.
Bộ GD&ĐT nhận thấy chương trình hiện hành chưa đặt ra vấn đề phát triển phẩm chất, năng lực, nên có nhiều điểm còn bất cập. Lượng kiến thức yêu cầu trong chương trình còn lớn, sự liên thông giữa nội dung các môn học còn hạn chế, nhiều mạch nội dung kiến thức của từng môn có sự giao thoa. Theo logic nội dung ấy, chương trình có nhiều điểm chưa sát với thực tế, chưa tạo thuận lợi cho giáo viên tổ chức các phương pháp dạy học tích cực và tăng cường năng lực cho học sinh.
Khắc phục những hạn chế trên của chương trình - SGK hiện hành, việc đổi mới chương trình – SGK theo NQ88 được thực hiện bài bản, khoa học. Theo đó, chương trình được xây dựng từ tổng thể, đến chương trình của từng môn học/hoạt động giáo dục, của tất cả các lớp. Các nội dung kiến thức được đảm bảo liên thông giữa các môn học và từng lớp học. Chương trình tính toán kĩ lưỡng các yêu cầu về năng lực, phẩm chất mà học sinh cần đạt được, theo từng lớp học, từng cấp học; mô tả cụ thể biểu hiện của từng năng lực/phẩm chất đó.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam đổi mới chương trình - SGK theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho người học; chương trình là gốc, sử dụng thống nhất trong cả nước, SGK là tài liệu cụ thể hóa chương trình và có một số SGK cho mỗi môn học.
Để đảm bảo thực hiện thành các công việc này, Bộ GD&ĐT đã rất cẩn trọng trong triển khai bài bản, khoa học, từng khâu của lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông. Quá trình thực hiện có nhiều khó khăn, thời hạn triển khai bị chậm so với yêu cầu của NQ88 và đã được Quốc hội cho phép điều chỉnh lộ trình triển khai tại Nghị quyết số 51/2017/QH14.
- Thưa ông, cùng với việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông, một trong những yêu cầu quan trọng tại NQ88 của Quốc hội là “để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK”. Xin ông cho biết cụ thể thực tế triển khai việc này?
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Tinh thần NQ88 là khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia biên soạn SGK. Trong bối cảnh Việt Nam lúc đó, muốn xã hội hóa SGK thì phải có nhiều nhà xuất bản (NXB) được phép xuất bản SGK. Vì thế, năm 2018 Bộ GD&ĐT đã hỗ trợ để có thêm 5 nNXB được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép xuất bản SGK, gồm: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, NXB ĐH Sư phạm Hà Nội, NXB ĐH Sư phạm TP.HCM, NXB ĐH Sư phạm Đà Nẵng, NXB ĐH Sư phạm Huế. Động thái này đã rộng đường xã hội hóa biên soạn SGK, giúp các NXB có cơ chế để chủ động mời tác giả, tổ chức biên soạn SGK theo quy định.
Thực tế, ngay từ khi Bộ GDĐT đang trong quá trình xây dựng chương trình GDPT mới, nắm bắt được tinh thần xã hội hóa SGK theo NQ88 thì các NXB đã hợp tác, hợp đồng với các nhóm tác giả có kinh nghiệm và nhiệt huyết tham gia biên soạn SGK. NXB là doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp nên có thể thỏa thuận hợp đồng tác giả với nhiều điều khoản rộng rãi. Đây là quyền tự chủ của doanh nghiệp mà luật đã cho phép.
Theo yêu cầu của NQ88, Bộ GDĐT cũng phải tổ chức biên soạn một bộ SGK đầy đủ từ lớp 1 đến 12, bằng vốn vay của WB. Bộ đã triển khai thực hiện nhiệm vụ này, nhưng quá trình thực hiện có nhiều khó khăn do ràng buộc bởi các quy định về quản lý nhà nước và yêu cầu của WB.
Theo quy định của WB, việc tuyển chọn tác giả SGK phải được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi. Việc đấu thầu cần có đủ căn cứ pháp lý để xây dựng cơ cấu, thành phần, số lượng tác giả và biên tập viên kèm theo kinh phí biên soạn đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình. Do đó, việc đấu thầu chỉ có thể tiến hành sau khi các chương trình môn học đã được ban hành.
Với quy định này, khi Bộ GD&ĐT tổ chức đấu thầu tuyển tác giả lần 1 (tháng 3/2019), thì như đã nói ở trên, hầu hết các tác giả, biên tập viên đã ký hợp đồng với các NXB để triển khai biên soạn SGK rất lâu trước đó.
Ngoài ra, WB và Việt Nam cũng có những điều kiện rất ngặt nghèo, như tại một thời điểm, mỗi chuyên gia chỉ được tham gia một hợp đồng. Do đó, đối với đội ngũ tác giả đang thực hiện hợp đồng xây dựng chương trình GDPT, Bộ GD&ĐT không có cơ chế để song song ký hợp đồng biên soạn SGK.
Thời gian thực hiện hợp đồng cũng được yêu cầu phải đảm bảo cân đối giữa chuyên gia đang là cán bộ viên chức và người đã nghỉ hưu. Các chuyên gia đã nghỉ hưu có thể làm toàn thời gian nhưng những người đang là viên chức thì dứt khoát chỉ làm bán thời gian. Hợp đồng có thể 1 năm nhưng thời gian tập trung để tính lương thì chỉ tính được 6 tháng hay 8 tháng đối với người chưa nghỉ hưu, bởi nếu đang là biên chế của đơn vị khác thì theo quy định không được hưởng lương toàn thời gian.
Với tất cả các lý do nêu trên, trong lần đấu thầu tuyển tác giả năm 2019, số lượng hồ sơ đăng ký đã không đủ để Bộ GD&ĐT tổ chức tuyển chọn và thực hiện các công việc tiếp theo. Cũng phải nói thêm rằng, ngoài việc hầu hết tác giả đang kí hợp đồng với các NXB thì còn lý do về tâm lý, là các tác giả viết SGK đa phần là nhà giáo, nhà khoa học, nhà sư phạm uy tín, nên quen với việc được mời làm SGK mà xa lạ với việc tự gửi hồ sơ đấu thầu để được tuyển chọn.
Lúc này, để đáp ứng nhu cầu có SGK đảm bảo chất lượng để triển khai chương trình GDPT mới cho năm học 2020-2021, Bộ GD&ĐT đã tập trung tổ chức thẩm định các bộ SGK xã hội hóa, tập huấn thành viên hội đồng thẩm định, có sự tham gia của chuyên gia quốc tế và WB. Đến nay, chúng ta đã có 5 bộ sách SGK xã hội hóa, được giáo viên, các nhà trường và xã hội đánh giá cao về chất lượng, để thực hiện việc dạy học lớp 1 cho năm học tới đây.
Hiện đã có 5 bộ SGK các môn học bắt buộc ở lớp 1 và 7 quyển SGK Làm quen với tiếng Anh lớp 1 (môn học tự chọn) từ nguồn xã hội hóa để triển khai từ năm học 2020 - 2021.
|
Cơ chế bó buộc
- Trong báo cáo mới đây tại Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT cho biết vướng mắc gặp phải trong lần thứ hai đấu thầu tuyển chọn tác giả SGK khiến việc đấu thầu không thành công lại là việc tác giả yêu cầu về nhuận bút lâu dài, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Thực tế, trong lần thứ hai đấu thầu, do Bộ GD&ĐT có kinh nghiệm quảng bá tốt hơn nên đã thu hút được lực lượng lớn các chuyên gia, trong số đó có nhiều tác giả mới. Bộ đã lựa chọn được 175 người gồm cả chủ biên, tác giả, biên tập viên,...
Nhưng khi thương thảo hợp đồng, có vấn đề nảy sinh. Theo quy định, với các tác giả, thời gian kí hợp đồng và khoản thù lao nhận được là một khoản trọn gói. Có nghĩa là sau thời gian hợp đồng, bản quyền SGK thuộc về nhà nước và các chuyên gia chỉ được lĩnh một lần tiền thù lao. So với thực tế nhận thù lao của các NXB tham gia xã hội hóa SGK, cách trả thù lao này bị mâu thuẫn.
Bộ GD&ĐT không có cơ chế nhuận bút lâu dài, nhuận bút hàng năm, có thể đến hết vòng đời cuốn sách như thỏa thuận hợp đồng giữa các NXB và tác giả. Đó là chưa kể, tác giả và các NXB còn phối hợp viết sách tham khảo, sách bổ trợ, học liệu,... Bộ GDĐT bị ràng buộc cơ chế nên không thể đáp ứng các yêu cầu này của tác giả.
Ngoài ra, cũng như lần trước, hầu hết các ứng viên nộp hồ sơ quyển chọn tác giả đều đang thực hiện hợp đồng biên soạn SGK với các NXB và đã hoàn thành bản mẫu SGK lớp 1, chuẩn bị hoàn thành bản mẫu SGK lớp 2 và lớp 6. Vì vậy, các ứng viên không thể ký hợp đồng với Bộ GD&ĐT để biên soạn từ đầu một bộ đầy đủ SGK từ lớp 1 đến lớp 12.
- Việc thiếu tác giả là vấn đề căn cốt khiến việc biên soạn bộ SGK do Bộ GD&ĐT tổ chức thực hiện theo tinh thần NQ88 chưa thành công hay còn lý do nào khác nữa, thưa PGS?
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Bộ GD&ĐT đã khởi động rất sớm việc biên soạn SGK của Bộ theo tinh thần NQ88, trong đó có nghiên cứu tổng kết chương trình cũ, đánh giá chương trình SGK hiện hành, tổng kết Nghị quyết số 40/2000/QH10 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông,... Những việc đó chúng tôi đều làm rất kĩ.
Nhưng chỉ riêng việc đấu thầu để chọn tác giả thì không làm được do bị ràng buộc bởi các cơ chế như đã nói ở trên.
Khoản vay 16.068.150 USD được sử dụng thế nào?
- Theo NQ88, toàn bộ chi phí để biên soạn bộ SGK do Bộ GD&ĐT chủ trì sẽ sử dụng vốn vay của WB. Xin ông cho biết chi tiết về khoản tiền này?
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Kinh phí xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới; tổ chức biên soạn một bộ SGK giáo dục phổ thông mới (do Bộ GDĐT thực hiện) đã được Chính phủ phê duyệt, bố trí kinh phí thực hiện trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới.
Cụ thể khoản kinh phí biên soạn SGK, theo thiết kế trong sổ tay của dự án RGEP là16.068.150 USD (15.068.150 USD vốn vay WB và 1 triệu USD vốn đối ứng).
Kinh phí này được thiết kế cho nhiều cấu phần chứ không phải tất cả chỉ để trả cho tác giả viết SGK. Việc bồi dưỡng, tập huấn cho tác giả SGK; thuê chuyên gia trong nước và quốc tế tư vấn việc biên soạn SGK; biên soạn SGK song ngữ tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số của một số môn học cấp tiểu học; biên soạn và thử nghiệm SGK điện tử… cũng lấy kinh phí từ nguồn này.
Các bộ SGK xã hội hóa được công bố công khai, lấy ý kiến rộng rãi.
|
- Mặc dù chưa có sản phẩm nhưng Bộ GD&ĐT đã thực hiện nhiều phần việc liên quan. Xin ông cho biết chi phí này đã được sử dụng như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Trước tiên, tôi phải nói thêm về việc giải ngân vốn vay của WB. Theo quy định của WB, việc tuyển chọn tác giả SGK phải được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi. Muốn đấu thầu được thì theo quy định của Việt Nam, chúng tôi phải thực hiện nhiều công đoạn.
Sau khi thống nhất về kế hoạch (bao gồm kế hoạch làm sách, kế hoạch tài chính, kế hoạch đấu thầu và lựa chọn đấu thầu,...) và chương trình SGK, chúng ta phải thống nhất được với WB về từng đầu việc. WB sẽ đánh giá chi tiết rồi cấp thư không phản đối việc Bộ GD&ĐT đấu thầu để tổ chức biên soạn SGK với các chuyên gia và chi phí cụ thể.
Sau khi xong hoàn thành các bước này, muốn đấu thầu để chọn được theo quy định của WB, thông tin này không những phải đưa lên Mạng đấu thầu Quốc gia mà phải được đưa lên Hệ thống trao đổi thông tin đấu thầu của WB (Systematic Tracking of Exchanges in Procurement – STEP) và sẽ có chuyên gia của WB kiểm tra từng hàng mục. Sau khi hoàn tất các hoạt động kiểm tra thì mới bắt đầu triển khai hợp đồng và thực hiện thanh toán theo tiến độ.
Đó là quy trình chung và việc Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn SGK, muốn giải ngân được, cũng phải làm đúng quy trình này.
Do Bộ GD&ĐT chưa tuyển được tác giả, vì thế chưa thể có tiền rót về tài khoản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Khoản kinh phí 16 triệu USD (vốn vay WB và 1 triệu USD vốn đối ứng) - dự kiến để biên soạn SGK - hiện vẫn trong tài khoản của WB.
Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp cùng các Bộ có liên quan đề xuất phương án sử dụng đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
- Xin cảm ơn ông!
Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội yêu cầu việc biên soạn SGK như sau: SGK cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học. Bộ GD&ĐT ban hành tiêu chí đánh giá SGK và phê duyệt SGK được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK; hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Chính phủ ban hành cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng SGK. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn. |